Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Nhà thơ trẻ và câu chuyện mang “con chữ” đến Trường Sa

Lê Vũ - 11:51, 01/03/2023

Tuổi thơ nhiều cơ cực, đường học vấn cũng lắm chông gai, có chút thành quả trong cuộc sống lại không muốn “chăn êm nệm ấm” mà viết đơn đến 2 lần để xung phong ra dạy học tại Trường Sa. Giữa những khổ cực vẫn yêu đời, vẫn làm thơ, vẫn chắp cánh ước mơ cho những tâm hồn thơ trẻ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đó là chân dung Nguyễn Hữu Phú - thầy giáo, nhà thơ trẻ, mà khi nhắc đến cứ làm tôi liên tưởng tới câu nói bất hủ của nhân vật Pavel Corsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky: “Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”.

Nhà thơ trẻ và câu chuyện mang “con chữ” đến Trường Sa
Nguyễn Hữu Phú bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây (Ảnh: NV cung cấp)

Tôi biết đến cái tên Nguyễn Hữu Phú cách đây vài năm, qua những bài thơ anh viết đăng trên các tạp chí Văn nghệ và một số tờ báo. Tôi ấn tượng vì những vần thơ Phú viết rất mộc mạc, bình dị, tự nhiên như hơi thở thường nhật, song lại đong đầy cảm xúc nhớ thương khó tả. Nhưng có lẽ, đẹp nhất vẫn là những vần thơ Phú viết về Trường Sa: "Biển cuộn trào mênh mông sóng vỗ đêm nay/ Giữa ngàn khơi bao la thân thương hòn đảo nhỏ/ Cờ Tổ quốc đỏ tươi năm cánh sao vàng tung bay lộng gió/ Rất đỗi thiêng liêng trên cột mốc chủ quyền” (trích “Tổ quốc nơi đầu sóng” - thơ Nguyễn Hữu Phú).

Khi tôi hỏi Phú: "Vì sao lại viết đơn xin tình nguyện đi dạy học tại Trường Sa?”. Anh chia sẻ rất chân thành: "Tôi ra Trường Sa dạy sau 2 lần viết đơn tình nguyện. Vì tôi hiểu được những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới hoặc hải đảo việc học còn rất nhiều khó khăn. Và tôi cũng xuất thân từ gian khổ, nên tôi muốn cống hiến những gì mà mình biết được, học được đến với các em ở nơi này, mang đến cho các em những niềm vui với con chữ, những điều tốt đẹp nhất để sau này trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội”.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong ca khúc “Một đời người, một rừng cây” đã từng viết: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” Lời hát vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay, khi mà vòng xoay cơm, áo, gạo, tiền; khi mà nhiều giá trị xã hội bị đảo lộn trong thời buổi kinh tế thị trường, khi mà con người ta chỉ biết lo nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn thì, cần lắm những thanh niên, những người trẻ như Nguyễn Hữu Phú biết suy nghĩ, biết hy sinh cho thế hệ tương lai, cho quê hương đất nước… Và tôi cảm phục Phú nhiều hơn, khi được nghe câu chuyện về cuộc đời anh qua những lời bộc bạch.

Nhà thơ trẻ và câu chuyện mang “con chữ” đến Trường Sa 1
Thầy Phú đang truyền đạt kiến thức cho các em trong một tiết học trên đảo Song Tử Tây (Ảnh: NV cung cấp)

Phú kể, anh sinh ra ở một vùng quê nông thôn (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Là con út trong một gia đình nghèo đông anh em. Việc học của Phú cũng gặp nhiều trắc trở. Tốt nghiệp phổ thông năm 2000, nhưng vì nhà nghèo, bố mẹ luôn đau yếu nên không thể theo đuổi ước mơ. Và cũng từ đó suốt gần 10 năm, tôi phải bươn chải đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, từ công việc phụ hồ, bưng bê phục vụ, giữ xe cho các hàng quán ăn, quán nhậu, cà phê, làm công nhân vệ sinh tàu biển. 

