Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Nguy cơ biến mất di vật, cổ vật của đồng bào DTTS

PV - 15:02, 23/01/2019

Di vật, cổ vật của cộng đồng các DTTS là một trong 3 nhóm cần bảo tồn theo Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các DTTS Việt Nam, giai đoạn 2017-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặc dù được xác định là cấp thiết bảo tồn, nhưng trên thực tế, kho tàng di vật, cổ vật của đồng bào DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một ngày càng nghiêm trọng.

Bài 1: Buôn làng mất dần vốn cổ

Di vật hay cổ vật đều là những hiện vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng các DTTS. Nhưng hiện nay, di vật, cổ vật của đồng bào các DTTS đang mất dần.

Sau cổ vật, di vật cũng dần biến mất

Tây Nguyên là vùng đất có nền văn hóa truyền thống đa dạng của cộng đồng các DTTS, đặc biệt là những giá trị văn hóa đặc sắc được kết tinh trong những hiện vật. Đó là cồng chiêng, ché cổ, trống da voi, bộ ngà voi, cang tai, bộ trang phục thổ cẩm, nhẫn bạc... có từ hàng trăm năm. Nhưng trong một thời gian dài, các buôn làng Tây Nguyên lâm vào tình trạng “chảy máu” cổ vật khi những tay buôn đồ cổ ráo riết săn lùng, “hồn cốt của đại ngàn” dần rời xa các buôn làng Tây Nguyên.

Bảo vệ vốn cổ văn hóa nhằm phát huy di sản văn hóa các DTTS Việt Nam. Bảo vệ vốn cổ văn hóa nhằm phát huy di sản văn hóa các DTTS Việt Nam.

Hiện nay, Tây Nguyên không còn “nóng” tình trạng mua bán cổ vật. Có ý kiến cho rằng, đó là nhờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng và quyết tâm giữ gìn của chính quyền địa phương.

Nhưng cũng có ý kiến lại nói, sở dĩ không còn “nóng” nữa bởi cổ vật của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên còn đâu nữa mà săn lùng. Rất nhiều cổ vật có từ hàng trăm năm của đồng bào đã rơi vào tay giới “thời thượng”, mê đồ cổ.

Ý kiến này có lẽ là xác đáng bởi gần đây, những tay chơi “thời thượng” bắt đầu sục tìm bất kể vật dụng gì liên quan đến đời sống cổ xưa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. Đó là thuyền độc mộc, cung, ná, giáo, mác, ly, chén thờ cúng… có tuổi đời vài chục năm trở lên.

Đó chưa phải là cổ vật, nhưng lại là những di vật gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc. Do đồng bào chưa ý thức được phải giữ gìn di vật của gia đình, dòng họ, lại không thể từ chối trước sức hút của đồng tiền nên đã để di vật quý rời khỏi buôn làng.

Đơn cử như trường hợp ông Y Phai, dân tộc M’nông, ở buôn M’rơng, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk). Quê ông vốn ở xã Krông Nô (huyện Lăk, Đăk Lăk) lên buôn M’rơng lập nghiệp, lấy vợ. Khi về quê mới, ông được mẹ đẻ dày công dệt tặng cho chiếc áo “chiến binh” truyền thống bằng sợi vỏ cây làm “của hồi môn”. Chiếc áo đã theo gia đình ông hơn bốn chục năm, nhưng vừa rồi đã bán cho một nhà thiết kế thời trang ở TP. Hồ Chí Minh để bổ sung vào bộ sưu tập thổ cẩm còn khuyết thiếu.

Tương tự, ở nhiều địa phương khác cũng vậy, nhiều gia đình sẵn sàng bán đi cái gì đáng giá khi có người gạ gẫm, hỏi mua. Bà H’Ploát Buôn Krông, ở buôn Ky, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk); hay ông Y Kin HD’her, ở buôn N’Drếk, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) đã không một chút đắn đo để cho người ta chở đi bộ chày cối giã gạo, cuộn thang dây làm bằng mây rừng có tuổi thọ bằng một đời người, chỉ với khoản tiền trên dưới một triệu đồng. Hỏi họ vì sao phải bán đi, thì được trả lời: Có dùng vào việc gì đâu mà để lại, nó lăn lóc trong góc bếp, xó nhà…

“Dân chơi” ráo riết săn lùng

Đến nay, chưa ai thống kê được có bao nhiêu cổ vật của các dân tộc ở Tây Nguyên rời khỏi buôn làng (trừ cồng chiêng). Với dân chơi cổ vật, vài triệu đồng đến cả vài trăm triệu đồng để có được một món hàng ưng ý chẳng đáng là gì, họ sẵn sàng chi không tiếc tay.

Những người sưu tập đồ cổ của đồng bào các DTTS đều có những mục đích khác nhau. Người thì vì tâm huyết giữ gìn vốn cổ; người thì để thỏa mãn niềm đam mê văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Như gia đình bà Ngô Thị Kim Cúc, ở phường Tự An (TP. TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) hiện đang sở hữu gần 3.000 hiện vật là chiêng, chóe, trống, vật dụng sinh hoạt và đồ trang sức bằng đá, kim loại của nhiều tộc người. Những đồ cổ này được bà mua lại từ các buôn làng Tây Nguyên trong hơn 30 năm làm công tác bảo tàng.

Bà Cúc cho hay, vì thấy tiếc và không nỡ nhìn vốn văn hóa của bà con “chảy máu” nên bà gom góp tiền mua về. Đã không ít lần bà Cúc đề nghị với các sở, ngành liên quan tạo điều kiện để đưa bộ sưu tập này ra giới thiệu trước công chúng tại một địa điểm nào đó thích hợp, góp phần vào việc bảo tồn, bảo tàng giá trị văn hóa của các cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Đăk Lăk.

Hay như anh Nguyễn Văn Hưng, ở xã Ia Kly (huyện Chư Prông, Gia Lai) đang sở hữu kho cổ vật rất quý giá. Trong đó có những cổ vật thuộc loại rất quý trong nghiên cứu khảo cổ bởi chúng có niên đại từ hậu kỳ đá mới đến giai đoạn sơ kỳ đồ đồng thau (cách đây 4.000-3.000 năm).

Bên cạnh những người có tâm huyết giữ gìn với sự trân trọng văn hóa truyền thống, thì cũng có người săn lùng để buôn bán, trao đổi. Có không ít đại gia đồ cổ là những người kinh doanh đưa cổ vật, di vật của đồng bào DTTS chu du bốn biển nhằm mục đích kiếm lời. Theo tìm hiểu, các báu vật của đồng bào các DTTS được giới sưu tầm đồ cổ mua để bán ra thị trường, với giá gấp hàng chục đến hàng trăm lần, một số có giá trị cả tỷ đồng. Hàng ngàn đồ cổ nằm trong các viện bảo tàng hiện nay, đa số có giá trị thấp hơn các cổ vật mà giới đồ cổ sở hữu.

Trước thực tế đó, việc cần làm ngay là phải bảo vệ để bảo tồn nhưng di vật, cổ vật của đồng bào DTTS. Tuy nhiên, “việc cần làm ngay” này dường như chỉ có một số cá nhân tâm huyết đang ngày đêm “vác tù và”, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO