Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nhà máy nước sạch 113 tỷ vừa sử dụng đã hư hỏng

PV - 14:55, 22/03/2019

Nhà máy nước sạch xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có kinh phí đầu tư 113 tỷ đồng do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư . Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng chỉ mới 2 năm, nhưng nhiều hạng mục đã xuống cấp hư hỏng gây bức xúc trong dư luận.

Nhà máy nước sạch xã Long Thành có tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng , gồm hợp phần cấp nước 102,7 tỷ đồng, hợp phần vệ sinh 8,9 tỷ đồng… Trong đó, 87% nguồn vốn đầu tư dự án vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn đối ứng từ các hộ đấu nối sử dụng nước từ dự án, ngân sách địa phương là 13%. Theo thiết kế, quy mô đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch có công suất 3.500m3/ngày; chất lượng nước đáp ứng quy chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế phục vụ nước sinh hoạt cho Nhân dân các xã Long Thành, Vĩnh Thành, Khánh Thành và Trung Thành. Đây là vùng đất thường xuyên thiếu nước do bị ngập lụt của huyện Yên Thành nên khi dự án triển khai được đông đảo Nhân dân ủng hộ.

Bể chứa nước thô lắng lọc của Nhà máy có hiện tượng lún, nhiều điểm nứt rạn, rỉ nước ra ngoài. Bể chứa nước thô lắng lọc của Nhà máy có hiện tượng lún, nhiều điểm nứt rạn, rỉ nước ra ngoài.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân sống ở xã Long Thành, công trình mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện hư hỏng và xuống cấp một số hạng mục. Cụ thể, bể chứa nước thô lắng lọc có hiện tượng lún, xung quanh bể xuất hiện nhiều điểm nứt rạn, rỉ nước ra ngoài. Ngoài ra, tại hạng mục lát nền trong khuôn viên nhà máy nước xuất hiện nhiều điểm sụt, lún; hạng mục hồ chứa nước thô dự trữ có hàng trăm vị trí xung quanh hồ bị nứt, rạn ngang dọc hoặc kéo thành hàng dài, thậm chí có những chỗ viên xi măng bị mục nát, còn trơ lại đá nền. Nghiêm trọng hơn, tại hạng mục bể chứa nước thô lắng lọc có hiện tượng lún, xung quanh bể xuất hiện nhiều điểm nứt rạn, rỉ nước ra ngoài...

Anh Phan Văn H (xin dấu tên-pv) nhân viên vận hành của Nhà máy cho biết: Hiện tượng nứt nẻ, sụt lún này xuất hiện từ nhiều tháng nay. Nhà máy đã tiến hành dùng xi măng để hàn gắn tuy nhiên chỉ được thời gian ngắn sau đó lại tiếp tục xuất hiện trở lại. Hiện nay, tại kè đá bờ đập ngăn trữ nước cũng đã xuất hiện nhiều điểm sụt, lún nếu nước trong hồ cao hơn phía ngoài thì có nguy cơ bờ bị vỡ…

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Long Thành cũng xác nhận: Người dân nhầm Nhà máy là do UBND xã quản lý nên khi thấy công trình hư hỏng xuống cấp đã gọi đến cho chính quyền để phản ánh. Phía địa phương chỉ là bên được hưởng lợi từ công trình còn quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng thuộc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An. Tuy nhiên sự phản ánh của người dân chúng tôi cũng đã chuyển đến cho lãnh đạo Nhà Máy để có các phương án khắc phục…

Được biết, Nhà máy nước sạch Long Thành do liên danh các công ty: Công ty CP Đại Việt, Công ty Môi trường và xây dựng Việt Nam, Công ty TNHH Hồng Đào, Công ty TNHH Phú Hải, Công ty CP Môi trường Nam Việt, Công ty Xây dựng hạ tầng nông thôn, Công ty Tư vấn và đầu tư xây dựng Hùng Dũng, Công ty Tư vấn thiết kế và xây dựng Trung Đô đảm nhận thiết kế và thi công.

Câu hỏi mà dư luận đặt ra đó là, tại sao công trình có ý nghĩa quan trọng và có số tiền đầu tư lớn như vậy mà nhanh xuống cấp, hư hỏng? Có hay không trong quá trình thi công xây dựng các đơn vị, các nhà thầu làm ẩu, bớt xén vật liệu… nên dẫn tới sự xuống cấp này?

Ông Phạm Duy Kỷ, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An (đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy nước sạch ở xã Long Thành) thừa nhận, những phản ánh nói trên của người dân là có thật. Theo lời ông Kỷ, nguyên nhân của tình trạng trên là do dự án Nhà máy nước xây dựng trên nền đất yếu, khâu thiết kế đã đánh giá không hết những tác động khi thực hiện xây dựng.

Cũng theo phía chủ đầu tư, trước đó tình trạng hư hỏng cũng đã xuất hiện và chủ đầu tư cũng đã tiến hành khắc phục nhưng sau đó tình trạng trên đã xuất hiện trở lại. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức phân tích, đánh giá một cách tổng quát về mức độ hư hỏng các hạng mục để có phương án khắc phục nhằm đảm bảo tốt nhất việc cấp nước cho người dân…”, ông Kỷ cho hay.

Để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm các bên, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các cấp ngành liên quan vào cuộc, thanh tra kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, những nguy cơ tiềm ẩn đối với các hạng mục nhằm đảm bảo tính bền vững của công trình.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Vân Đồn (Quảng Ninh): Nhiều hộ dân “ở không được, đi cũng không xong”

Vân Đồn (Quảng Ninh): Nhiều hộ dân “ở không được, đi cũng không xong”

Theo phản ánh của người dân, hàng chục hộ ở 2 thôn 10/10, xã Vạn Yên và Đồng Dọng cũ, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) chật vật gần 20 năm nay do dự án hồ chứa nước Đồng Dọng "án binh bất động". Tại đây, không ít hộ dù chưa được đền bù giải phóng mặt bằng nhưng cũng bị giải tỏa, mất kế sinh nhai.