Khi bố mẹ mất, Phú đến nhà thầy cô giáo dạy cấp 3 trước đây xin ôn lại kiến thức phổ thông. Năm 2010, Phú dự thi và đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, sau đó học liên thông lên Đại học Huế. "Tôi hiểu được việc học quan trọng như thế nào và nó càng quan trọng hơn đối với những người nghèo khổ như tôi. Cho nên tôi chọn nghề dạy học để có cơ hội giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học", Phú nói.

Lớp học ở xã đảo Song Tử Tây rất đặc biệt vì học theo kiểu mô hình lớp ghép. Trong một lớp có nhiều trình độ khác nhau. Phú cho biết, khi mới ra đảo dạy, anh có nhiều bỡ ngỡ, lúng túng, bởi lúc học ở trường Sư phạm và dạy ở đất liền thì một lớp chỉ có một trình độ. Tuy nhiên, học sinh ở đây rất ngoan, hiền, lễ phép, chăm học, cán bộ, chiến sĩ và người dân sống rất tình cảm, xem nhau như người thân trong gia đình nên anh đã thích nghi rất nhanh. Anh khẳng định: "Tôi chưa bao giờ thấy nản chí hay hối hận về quyết định của mình. Mặc dù cơ sở vật chất, đời sống có thiếu thốn, điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt. Mưa gió thất thường, nắng thì nắng cháy da, mưa bão thì tít mù, sóng gió quăng quật. Nhưng những điều này chỉ làm cho tôi thêm cứng cáp hơn, mãnh mẽ hơn, yêu biển đảo hơn”.

Gần 5 năm gắn bó, ngôi trường nơi biển đảo xa xôi giờ đây với Phú như máu thịt, anh còn nhớ vào năm 2021 anh đã không thể cầm nước mắt khi cơn bão số 9 đi qua đảo, qua trường và cuốn đi mọi thứ. Đồ dùng gần như ướt, hư hết, mất hết. Sách vở, đồ dùng dạy học, truyện tranh, đồ chơi của các em trộn lẫn nước, cát… Mỗi cuốn sách, cây viết nơi đây… với thầy trò đều như là báu vật, là tình cảm thiêng liêng từ đất liền gửi đến, vậy cho nên anh thấy mình có lỗi với học trò, vì không giữ khô được, không giữ được vẹn nguyên.

Nhà thơ trẻ và câu chuyện mang “con chữ” đến Trường Sa 3
Nơi hải đảo xa xôi, khi cơn bão đi qua luôn để lại nhiều thiệt hại (Ảnh: NV cung cấp)

Viết về Nguyễn Hữu Phú có lẽ thêm nhiều trang nữa, nhiều bài nữa cũng đều xứng đáng và cũng chưa chắc có thể truyền tải hết những vui buồn, gian khổ, những câu chuyện mà anh đã trải nghiệm tại lớp học ấm áp nơi đảo Song Tử Tây xa xôi. 

Chúng tôi chỉ hy vọng câu chuyện về Phú và những người trẻ như Phú, sẽ luôn được nhắc đến và lan tỏa trong cộng đồng, trong đời sống thường nhật của chúng ta, để những gì tốt đẹp, cao cả sẽ luôn được tôn trọng và nhân rộng, như thông điệp mà Phú luôn muốn gửi đến mọi người: "Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, cố gắng theo đuổi và chắc chắn bạn sẽ thành công. Hãy nên đến những nơi khó khăn, giúp đỡ những người yếu hơn mình, bạn sẽ thấy giá trị trong con người bạn. Và bạn sẽ thấy xung quanh bạn toàn tiếng cười hạnh phúc". 

Tin cùng chuyên mục
Chuyện về nữ Anh hùng người Gia Rai ở làng Bạc

Chuyện về nữ Anh hùng người Gia Rai ở làng Bạc

Đi qua chiến tranh với bao gian khổ, mất mát, bà Kpă Ó - nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời chống Mỹ ở làng Bạc (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai) hôm nay, vẫn đang tiếp tục chung tay góp sức cùng chính quyền, dân làng xây dựng cuộc sống nơi bản làng ngày càng phát triển, là tấm gương sáng về phẩm chất cách mạng, phẩm chất người phụ nữ Việt Nam để người dân, con cháu noi theo.