Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nguồn lực Chương trình MTQG - Giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh và bền vững vùng “lõi nghèo” của tỉnh Sơn La

V.Minh - 14:47, 29/12/2022

Giai đoạn 2021 - 2025, Sơn La là một trong những tỉnh có địa bàn đặc biệt khó khăn nhiều nhất cả nước, với 125 xã khu vực III và 1.449 bản đặc biệt khó khăn. Tỉnh xác định việc ưu tiên bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG) là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh và bền vững vùng “lõi nghèo” của tỉnh. Trước thềm năm mới 2023, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Trung Dũng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, xung quanh nội dung này.

Ông Đinh Trung Dũng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La.
Ông Đinh Trung Dũng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La.

Ông có thể cho biết hiện trạng kinh tế - xã hội của các xã, thôn, bản thuộc phạm vi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay như thế nào?

Ông Đinh Trung Dũng: Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Sơn La có 202/204 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó có 126 xã khu vực III và 1.449 bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc phạm vi thực hiện Chương trình MTQG.

Những năm qua, từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, địa bàn các xã có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK của tỉnh đã thay đổi rõ nét. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hoàn thiện, mang tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, xã hội phát triển.

Tính đến nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 97% và 73,1% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 87,7% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 97,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 63,4% số xã xây dựng phòng học kiên cố; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 15,472 triệu đồng/người/năm vào năm 2016 lên 48,96 triệu đồng/người/năm vào năm 2022.

Ông Đinh Trung Dũng (bìa trái), Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc tại bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.
Ông Đinh Trung Dũng (bìa trái), Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc tại bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

Trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 267 văn bản chỉ đạo, kết luận, giao nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, với 267 nhiệm vụ (45 nhiệm vụ được giao chủ trì). Trong đó: Có thời hạn: 260 nhiệm vụ; không có thời hạn: 11 nhiệm vụ. Tính đến hết ngày 12/12/2022, ban Dân tộc đã hoàn thành đúng thời hạn: 235 nhiệm vụ; đang thực hiện trong thời hạn: 25 nhiệm vụ; không có nhiệm vụ nào quá thời hạn.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh vẫn còn cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 63.509 hộ, chiếm tỷ lệ 21,66% (tăng 10.122 hộ so với năm 2020, tương ứng 3,28%); tổng số hộ cận nghèo là 30.058 hộ, chiếm tỷ lệ 10,25%. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 còn 17,83%; có 3 huyện được công nhận thoát nghèo (Mường La, Bắc Yên, Vân Hồ). Như vậy, tỉnh còn 2 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ (huyện Sốp Cộp và huyện Thuận Châu).

Với phạm vi, đối tượng thụ hưởng lớn, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đã đạt những kết quả gì, thưa ông?

Ông Đinh Trung Dũng: Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sơn La triển khai 10/10 dự án thành phần của Chương trình MTQG. Mặc dù địa bàn, đối tượng thụ hưởng lớn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này việc thực hiện Chương trình MTQG đã đạt được những kết quả nhất định. Về cơ bản, đến thời điểm này, các địa phương đã tiến hành các bước đầu tư các dự án thành phần Chương trình MTQG, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Trong đó, với nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (Dự án 1) và các địa phương đang tiến hành rà soát lựa chọn và phê duyệt hộ để thụ hưởng chính sách. Các huyện, thành phố cũng đang thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án xây dựng, nâng cấp các công trình nước sinh hoạt tập trung, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo Luật Đầu tư công. Với Dự án 2 (Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết) triển khai tại 17 xã thuộc các huyện: Bắc Yên, Phù Yên, Mường La, Sông Mã, Sốp Cộp, Yên Châu, Vân Hồ và Quỳnh Nhai, các huyện được giao kế hoạch vốn đang tiến hành các bước lập dự án theo quy định Luật Đầu tư công.

