Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nhọc nhằn con chữ đến bản xa...

Quỳnh Trâm- Ngọc Huấn - 10:36, 13/05/2022

Ở những bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện vùng biên Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, có những thầy, cô giáo trẻ đang cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp trồng người, với hi vọng ánh sáng tri thức sẽ soi sáng tương lai, đổi thay vùng đất đầy gian khó.


Cô giáo Cầm Thị Xuân, quê xã Luận Khê, huyện Thường Xuân đang dạy học tại Trường Tiểu học Trung Lý 2, bản Cò Cài
Cô giáo Cầm Thị Xuân, quê xã Luận Khê, huyện Thường Xuân đang dạy học tại Trường Tiểu học Trung Lý 2, bản Cò Cài

Dành hết thanh xuân cho vùng cao

Bản Cò Cài cách trung tâm xã Trung Lý hơn 20 cây số, do không quen đường, chúng tôi nhờ đến sự giúp đỡ của cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý. “Cò Cài là một trong những bản xa xôi nhất của xã Trung Lý (huyện Mường Lát), thiếu thốn trăm bề, đặc biệt là điện, đường, trường, trạm. Thời tiết nắng ráo thì mất 1 giờ đồng hồ để đến Cò Cài, còn trời mưa thì chịu, không đi nổi”, anh cán bộ tên Thường nói.

Chiếc xe máy men theo con đường cheo leo ở Pá Quăn, nhiều đoạn đường một bên là vực một bên là núi. Nhờ tay lái cứng của anh Thường, chúng tôi an toàn đến được Cò Cài. Những nếp nhà sàn hiện ra cheo leo bên sườn núi, không khí trong lành và yên tĩnh dưới nắng chiều.

Chúng tôi dừng chân ở Trường Tiểu học (TH) Trung Lý 2. Nhiệt tình đón khách vào thăm trường, thầy giáo Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường TH Trung Lý 2 tâm sự, đã có 21 năm gắn bó với mảnh đất này. “Cuộc sống ở đây khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng càng ở lâu, mình càng thấy gắn bó, thấy yêu nó, đi xa là nhớ”, thầy nói. Thầy thương các học trò, thương mảnh đất chịu nhiều gian khó. Phải là người tâm huyết, quyết tâm, thầy Hiệp mới có thể dành hết thanh xuân cho giáo dục miền núi như vậy.

Để tìm đến được con chữ các em học sinh ở bản phải men theo con đường đất để đến trường
Đường đến trường của các em học sinh ở Cò Chài

Trường có 1 điểm chính (bản Cò Cài) và 5 điểm lẻ ở các bản: Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm, Lìn, Pá Búa, với tổng số 368 học sinh, trong đó có 291 em thuộc hộ nghèo. Ở điểm trường chính Cò Cài có 3 lớp, trong đó có 2 lớp ghép (lớp 1-2), (lớp 3-4) và lớp 5, với tổng số 44 học sinh. Không có điện lưới, cuộc sống cắm bản của các thầy vô cùng gian nan, như thể cách biệt với thế giới bên ngoài. Mãi  mới đây, nhà trường mới nhận được sự hỗ trợ của một doanh nghiệp, giúp lắp điện năng lượng mặt trời. Nhờ đó, các thầy cô giáo cũng đã có điện để soạn bài, được sử dụng quạt mát. Việc học tập, sinh hoạt của thầy trò nơi đây đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

“Tuy nhiên, về lâu dài, bà con cũng như các thầy cô giáo mong mỏi, có điện lưới về bản để cuộc sống của bà con bớt khó khăn hơn, để hành trình thắp sáng con chữ cho con em đồng bào được thuận lợi hơn”, thầy giáo Hiệp nói.

