Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nhà Gươl rộn tiếng học bài

PV - 14:13, 08/11/2021

Năm học mới này, học trò Cơ Tu tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) được học online tại một lớp học vô cùng đặc biệt - lớp học tại nhà Gươl.

Buổi học bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ.
Buổi học bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm chậm thời gian đến trường nhưng các thầy, cô giáo vẫn nỗ lực hết mình để không làm chậm việc học của các em.

Nơi đặc biệt

Thôn Tà Lang và Giàn Bí của xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng chừng 40 km. Đây là khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Những ngày này, ngôi nhà Gươl truyền thống trở thành lớp học online cho học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương.

Xã Hòa Bắc được xem là xa nhất của TP Đà Nẵng. Nơi đây, học sinh gặp muôn vàn khó khăn trong việc học trực tuyến bởi thiết bị công nghệ cao không có nhiều, đường truyền kém, sóng chập chờn... Song, bằng tất cả niềm hăng say học tập, tinh thần vượt khó vươn lên, các em đã khắc phục mọi khó khăn để tìm đến cái chữ.

6 giờ sáng mỗi ngày, em Đinh Thị Minh Phượng cùng Trương Quốc Mạnh (trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tri Phương, bắt đầu đi bộ khoảng 3 km từ nhà xuống nhà Gươl thôn Tà Lang để chuẩn bị cho buổi học online của mình.

Trong ngôi nhà Gươl, máy vi tính được nhà trường đặt ngay ngắn bên trong để phục vụ cho việc học của các em. Ngôi nhà sạch sẽ, rộng chừng 100m2, chỉ vỏn vẹn có 3 học sinh Cơ Tu ngồi cạnh nhau, chăm chú nhìn màn hình máy tính, học trực tuyến cùng thầy cô và các bạn.

Ba mẹ đi làm rẫy nên kinh tế gia đình Phượng rất khó khăn, không có điện thoại thông minh để học trực tuyến tại nhà như các học sinh vùng khác. Chính vì thế, từ khi trường tổ chức học trực tuyến đến nay, hằng ngày, Phượng đều phải dậy sớm rồi xuống nhà Gươl để học cùng bạn.

“Nhà em chỉ có 1 chiếc điện thoại dành cho đứa em học ở nhà. Để xuống nhà Gươl học cùng bạn, em thường đi sớm 30 phút để kiểm tra thiết bị, kịp giờ vào lớp. Ba mẹ đi làm rẫy trưa không về nên học xong, em trở về nhà để nấu cơm cho 2 chị em cùng ăn”, Phượng nói.

Cùng tham gia học tại nhà Gươl, em Trương Quốc Mạnh (thôn Tà Lang) cho biết, đây là buổi học online thứ 3 của em. “Trước đó, nhà trường thường xuyên soạn bài tập, in, phát tận tay cho học sinh để làm bài. Giờ em được trường tạo điều kiện học trực tuyến tại nhà Gươl của thôn nên việc tiếp thu bài giảng tốt hơn. Các cô và thầy rất tận tình giảng bài cho chúng em, phần nào chưa hiểu có thể hỏi thêm bạn và thầy cô nên việc học diễn ra khá thuận lợi”, Mạnh chia sẻ.

Dù lớp học chỉ có 3 học sinh nhưng không khí khá nghiêm túc. Mạnh và Phượng thực hiện thành thạo thao tác trên máy tính, trả lời được câu hỏi và mà giáo viên đưa ra. Mặc dù, việc học đã suôn sẻ hơn rất nhiều do được online cùng bạn hàng ngày nhưng Mạnh và Phượng vẫn mong sớm được đến trường gặp bạn bè và thầy cô.

Mạnh và Phượng học online tại nhà Gươl thôn Tà Lang.
Mạnh và Phượng học online tại nhà Gươl thôn Tà Lang.

Hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh

Một tín hiệu tích cực đối với nhiều học sinh đồng bào dân tộc Cơ Tu, là bên cạnh các thiết bị học trực tuyến, dù là tối thiểu nhất, thì các bậc phụ huynh luôn dành thời gian để cùng con tham gia vào bài học, đồng thời hỗ trợ các em ôn lại các kiến thức cơ bản sau khi buổi học kết thúc.

“Do dịch bệnh nên trẻ phải học ở nhà. Khi con học, mình gác lại công việc qua một bên để kèm cháu. Con chuyển sang học online ở nhà Gươl, dù không thể theo con đến đó nhưng gia đình thường xuyên nhắc cháu ôn bài, đồng thời trao đổi tình hình học tập với thầy cô. Mong sao hết dịch để cháu đi học ở trường sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hơn”, anh Trương Quốc Minh – phụ huynh em Mạnh chia sẻ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Phạm Minh Vũ - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) - cho biết: Trường có 65 học sinh là con em đồng bào Cơ Tu ở hai thôn gồm Tà Lang, Giàn Bí. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nên nhà trường đã bàn với người dân lấy nhà Gươl để các em làm chỗ ngồi học online.

“Người dân đã giao chìa khóa nhà Gươl, sửa soạn lại bàn ghế và để học sinh ngồi học. Trường đã bố trí máy tính để các em đến học. Các trường hợp như: Không có điện thoại, hoặc điện thoại cũ… đều có thể đến học. Hiện, có 3 học trò thường xuyên học tại nhà Gươl của thôn”, thầy Vũ thông tin đồng thời cho hay: 62 học sinh Cơ Tu còn lại đều được tiếp cận chương trình học online của trường ở nhà.

Ngoài ra, một số em học sinh người Kinh chưa có trang thiết bị, trường cũng vận động các em đến nhà bạn để học tạm thời. Do dịch Covid-19 nên không thể tập trung hết học sinh thiếu trang thiết bị học tập trung tại nhà Gươl được. Đồng thời, trường lên danh sách học sinh thiếu trang thiết bị học tập để báo cáo cấp trên hỗ trợ. Dự kiến, 30 máy tính bảng được trao tặng cho các em nơi đây.

Nhằm giúp các em tiếp thu bài tốt, giáo viên phải soạn giáo án với nội dung đơn giản, ngắn gọn nhất, thêm nhiều ví dụ để học sinh dễ hiểu và dành thời gian để hướng dẫn trực tiếp với tinh thần là hỗ trợ hết sức có thể giúp các em tiếp thu tốt kiến thức. - Thầy Phạm Minh Vũ

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.