Đối với Dự án điện nông thôn (thuộc Dự án 4 - đầu tư cơ sở hạ tầng), Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Công Thương rà soát danh mục đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn của Chương trình MTQG với tổng số 4.284 hộ, tổng mức đầu tư 200,805 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư 3.725 hộ sử dụng điện lưới không an toàn và 273 hộ chưa có điện với tổng mức đầu tư 186 tỷ đồng; đầu tư dân tộc khó khăn đặc thù La Ha 238 hộ sử dụng điện lưới không an toàn và 48 hộ chưa có điện với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng…

Trong 10 dự án thành phần, một số nội dung hiện chưa triển khai do đang chờ hướng dẫn của Trung ương. Như nội dung “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn (Dự án 9), đối với các nội dung đã có hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Dân tộc, các huyện đang xây dựng kế hoạch lập dự toán để triển khai, với các nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể các đơn vị còn đang dừng lại để chờ văn bản hướng dẫn. Hay với Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10, tỉnh đang chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ban hành hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định của Chương trình.

Năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 2.213 nhà cho hộ nghèo, với tổng số kinh phí 156,158 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn lực xã hội hóa. (Trong ảnh: Căn nhà mới của hộ ông Thào A Trang, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên vừa được khánh thành.Ảnh: TL)
Năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 2.213 nhà cho hộ nghèo, với tổng số kinh phí 156,158 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn lực xã hội hóa. (Trong ảnh: Căn nhà mới của hộ ông Thào A Trang, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên vừa được khánh thành.Ảnh: TL)

Theo Báo cáo số 388-BC/TU của Tỉnh ủy Sơn La, năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,71% so với năm 2021 (tăng 1,51 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra); GRDP bình quân đầu người ước đạt 48,96 triệu đồng/người/năm (vượt 1,96 triệu đồng so với kế hoạch); thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 4.550 tỷ đồng, vượt 20,5% dự toán Trung ương giao, bằng 100% kế hoạch HĐND tỉnh giao… Trong lĩnh vực du lịch, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 3,51 lần; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 3,29 lần so với năm 2021. Mộc Châu được công nhận là Điểm đến thiên nhiên hàng đầu Châu Á và Thế giới năm 2022…

 Ông có thể chia sẻ về kết quả giải ngân vốn thực hiện Chương trình MTQG năm 2022 trên địa bàn tỉnh?

Ông Đinh Trung Dũng: Tổng kế hoạch vốn thực hiện với 10 dự án thành phần Chương trình MTQG năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 1.205.518 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 919.418 triệu đồng, ngân sách địa phương là 49.172 triệu đồng; vốn tín dụng là 220.600 triệu đồng, vốn khác là 16.329 triệu đồng. Do các cơ chế, hướng dẫn thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg chậm ban hành, việc giao vốn thực hiện Chương trình MTQG cũng chậm nên phải đến những tháng cuối năm, các địa phương trên địa bàn mới thực hiện giải ngân được một số nội dung đầu tư.

Nhưng nhờ đã chủ động chuẩn bị từ trước, đồng thời với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết quả giải ngân các dự án thành phần của Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Tính đến ngày 20/12/2022, toàn tỉnh đã giải ngân được 138.546 triệu đồng, đạt 15,07% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung của cả nước trong giải ngân vốn Chương trình MTQG.

Ngoài ra, năm 2022 tỉnh Sơn La được Trung ương giao kế hoạch vốn thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 10 về thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KTXH và đảm bảo anh ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi là 12.519 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay các bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện Dự án, do đó tỉnh chưa có cơ để triển khai thực hiện Tiểu dự án. Tỉnh Sơn La đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể tỉnh triển khai thực hiện kịp kế hoạch vốn giao.