Còn cô giáo trẻ Cầm Thị Xuân đã có 2 năm gắn bó với Cò Cài. Là người dân tộc Thái, quê ở huyện Thường Xuân (Thanh Hoá), cô có thể trò chuyện gần gũi với học trò và phụ huynh bằng tiếng dân tộc. Bởi thế, khi mới đến, cô được học trò và người dân yêu mến, giúp cô vơi bớt nỗi nhớ nhà. Thiếu giáo viên và học trò cũng ít, nhà trường ghép lớp 1 và lớp 2 học chung phòng. Ở đầu bên này, cô giảng cho các em lớp 1, xong lại quay về hướng bên kia, cô dạy trò lớp 2.

Lớp học của cô Xuân có 16 em, gồm 6 em lớp 1, 10 em lớp 2. Cô Cầm Thị Xuân cho biết, một lúc dạy cả 2 lớp nên lúc nào cũng tất bật. Ban đầu cũng khó khăn lắm, nhưng rồi cô trò cũng quen với việc dạy và học lớp ghép. Các em đến lớp đều đặn là điều đáng mừng. Dạy cho các em biết đọc thông, viết thạo cũng là sự cố gắng, kiên trì bởi các em đều đến từ các gia đình khó khăn, ít quan tâm đến việc học hành của con.

Cô Xuân tâm sự, cô vẫn chưa lập gia đình. Giờ đây khi công tác ở một nơi xa xôi thế này, việc đó lại thêm phần khó khăn. Đường sá đi lại vất vả nên 2-3 tháng cô mới về quê Thường Xuân thăm gia đình.

“Điều kiện sinh hoạt ở Cò Cài rất thiếu thốn, lại xa gia đình nên nhiều lúc em cũng buồn. Nhưng em đã lựa chọn lên đây thì không có gì phải hối tiếc. Nhìn thấy đời sống bà con, các em học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn mà thương lắm. Nên em sẽ cố gắng để cống hiến hết mình”, cô Xuân nói.

Con đường vào bản Cò Cài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát còn khó khăn nên đã ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con, đặc biệt là các em học sinh đến trường
Con đường vào bản Cò Cài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát còn khó khăn nên đã ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con, đặc biệt là các em học sinh đến trường

Hi vọng của bản

Ngoài cô Xuân, còn có thầy Sung Văn Chu, dân tộc Mông, quê xã Nhi Sơn và thầy Triệu Văn Sệnh, dân tộc Dao, quê xã Pù Nhi (Mường Lát), họ đều đang dành nhiều tâm huyết và tình yêu với sự nghiệp gieo chữ ở Cò Cài.

Anh Vi Văn Ngoan, Phó bản Cò Cài cho biết: Bản có 118 hộ, trong đó có 78 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Đời sống bà con phần nhiều phụ thuộc vào nương rẫy, trồng lúa nước, khai thác lâm sản. Bản chưa có điện, đường giao thông đi lại còn khó khăn nên ảnh hưởng không ít đến công tác giáo dục.

Hiện nay, các em học tiểu học và mầm non học tại bản, còn các học sinh cấp 2 và cấp 3 phải ra xã, lên huyện học.

Ông Quách Văn Mỵ, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết, xã Trung Lý có 15 bản, trong đó 11 bản có đồng bào Mông và 4 bản người Thái sinh sống. Hiện nay, 8 bản chưa có điện; đường giao thông vào các bản: Cò Cài, Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm… rất khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao.

Được biết, năm 2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp tuyến đường giao thông từ bản Nà Ón đi bản Cò Cài, xã Trung Lý. Bà con hi vọng, con đường sớm hoàn thành để thầy và trò cũng như người dân bớt phần nào khó khăn. 

Tin cùng chuyên mục
Thắp sáng con chữ nơi núi rừng Ea Rớt

Thắp sáng con chữ nơi núi rừng Ea Rớt

Những phòng học dựng tạm bằng tre, nứa trước đây, nay đã thay thế bằng ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp. Niềm vui ấy không chỉ dành riêng cho thầy và trò vùng sâu, mà còn là hạnh phúc của người dân nơi núi rừng Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.