Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Người xóa mù chữ nơi cửa biển Gò Công

Song Vy - 15:13, 24/12/2019

Từ tình yêu thương cùng với tâm huyết, khát khao mong được giúp phụ nữ nghèo đỡ phần cơ cực mà lớp học tình thương của cô Đào Thị Thanh An, hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau) dành cho các bà, các mẹ và các chị em người dân tộc Khmer ra đời từ xứ biển này.

Cô An (người thứ tư từ phải sang trái) cùng Bộ đội Biên phòng tham gia luyện chữ viết cho học viên
Cô An (người thứ tư từ phải sang trái) cùng Bộ đội Biên phòng tham gia luyện chữ viết cho học viên

Từng là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, vì hoàn cảnh gia đình, năm 2001, cô An rời bục giảng. Sau khi ổn định cuộc sống, cô tham gia công tác phụ nữ cơ sở. Với tình yêu thương, khả năng dân vận tốt, cô đã đóng góp rất nhiều cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Đặc biệt, lớp xóa mù chữ của cô An nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ của Đảng ủy, UBND xã. 

Những ngày đầu vất vả với việc phải lội bộ đến từng gia đình vận động, phải nhờ thêm bộ đội biên phòng đi cùng vì cô An không biết tiếng Khmer. Lớp học đã được mở với 15 người đăng ký. Nhưng ngày khai giảng, chỉ có 3 học viên đến lớp. 

Không nản chí, cô An lại đến từng nhà để tìm hiểu tâm tư từng người, nắm hoàn cảnh gia đình rồi lên kế hoạch tiếp theo, với quyết tâm phải duy trì lớp học. “Mình cảm thông khi các chị, các bà đa số là đồng bào dân tộc Khmer mù chữ. Vì mù chữ mà luôn thiệt thòi. Vì mù chữ mà cuộc sống khổ nghèo cứ đeo đẳng mãi. Chỉ có biết chữ mới mong giao tiếp tốt, tính toán làm ăn mới không thua thiệt. Từ đó, mình quyết không bỏ cuộc mà càng dành nhiều thời gian hơn cho lớp học”, cô An chia sẻ. 

Bà Hồ Thị Nê, 60 tuổi, ở ấp Gò Công Đông, là học viên ở nhóm cao tuổi của lớp cho biết: Trong gia đình lúc nào cũng nhắc nhở con cháu lo học hành, mà bản thân một chữ bẻ đôi không biết. Khi cô An vận động, bà thấy thích vì mình cũng muốn biết chữ, nhưng đến khi đi học rồi mới thấy mặc cảm vì già rồi, mấy lần định bỏ. “Nhờ có cô giáo động viên, tôi đã biết đọc. Bây giờ những tờ rơi cán bộ phát để tuyên truyền tôi đọc được hết, khi đi mua thuốc về uống có tờ hướng dẫn sử dụng tôi đọc và hiểu được công dụng của thuốc… Công cô giáo lớn lắm!”.

Thương và hiểu, cô An tìm mọi cách tháo gỡ cho từng trường hợp học viên không đến lớp được. Đối với những bà phải trông cháu thì dẫn cháu theo. Những mùa biển động, cô đi xin gạo cho học viên. Rồi cô cũng linh hoạt giờ học trong những ngày ghe đánh cá vào. Các học viên được cô An động viên cũng hết sức cố gắng, có hôm đến lớp mà quần còn vận lưng, ống cao ống thấp, tay chân đầy vảy cá… 

Chị Thạch Thị Cà Đẹt, dân tộc Khmer ở ấp Gò Công, làm nghề phơi cá khô nói về thành tích học tập vui hơn cả chuyến buôn được giá: “Hai vợ chồng tôi đều là dân tộc Khmer, từ tỉnh Sóc Trăng về bám trụ tại cửa biển Gò Công không đất đai canh tác, không nghề nghiệp ổn định và cũng không biết chữ. Từ khi được cô giáo quan tâm hướng dẫn vay vốn, tham gia Tổ “Đoàn kết” và dạy cho cái chữ bây giờ hết khổ rồi, hết nghèo rồi!”.

Cuối cùng lớp học xoá mù chữ của cô giáo An cũng được duy trì, tập hợp thêm ngư phủ chưa biết chữ trên địa bàn. Đến nay đã giúp hàng trăm học viên biết đọc, biết viết và các phép cộng trừ đơn giản. 

Vượt qua những khó khăn đặc thù của địa phương ven biển, tấm lòng cô giáo An, một Chủ tịch Hội Phụ nữ xã năng động giàu lòng nhân ái đã tạo niềm tin cho đồng bào nơi đây bằng những hành động cụ thể, vận động chị em vào hội, từ đó có chính sách giúp đỡ để chị em thoát nghèo.