Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất Thanh Hóa: Phải bảo đảm an toàn cho người và tài sản

Quỳnh Trâm - 08:08, 20/10/2020

Tại Thanh Hóa, có 7 huyện được cảnh báo có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trong thời điểm hoàn lưu bão gây mưa. Trong số đó, 4 huyện, gồm: Quan Sơn, Lang Chánh, Như Thanh và Mường Lát đều nằm trong diện có nguy cơ cao; 2 huyện: Bá Thước, Quan Hóa có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở mức độ trung bình.

Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị xóa sổ do lũ ống lũ quét vào tháng 8/2019.
Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị xóa sổ do lũ ống lũ quét vào tháng 8/2019.

Theo rà soát của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50.000 hộ ở khu vực ven biển, cửa sông phải sơ tán khi có bão; hơn 48.000 hộ nằm ở khu vực bãi sông, ven sông nơi không có đê phải sơ tán khi có lũ; 23.000 hộ ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt. Đặc biệt, Thanh Hóa có gần 10.000 hộ ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Đối với hệ thống công trình hồ đập, toàn tỉnh hiện có 3 hồ chứa gặp sự cố hư hỏng. Đáng chú ý, tại huyện Như Thanh, xuất hiện một vết nứt dài 173m tại thân đập hồ Sông Mực khiến người dân hết sức lo lắng.

Ông Lê Cao Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi nhánh Thủy lợi Như Thanh (đơn vị được giao quản lý, vận hành hồ Sông Mực) cho hay, vết nứt đã xuất hiện hồi đầu tháng 9/2020. Vết nứt dài 173m, rộng 3 - 5cm, sâu trung bình 1m, nằm ngay giữa thân đập, đoạn được nâng cấp, sửa chữa năm 2007.

Công ty Sông Chu đã báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa để tìm hướng xử lý, khắc phục sự cố. Tuy nhiên, hiện tại vấn đề khắc phục sự cố vẫn chỉ dừng lại ở việc sử dụng bạt che chắn nước mưa ngấm vào thân đập.

“Mấy ngày nay, lượng mưa chưa lớn, mực nước trong hồ đang dưới mức thiết kế, nên tạm thời thân đập vẫn ở mức an toàn. Vết nứt đã được che bạt để chống nước mưa tràn sâu vào lòng thân đập. Chúng tôi đã lập chốt khống chế tải trọng, cấm xe ô tô, xe tải lưu thông qua đập”, ông Thắng cho biết.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, toàn tỉnh hiện có 4 công trình đê điều, 23 công trình hồ chứa đang thi công. Trong số này có 3 công trình mới triển khai thi công, khối lượng ước đạt 5 - 15% chưa bảo đảm tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trước mùa mưa lũ năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án huy động lực lượng tham gia công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã ký kết với các đơn vị lực lượng vũ trang của Quân khu 4 sẵn sàng tham gia công tác PCTT.

“Năm 2020, tỉnh tập trung vào công tác hậu cần, sơ tán dân. Rút kinh nghiệm sạt lở tại khu vực miền núi những năm gần đây, tỉnh chú trọng phương án khắc phục sạt lở đất bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc với vùng lũ”, ông Nam thông tin.

Trong buổi làm việc tại Thanh Hóa mới đây, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị, tỉnh Thanh Hóa quan tâm 3 hồ chứa, 5 đê đang hư hỏng, xuống cấp, các hồ đang thi công. Đặc biệt, lưu ý các hồ chứa đang thi công chưa bảo đảm tiến độ vượt lũ, vì lũ về nguy cơ sự cố sẽ lớn. Đối với khu vực miền núi, khi có mưa lớn, nước sẽ dồn về dẫn đến nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét là rất lớn.

Tin cùng chuyên mục