Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên: Người góp phần phục sinh văn hóa Raglai

PV - 18:00, 13/01/2018

“Trong cuộc đời làm công tác văn hóa, hạnh phúc nhất đối với tôi là được đóng góp một phần công sức nhỏ bé giúp đồng bào Raglai khôi phục, bảo tồn một số di sản văn hóa truyền thống đã bị mai một”.

t6 Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên

 

Đó là lời chia sẻ của ông Nguyễn Hải Liên, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Hội văn hóa Dân gian Ninh Thuận-người đã dành hàng chục năm trăn trở, lăn lộn giúp đồng bào Raglai bảo tồn văn hóa truyền thống.

Trước khi gặp nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên, tìm hiểu qua sách, báo và một số công trình nghiên cứu văn hóa, tôi được biết, cộng đồng người Raglai là một trong những dân tộc sớm bị mai một, thất truyền những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục dân tộc, kiến trúc nhà ở và nhạc cụ dân tộc… Lý giải về nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, ông Nguyễn Hải Liên giải thích, trong những năm đất nước xảy ra chiến tranh, các huyện Bác Ái, Ninh Sơn là nơi tập trung đông đồng bào Raglai cư trú đã nhiều lần bị địch rải chất hóa học khiến cả vùng xơ xác, trơ trụi, đồng bào phải di chuyển chỗ ở để kiếm cái ăn. Nhiều nơi, bà con Raglai không có quần áo để mặc, phải đập dập vỏ cây ra quấn quanh người làm quần. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mai một, thất truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cùa dân tộc Raglai, trong đó có trang phục dân tộc, dân ca-dân vũ, nhạc cụ dân tộc…

“Trong những năm làm quản lý tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Ninh Thuận (từ 1990-1997) và nay là Chủ tịch Hội Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ninh Thuận, tôi luôn trăn trở tìm kiếm giải pháp giúp đồng bào Raglai khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang có nguy cơ mai một, thất truyền”, ông Nguyễn Hải Liên chia sẻ.

Hành trình tìm lại sắc phục cho dân tộc Raglai được ông Nguyễn Hải Liên cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa ở tỉnh Khánh Hòa dày công sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng lại trong suốt nhiều năm, để rồi đến hôm nay, đến các làng Raglai vào dịp lễ, tết đều thấy các bà, các chị, các cháu học sinh “diện” trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đã đưa trang phục dân tộc vào làm đồng phục cho học sinh, giúp các em nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh việc phục dựng lại trang phục cho dân tộc Raglai, ông Nguyễn Hải Liên còn có sáng kiến xây dựng chương trình truyền dạy di sản văn hóa Raglai thông qua vai trò của gia tộc. Qua nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Raglai ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa, ông nhận thấy nơi nào phát huy được vai trò của các gia tộc thì nơi đó di sản văn hóa được giữ gìn và bảo lưu rất tốt.

Chính vì vậy, khi được Hội Nghiên cứu Văn hóa Dân gian bầu làm Chủ tịch Hội (từ năm 1997 đến nay), ông Nguyễn Hải Liên đã chọn xã Phước Thắng (huyện Bác Ái) làm thí điểm thành lập các đội “Mã la gia tộc Raglai”. 3 gia tộc lớn của xã Phước Thắng gồm: Gia tộc Pi Năng, gia tộc Chamaléa, gia tộc Pa Tâu A Sá được chọn để thành lập các đội mã la gia tộc (riêng gia tộc Pi Năng có 3 đội được thành lập mới). Ông đứng ra vận động các nghệ nhân Mai Thắm, Pi Năng Thị Kính trực tiếp truyền dạy cách đánh nhạc cụ mã la cho gia tộc mình và các gia tộc khác. Bằng cách làm này, các gia tộc đã bảo tồn và phát huy tốt nhạc cụ truyền thống của cộng đồng mình.

Nghệ nhân Mai Thắm tâm sự: “Nhiều năm trước, tôi rất lo lắng về sự mai một của nhạc cụ truyền thống Raglai, giờ thì ưng cái bụng lắm. Vài năm nay, con cháu trong tộc họ đã biểu diễn thuần thục nhạc cụ và có nhiều chuyến lưu diễn trong và ngoài tỉnh”.

Từ mô hình điểm tại xã Phước Thắng, ông Nguyễn Hải Liên đã tổ chức nhân rộng việc thành lập các đội mã la gia tộc ở hai xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn và xã Phước Hà, huyện Thuận Nam. Đến nay, toàn tỉnh có 20 đội mã la gia tộc. Các tộc họ này luôn có ý thức trong việc truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ, gần đây, số học viên là nữ tham gia đội mã la gia tộc ngày càng nhiều.

Giờ đây, nhạc cụ mã la là vật thiêng, là hồn của dân tộc Raglai ngày càng vang vọng giữa núi rừng Ninh Thuận. Nhờ có sáng kiến của ông Nguyễn Hải Liên và sự nỗ lực của các gia tộc đã giúp nhiều trẻ em Raglai cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó các em có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của cha ông.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.