Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nguồn nước và sự phát triển vùng DTTS và miền núi: Thách thức đối với sự phát triển bền vững (Bài cuối)

Sỹ Hào - CĐ - 19:06, 13/08/2021

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng căng thẳng về nước theo mùa ngày càng trầm trọng. Điều này không chỉ làm gia tăng rủi ro thiên tai mà còn tạo áp lực vô cùng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.

Giữa tháng 8/2021, trong khi khu vực miền Trung đang oằn minh trong nắng nóng thì các tỉnh miền núi phía Bắc đón mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao (Trong ảnh: Mưa lớn gây sạt lở, tắc đường tại km 11+100, Quốc lộ 12, từ trung tâm huyện Phong Thổ tới Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu ngày 11/8/2021)
Giữa tháng 8/2021, trong khi khu vực miền Trung đang oằn minh trong nắng nóng thì các tỉnh miền núi phía Bắc đón mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao (Trong ảnh: Mưa lớn gây sạt lở, tắc đường tại km 11+100, Quốc lộ 12, từ trung tâm huyện Phong Thổ tới Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu ngày 11/8/2021)

Nắng lắm, mưa nhiều

Từ 25/7 đến 9/8/2021, các tỉnh miền Bắc và miền Trung diễn ra đợt nắng kéo dài và nhiệt độ cao kỷ lục. Theo số liệu của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ cao nhất trong ngày ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung phổ biến trong khoảng từ 36 - 39 độ C

Đặc biệt, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong những ngày đầu tháng 8/2021, nhiều nơi đã ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục của tháng 8 trong nhiều năm qua. Như Lào Cai, mức nhiệt 39,5 độ C đã vượt qua kỷ lục 38,9 độ C ngày 18/8/2016; Lạng Sơn nhiệt độ ngày 5/8/2021 là 37,7 độ C, vượt qua kỷ lục 37 độ C ngày 22/8/1990…

Nắng nóng gay gắt, kéo dài đã làm hụt nguồn nước cấp cho các hồ chứa, nhất là các hồ thủy điện. Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong tháng 7, nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc xuống thấp; như: Hồ Hòa Bình có lúc cách mức nước chết gần 5m, hồ Sơn La còn cách mức nước chết 8m. Còn hồ Thác Bà chỉ còn cách mức nước chết chưa tới 1m…

Trong khi Bắc Bộ dự báo sẽ mưa lớn trong những ngày tới thì khu vực Trung Bộ sẽ tiếp tục những chuỗi ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Theo thông tin từ Hệ thống cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, cả nước đang có 108 vùng trọng điểm cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tập trung chủ yếu ở khu vực Trung Bộ.

Nhưng sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt, từ ngày 10/8, khu vực vùng núi và Trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 100 - 200 mm/đợt; riêng Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu,...  trên 150 - 200 mm/đợt. Đáng lưu ý là, thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng; nguồn nước từ thượng lưu dồn dập đổ về vùng trũng thấp, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất rất cao.

Ngay trong ngày 10/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (gọi tắt là Văn phòng Thường trực PCTT) đã phát đi cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi. Đặc biệt là ở các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh.

Mặc dù cảnh báo đã được phát đi rất sớm, nhưng do mưa lớn, cùng với đó là sự chủ quan của con người, một sự cố thiên tai đau lòng đã xảy ra ở Quảng Ninh. Cụ thể, khoảng 4 giờ sáng ngày 12/8, một đoạn bờ kè tại tổ 8, khu 4, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã bị sạt lở, đổ ập xuống lán trại của một nhóm công nhân xây dựng đang thi công ngôi nhà cạnh đó.

Vụ sạt lở vùi lấp 4 công nhân, sinh sống tạm thời trong lán dựng tạm ngay bên dưới chân kè. Khi sạt lở, 4 người đang ngủ nên không kịp chạy thoát. Sự cố khiến 3 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng.

