Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nguy cơ cháy nhà do chập điện mùa khô

PV - 10:58, 10/04/2019

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy nhà của người DTTS mà nguyên nhân đều do chập điện. Trước tình trạng trên, đồng bào DTTS cần nâng cao cảnh giác, tránh các tình huống đáng tiếc tương tự xảy ra.

Một phút mất cảnh giác

Mới đây, tại buôn Kting, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Cụ thể vào tối 19/3, 2 vợ chồng anh Nay Tôn đi làm và ngủ lại trên rẫy cà phê, nhà chỉ có một mình con gái học lớp 7 ở nhà. Trong lúc, đang ngủ, cháu phát hiện có mùi khét và bị cháy. Rất may cháu đã chạy thoát ra ngoài và tri hô mọi người tới dập lửa. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ căn nhà với thiệt hại lên tới 150 triệu đồng.

Anh Nay Tôn buồn rầu chia sẻ, kinh tế của gia đình anh vốn đã rất khó khăn. 2 vợ chồng ở với nhau chưa có điều kiện xây nhà nên ở trong căn nhà sàn cũ bố mẹ cho. Cũng do không có tiền nên đường dây điện chỉ được mắc tạm bợ, thỉnh thoảng xảy ra chập điện. Nhưng do chủ quan nên gia đình cũng không sửa chữa gì. Đêm 19/3 nhận được thông báo nhà bị cháy vợ chồng anh chị vội về thì căn nhà đã cháy rụi chỉ còn trơ lại mấy cây cột đen thui. Anh Nay Tôn cho biết, hiện nay gia đình anh phải sang ở tạm nhà người quen và không biết bao giờ mới có tiền dựng lại nhà.

Vụ hỏa hoạn do chập điện khiến nhà anh Rơ Ô Đông cháy trụi. Vụ hỏa hoạn do chập điện khiến nhà anh Rơ Ô Đông cháy trụi.

Không chỉ riêng gia đình Nay Tôn, trước đó ngày 15/3, sự cố chập điện gây cháy nhà, nổ bình ga đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà sàn rộng trên 40m2 và 1 chiếc xe máy của gia đình anh Rơ Ô Đông, buôn Chik, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa. Tổng thiệt hại của gia đình anh Đông là hơn 250 triệu đồng sau vụ hỏa hoạn.

Anh Rơ Ô Đông chia sẻ, mặc dù bản thân anh không hiểu biết về điện, nhưng do gia đình ở vùng sâu, vùng xa không tiện đi lại nên anh tự mày mò đấu nối đường điện trong nhà. Các đường dây điện trước đây cũng do anh mua ở cửa hàng tạp hóa, chủ yếu là loại nhỏ để tiết kiệm. Ngoài ra, anh cũng tận dụng các đường dây điện cũ, có đoạn nào thì mang về mắc để sinh hoạt. Anh cũng không ngờ việc tự đấu nối này lại gây ra nguy hiểm như vậy. Anh Rơ Ô Đông chia sẻ, người dân trong vùng cần cẩn trọng hơn trong việc sử dụng điện, không nên tự đấu nối dẫn đến cháy nổ như gia đình anh.

Hai vụ hỏa hoạn trên không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cho mọi người trong việc sử dụng nguồn điện an toàn trong mùa khô trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Cần nâng cao cảnh giác

Chia sẻ về tình trạng này, ông Lê Quang Trường, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết, hầu hết các vụ cháy do chập điện đều xuất phát từ sự chủ quan của các hộ dân. Ở các vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn thường tự ý đấu nối, sử dụng dây kém chất lượng, không tắt nguồn điện trước khi ra khỏi nhà…

Đồng thời, mùa nắng nóng, người dân thường xuyên sử dụng các thiết bị làm mát dẫn đến quá tải nguồn điện, dễ gây chập điện. Các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai thường sống trong nhà sàn gỗ, cộng với khí hậu, thời tiết nắng nóng mùa khô Tây Nguyên khiến các vật dụng sinh hoạt dễ bắt lửa là nguyên nhân chính khiến hỏa hoạn xảy ra.

Để nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn, nhất là các hộ DTTS về đảm bảo an toàn khi sử dụng điện trong mùa khô, Công ty Điện lực Gia Lai khuyến cáo người dân nên sử dụng cầu chì, thiết bị điện phù hợp với công suất điện trong nhà. Đảm bảo dây điện đúng thiết kế, chất lượng. Thường xuyên kiểm tra các mối nối xem có chạm không để kịp thời thay thế, xử lý. Ngoài ra, với các hộ sử dụng các thiết bị như bàn là, bếp điện khi dùng xong phải tắt nguồn điện ngay. Nếu có điều kiện, các thiết bị điện cần có hệ thống tiếp đất.

Ngoài ra, phía Công ty Điện lực Gia Lai cũng thường xuyên kiểm tra, đình chỉ những lưới điện người dân tự kéo không đúng kỹ thuật, không đảm bảo an toàn; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, nhà dân nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

THUẬN THIÊN

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.