Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Bảo đảm chính sách đất đai cho đồng bào DTTS (Bài 7)

Sỹ Hào - 12:12, 03/12/2024

Triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024, hiện nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS. Thông tin thu thập được về diện tích đất canh tác tại các xã/phường, thị trấn trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III năm 2024, là dữ liệu tham chiếu quan trọng để các địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương bảo đảm chính sách đất đai cho đồng bào DTTS.

Mặc dù là địa bàn có diện tích tự nhiên chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước nhưng diện tích đất canh tác ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS chỉ chiếm khoảng ¼ diện tích đất canh tác của cả nước. (trong ảnh: Diện tích đất sản xuất xen kẹt ở xóm 2, xã Chu Trinh, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng - Ảnh chụp ngày 03/11/2024)
Mặc dù là địa bàn có diện tích tự nhiên chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước nhưng diện tích đất canh tác ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS chỉ chiếm khoảng ¼ diện tích đất canh tác của cả nước. (Trong ảnh: Diện tích đất sản xuất xen kẹt ở xóm 2, xã Chu Trinh, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng - Ảnh chụp ngày 03/11/2024)

Đất canh tác không nhiều

Ngày 24/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ký ban hành Quyết định số 3411/QĐ-BTNMT phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2023.

Theo Quyết định này, tính đến ngày 31/12/2023, tổng diện tích đất nông nghiệp (hay còn gọi đất canh tác) có diện tích 27.976.827ha (gồm đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp khác).

Như vậy, so với năm 2019, diện tích đất canh tác của cả nước giảm khoảng 9.163ha. Cách đây 05 năm, theo số liệu kiểm kê diện tích đất đai năm 2019 được công bố tại Quyết định số 1435/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT, cả nước có 27.986.390ha đất canh tác.

Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có diện tích đất nông nghiệp lớn thứ 2 cả nước (sau Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung), với 8.061.999ha; trong đó chỉ có 2.275.463ha đất sản xuất nông nghiệp, còn lại là đất sản xuất lâm nghiệp.

Ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III năm 2019, tổng diện tích đất 7.389.000ha; tập trung chủ yếu khu vực nông thôn, với diện tích 6.855.200ha.

Như vậy, mặc dù là địa bàn có diện tích tự nhiên lớn (chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước) nhưng diện tích đất canh tác ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS chỉ chiếm khoảng ¼ diện tích đất canh tác của cả nước.

Sau 05 năm (2019 – 2024), diện tích đất canh tác ở vùng đồng bào DTTS và miền núi chắc chắn sẽ giảm xuống. Nguyên nhân là do, địa bàn vùng đồng bào DTTS giảm xuống. Năm 2019, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, toàn vùng có 5.256 xã; trong đó có 1.935 xã khu vực III, 2.018 xã khu vực II và 1.313 xã khu vực I.

Giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 3.434 xã; trong đó có 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), nhiều diện tích đất canh tác đã được bố trí để thi công các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Nhiều địa phương khó thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất đồng bào DTTS do thiếu quỹ đất. (Ảnh minh họa)
Nhiều địa phương khó thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất đồng bào DTTS do thiếu quỹ đất. (Ảnh minh họa)

Điều này dẫn tới việc vùng đồng bào DTTS và miền núi vốn không có nhiều đất canh tác, tiếp tục bị giảm xuống. Diện tích đất canh tác ở địa bàn này đã được thu thập trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III năm 2024 vừa qua, dự kiến được công bố vào tháng 7/2025.

Việc thu thập thông tin về diện tích đất canh tác của các xã/phường/thị trấn tính đến ngày 01/7/2024 được thực hiện tại 51 tỉnh có xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và 03 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người DTTS sinh sống gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh.

Bảo đảm quy định của luật được thực thi

Để thể chế Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 đã có những quy định cụ thể về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS.

Trong đó, Điều 16 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS. Luật quy định cụ thể các chính sách bảo đảm sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất.

Nhiều diện tích đất canh tác được bố trí để thi công các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt. (Trong ảnh: Tuyến đường nội đồng Nà Bó Phẻn, thuộc thôn Nà kham, xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)
Nhiều diện tích đất canh tác được bố trí để thi công các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt. (Trong ảnh: Tuyến đường nội đồng Nà Bó Phẻn, thuộc thôn Nà kham, xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)

Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 quy định chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp. UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương về đất đai đối với đồng bào DTTS phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện.

Cùng với thu thập thông tin về diện tích đất canh tác, cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 cũng đã thu thập dữ liệu về diện tích đất canh tác được tưới tiêu. Đây là số liệu cần thiết để triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thuộc Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tới.

Triển khai quy định của luật, hiện nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, như: Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND ngày 13/11/2024 của HĐND tỉnh Bình Thuân; Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND ngày 09/11/2024 của HĐND tỉnh Lào Cai; Nghị quyết số 87/2024/NQ-HĐND ngày 14/10/2024 của HĐND tỉnh Cao Bằng;...

Các chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS vừa được các địa phương ban hành đều căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, nhưng cơ bản bám sát các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 về bảo đảm chính sách đất đai cho đồng bào DTTS, nhất là bảo đảm đất canh tác.

Mặc dù, nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết nhằm đưa quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS vào cuộc sống; nhưng việc triển khai trong thực tiễn như thế nào thì phải còn chờ vào kế hoạch thực hiện nghị quyết của chính quyền các địa phương.

Đặc biệt, đối với chính sách bảo đảm đất canh tác cho đồng bào DTTS là một vấn đề không hề dễ dàng. Đơn cử như Cao Bằng, là một tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chủ yếu là đồi núi, quy đất canh tác không có nhiều.

Nhiều địa phương đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề để bảo đảm sinh kế cho đồng bào DTTS. (trong ảnh: Người dân ở thôn Rtieng, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng được hỗ trợ phát triển nghề nuôi tằm từ Chương trình MTQG 1719)
Nhiều địa phương đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề để bảo đảm sinh kế cho đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Người dân ở thôn Rtieng, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng được hỗ trợ phát triển nghề nuôi tằm từ Chương trình MTQG 1719)

Vì thế, lâu nay, Cao Bằng rất khó triển khai chính sách hỗ trợ hộ đồng bào DTTS không có (hoặc thiếu) đất sản xuất. Ngay cả với Chương trình MTQG 1719, việc thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất thuộc Dự án 1, phần lớn tỉnh buộc phải chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Do đó, để thực hiện Nghị quyết số 87/2024/NQ-HĐND ngày 14/10/2024 của HĐND tỉnh thì UBND tỉnh và các địa phương trên địa bàn phải rà soát lại quỹ đất, nhất là quỹ đất canh tác để cân đối phù hợp. 

Trong quá trình thực hiện, tỉnh Cao Bằng cũng như các địa phương khác cần tham chiếu dữ liệu từ cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, nhất là khi dữ liệu đã được Tổng cục Thống kê tổng hợp, được Ủy ban Dân tộc và các đơn vị, tổ chức liên quan tiến hành phân tích, dự kiến công bố vào tháng 7/2025 tới đây.

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.