Vụ sạt lở gây thương vong lớn này, là lời cảnh báo cho các địa phương miền núi phía Bắc. Bởi dự báo của Văn phòng Thường trực PCTT cho thấy, trong các ngày 14 - 15/8, ở Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa dông trên diện rộng, vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Phải nhắc lại rằng, hiện đã bước vào cao điểm của mùa mưa, cũng đồng nghĩa thường xảy ra những sự cố thiên tai đặc biệt nguy hiểm. Còn nhớ, cùng thời điểm này năm trước, sau nhiều tháng oằn mình trong nắng hạn, khu vực miền Trung đã chìm trong những đợt mưa lớn kéo dài, trên diện rộng. Mưa trong gần 2 tháng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho khu vực này, nhất là các sự cố lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở Quảng Nam, Quảng Trị…

Các sự cố thiên tai liên quan đến nước cũng diễn ra trầm trọng trong 7 tháng đầu năm 2021. Theo số liệu của Văn phòng Thường trực PCTT, từ đầu năm đến ngày 29/7, cả nước đã xảy ra 6 đợt nắng nóng và 41 trận mưa lớn, lũ cục bộ; trong đó 6 trận lũ ống, lũ quét. Thiên tai trong 7 tháng đầu năm đã làm 33 người chết, 43 người bị thương.

Áp lực cho sự phát triển bền vững

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các loại hình thiên tai liên quan đến nước ngày càng gia tăng. Do nguồn nước phân bổ không đều theo thời gian và không gian, nên tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ… đã và đang là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Sự cố sạt lở bờ kè khiến 3 người tử vong xảy ra rạng sáng 12/8/2021 tại Quảng Ninh
Sự cố sạt lở bờ kè khiến 3 người tử vong xảy ra rạng sáng 12/8/2021 tại Quảng Ninh

Áp lực rõ nhất là nỗ lực giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hàng chục năm nay, nguồn lực bố trí để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực miền núi là không hề nhỏ, nhưng những nhu cầu bức thiết này vẫn chưa thể giải quyết được một cách triệt để.

Báo cáo số 732/BC-UBDT về "Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020" ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc cho thấy, qua thống kê sơ bộ thì vùng DTTS và miền núi vẫn còn gần 83 nghìn hộ người DTTS thiếu đất sản xuất; gần 223,5 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt... Đặc biệt, vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn còn hơn 58,1 nghìn hộ thiếu đất ở.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có ít đất nông nghiệp nhất trên thế giới - đứng thứ 159 thế giới từ năm 2002. Đất nông nghiệp đang thu hẹp dần do thiên tai và tình trạng phá rừng, đốt cây cỏ làm nương rẫy, khai thác bừa bãi các mỏ quặng, mỏ than. Ngoài ra, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến mỗi năm chúng ta mất trên 100.000 ha đất nông nghiệp loại tốt, chủ yếu là đất lúa ở các tỉnh đồng bằng.

Đất ở là nhu cầu tối thiểu của người dân, nhưng đã và đang bị đe dọa bởi thiên tai; không chỉ ở vùng sâu, vùng có nguy cơ cao, mà ngay ở những điểm được xem là an toàn. Lấy sự cố thiên tai xảy ra tại tổ 8, khu 4, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) rạng sáng 12/8 làm dẫn chứng, ngoài vùi lấp 4 công nhân (3 người tử vong) thì vụ sạt lở còn khiến 2 gia đình phải di chuyển khẩn cấp.

Cùng với đất ở, thì nhu cầu về sinh kế bền vững cho người dân miền núi đang là một bài toán khó. Vốn dĩ, thu nhập của người dân miền núi  phần lớn từ sản xuất nông lâm nghiệp, tức là phải có đất sản xuất. Tuy nhiên, quỹ đất sản xuất ở miền núi, vốn đã eo hẹp lại đối diện với nguy cơ thoái hóa, thậm chí bị sa mạc hóa, ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân phần lớn là do thiên tai, nhất là sau các đợt hạn hán, mưa lũ,...

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Trong đó, Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thực trạng này.  Riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi còn nhiều vùng đồi núi trọc đang bị mưa lũ làm lở đất, xói mòn và suy thoái đến khô cằn hoang mạc. 

Đây là những vấn đề đáng lo ngại, là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp, rộng ra là thách thức đối với sự phát triển bền vững của vùng DTTS và miền núi nói riêng, cả nước nói chung. Do đó, cùng với những giải pháp cấp thiết, trước mắt, thì các cấp ngành hữu quan phải xây dựng được chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước, từ đó chủ động ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân, góp phần ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, phát triển đất nước./.