Sơn La tổ chức thành công Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.
Sơn La tổ chức thành công Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Cùng với Chương trình MTQG thì năm 2022, lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Đinh Trung Dũng: Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với Chương trình MTQG, Sơn La tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đề án ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong đó, với Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg, Ban Dân tộc đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, UBND các huyện tổ chức 4 hội nghị với 236 đại biểu là Người có uy tín, các hộ gia đình ở địa bàn có người DTTS rất ít người sinh sống; tổ chức tuyên truyền thông qua ngoại khóa tại 7 trường THCS trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La thu hút được hơn 2.000 học sinh tham gia hưởng ứng; in ấn, phát hành 5.000 tờ rơi, tờ gấp với nội dung về giới tính, giới và bình đẳng giới; bạn với pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình…

Cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong năm 2022, Ban Dân tộc đã tiếp nhận điện thoại thông minh của Quỹ Thiện Tâm (VinGrup) hỗ trợ cho 239 điện thoại đến Người có uy tín theo danh sách lựa chọn của Ủy Ban Dân tộc. Ngoài ra, thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 771/QĐ-TTg, Ban Dân tộc đã tổ chức mở 4 lớp/173 công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc thuộc 202 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Ông có thể chia sẻ về tình hình đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh trong năm qua?

Ông Đinh Trung Dũng: Trong năm 2022, trong bối cảnh tình hình chung của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng công tác dân tộc và việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn được tỉnh đặc biệt quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định, đạt hiệu quả. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc cơ bản ổn định và tiếp tục được cải thiện, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới được giữ vững.

Các cấp ngành, địa phương đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh, xã hội. Với Ban Dân tộc, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 đã tổ chức nắm tình hình đón tết của đồng bào các DTTS và trao quà tết cho 148 Người có uy tín trong đồng bào DTTS và 9 suất quà cho 9 xã tại 3 huyện trong tỉnh. Năm vừa qua, tỉnh chịu thiệt hại khá nặng nề cả về người và tài sản do thiên tai, tăng hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng về kinh tế, tính đến hết tháng 10/2022, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính gần 370,9 tỷ đồng, tăng hơn 283,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Mộc Châu được công nhận là Điểm đến thiên nhiên hàng đầu Châu Á và Thế giới năm 2022. (Trong ảnh: Thung lũng Nà Ka, Mu Náu - trị trấn Mộc Châu trong mùa hoa mận nở)
Mộc Châu được công nhận là Điểm đến thiên nhiên hàng đầu Châu Á và Thế giới năm 2022. (Trong ảnh: Thung lũng Nà Ka, Mu Náu - trị trấn Mộc Châu trong mùa hoa mận nở)

Trong năm 2023, cùng với thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, đề án thì Ban Dân tộc tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình đời sống, sản xuất, tâm tư nguyện vọng của đồng bào, nhất là tình hình di cư tự phát, tranh chấp đất đai, tình hình tôn giáo... Từ đó kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, tránh xảy ra bức xúc trong đồng bào DTTS. Đồng thời triển khai kịp thời đầy đủ các nhiệm vụ được giao về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh tại cơ sở, góp phần ổn định sản xuất và đời sống ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Triển khai thực hiện Đề án “Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, trong năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ được 2.213 nhà (2.035 nhà xây mới; 178 nhà sửa chữa) với tổng số kinh phí 156,158 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn lực xã hội hóa. Đến hết năm 2022, đã hoàn thành việc hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại 6 huyện (Vân Hồ, Sốp Cộp, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên). Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; các chương trình mục tiêu quốc gia được quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên.

Mới đây, ngày 24/12/2022, trong buổi làm việc với tỉnh Sơn La về công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG năm 2022, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên trung ương Đảng,  Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu quốc gia, đã đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Sơn La trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG.  Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng đã nhìn nhận, Sơn La đã triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi rất bài bản, nghiêm túc và toàn diện...

Mời độc giả đón xem clip tại đây...


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân có nhà ở ổn định

Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân có nhà ở ổn định

Với mục tiêu “không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp, sở ngành ở Quảng Nam đã huy động nhiều nguồn lực tổng hợp nhằm đẩy mạnh công tác xoá nhà tạm, nhà bán kiên cố cho người dân. Nhờ đó, nhiều hộ dân gặp khó khăn có được căn nhà ở ổn định, an toàn.