Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hà Giang: Khó khăn mới trong việc vận động học sinh đến lớp

Lê Hải - 22:14, 07/11/2021

Không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều học sinh ở các xã nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã nghỉ học do gia đình các em không có tiền để trang trải chi phí ăn ở hằng tháng khi đi học xa nhà. Từ thực tế này, nhiều giáo viên đã phải băng rừng, lội suối vào bản để vận động các em học sinh trở lại trường học.

Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Quyết Tiến (ngoài cùng bên trái) đến nhà em Ma Mí Thắng ở thôn Bình Dương để vận động em trở lại trường
Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Quyết Tiến (ngoài cùng bên trái) đến nhà em Ma Mí Thắng ở thôn Bình Dương để vận động em trở lại trường

Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành, nhiều xã khu vực III, khu vực II đạt chuẩn NTM đã được xác định là xã khu vực I và không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, các em học sinh cũng không được hưởng các khoản trợ cấp của Nhà nước hỗ trợ như những năm học trước.

Theo chân các thầy cô giáo Trường PTDTBT THCS xã Quyết Tiến đi vận động học sinh đến trường mới thấy con đường tới trường của các em học sinh vô cùng vất vả. Quãng đường gần 10km, ngoằn ngoèo, dốc cao dốc thấp, không ít lần đoàn phải xuống đẩy xe để vượt qua những con suối hoặc các đoạn lầy. Không ai bảo ai nhưng trong mỗi người đều chung suy nghĩ, người lớn đi lại đã khó, như vậy, học sinh lớp 7 làm sao có thể đi về trong ngày khi tới trường?

Đến thôn Bình Dương, chúng tôi vào thăm gia đình em Ma Mí Thắng (dân tộc Mông), bố Thắng mới mất, nhà chỉ còn 3 mẹ con. Trong ngôi nhà trình tường truyền thống của gia đình em trống trải, không có một đồ vật gì có giá trị. Chị Vàng Thị Mẩy (mẹ Thắng) chia sẻ: “Nhà tôi là hộ nghèo hơn chục năm nay. Gia đình không có đất nương, chủ yếu đi trồng ngô, trồng lúa nhờ trên đất của người khác nên thu hoạch cũng không được bao nhiêu. Trước đây, bố Thắng là trụ cột kiếm tiền trong gia đình. Từ khi bố cháu mất đã 3 tháng nay, trong nhà chẳng còn đồng nào. Không có tiền để nộp tiền ăn, tiền học cho con nên tôi cho cháu nghỉ học”.

Sau khi được cô Nhữ Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Quyết Tiến động viên, mẹ Thắng đã đồng ý cho em tiếp tục trở lại trường học.

Cô Hiền chia sẻ, mặc dù là xã NTM nhưng đường đến trường của học sinh vùng cao còn gian nan lắm. Nhà cách xa trường, các em phải đi bộ đường rừng tới trường. Hôm nào trời mưa, đường trơn trợt, nước suối dâng cao thì các em đều phải nghỉ học. Trước kia, các em được ở bán trú thì sẽ không phải mất nhiều thời gian đi lại như hiện nay. Đầu năm học này, khi có thông tin học sinh ở trường không còn được hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú nữa, nhà trường đề xuất mỗi hộ đóng góp cho trường 3kg rau/tuần và10 kg gạo/tháng để chúng tôi nấu ăn cho học sinh. Mức đóng góp như vậy là thấp nhưng nhiều gia đình vẫn không thể lo được cho con em mình. Hiện tại, chúng tôi đang vận động các nguồn xã hội hóa để có lương thực nấu ăn cho các em, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Học sinh Trường PTDTBT THCS xã Quyết Tiến (Quản Bạ) nộp rau cho bếp ăn của Nhà trường
Học sinh Trường PTDTBT THCS xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) nộp rau cho bếp ăn của Nhà trường

Được biết, năm học 2021 - 2022, Trường THCS xã Quyết Tiến có 561 học sinh, hầu hết là con em đồng bào DTTS. Hiện tại, nhà trường chỉ có 158 học sinh được hưởng tiền ăn trưa ở trường theo Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh với mức hỗ trợ 298 nghìn đồng/học sinh/tháng. Năm học trước, trường có 220 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 116 thì năm học này, các em không còn được thụ hưởng chế độ này nữa. Thêm vào đó, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên gia đình các em thực sự gặp nhiều khó khăn.

Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học xã Quản Bạ, cô Hoàng Thị Bình, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Trường có tổng số 459 học sinh, trong đó có 58 em ở thôn Pản Hò được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh, mức hỗ trợ 298 nghìn đồng/tháng. Năm học trước, có 115 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 116, nhưng năm học này, các em không còn được hỗ trợ nữa. Với số tiền ăn trưa như hiện nay, nhà trường đang rất khó khăn trong việc cân đối kinh phí để mua thực phẩm nấu ăn cho các em.

Thực tế, trường có nhiều học sinh nhà ở cách xa trường 10 đến 12km, các em còn quá bé để tự đi học, bố mẹ thì bận đi làm nương rẫy cả ngày nên nhà trường vẫn tạo điều kiện cho các em ở lại ăn trưa, thậm chí là ăn cả ngày ở trường. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này không thể bảo đảm lâu dài do trường không có kinh phí. Hiện tại, việc duy trì sỹ số của nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn, chưa có năm học nào số học sinh nghỉ học  cao như năm nay.

Cô Bình cho biết thêm, Nghị định 116 của Chính phủ quy định, nếu trường có 25% số học sinh ở các thôn khó khăn và trường bảo đảm tiêu chí là trường bán trú thì các em học sinh vẫn được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116. Chiếu theo quy định thì nhiều em học sinh của Trường PTDTBT Tiểu học xã Quản Bạ vẫn nằm trong diện được thụ hưởng chính sách này. Tuy nhiên hiện nay, học sinh của trường vẫn chưa được hưởng chế độ bán trú cho học sinh. Nhà trường đang đề nghị UBND huyện, tỉnh có chỉ đạo để triển khai thực hiện các chế độ chính sách cho các em học sinh. 

Tin cùng chuyên mục