Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Thúc đẩy hoạt động chế biến nông, lâm sản (Bài 5)

Sỹ Hào - 10:12, 01/12/2024

Thu thập số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông, lâm sản ở các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, là nội dung trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS. Từ dữ liệu này, các bộ, ngành, địa phương sẽ đánh giá thực trạng, từ đó có các giải pháp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Với tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều dư địa để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. (trong ảnh: Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đầu tư, đi vào hoạt động năm 2023 tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, có diện tích gần 9ha, với quy mô dự kiến 52.000 tấn sản phẩm/năm).
Với tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều dư địa để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. (Trong ảnh: Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đầu tư, đi vào hoạt động năm 2023 tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, có diện tích gần 9ha, với quy mô dự kiến 52.000 tấn sản phẩm/năm)

“Điểm nghẽn” để phát triển

Vùng đồng bào DTTS và miền núi nước ta, có nhiều tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Với việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã đem lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao đời sống người dân; sản xuất tại một số địa phương có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng nuôi trồng phù hợp với mỗi địa phương, thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc.

Tiểu dự án 2 – Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 có chính sách hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền; trong đó ưu tiên tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường.

Đồng thời, các nội dung chính sách của Chương trình MTQG 1719 cũng thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thị trường thương mại và đưa sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và miền núi vào kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đang góp phần để các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi hướng tới thực hiện mục tiêu trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80% số hộ miền núi, người DTTS sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa; đến năm 2030 thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3,0%.

Tuy nhiên, một khó khăn trong việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào DTTS và miền núi lâu nay là hoạt động chế biến khá trầm lắng; cơ sở chế biên nông, lâm sản vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực chế biến.

Tại thời điểm năm 2019, kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi có 18.474 doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản; trong đó có 11.370 doanh nghiệp chế biến nông sản, 7.104 doanh nghiệp chế biến lâm sản.

Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các tỉnh miền núi phía Bắc phù hợp để phát triển các cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. (Trong ảnh: Phát triển cây cỏ ngọt chiết xuất ra đường không có calo ở xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng)
Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các tỉnh miền núi phía Bắc phù hợp để phát triển các cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. (Trong ảnh: Phát triển cây cỏ ngọt chiết xuất ra đường không có calo ở xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng)

Sau 05 năm, thực trạng cơ sở chế biến nông, lâm sản ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được thu thập trong cuộc điều tra vừa được tổ chức ngày 01/7 đến 15/8 vừa qua; dự kiến công bố vào tháng 7/2025.

Nhưng dự báo, số cơ sở chế biến nông, lâm sản ở địa bàn này tăng không nhiều, vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như so với số lượng doanh nghiệp chế biến của cả nước.

Chỉ riêng cơ sở chế biến nông sản, thống kê gần nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 13.000 cơ sở. Còn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, kết quả điều tra 05 năm trước cho thấy, toàn vùng chỉ có 11.370 cơ sở. Sau 05 năm, dù số lượng có thể tăng lên, nhưng chắc chắn không nhiều do việc thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi rất khó khăn,

Cần có cơ chế đặc thù

Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2024), khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nêu những khó khăn, vướng mắc về chính sách trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Cơ sở chế biến nông, lâm sản ở vùng DTTS và miền núi hiện vẫn còn thiếu về số lượng, sản xuất nhỏ lẻ. (Trong ảnh: Chế biến gỗ, sản xuất ván bóc ở thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang)
Cơ sở chế biến nông, lâm sản ở vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn còn thiếu về số lượng, sản xuất nhỏ lẻ. (Trong ảnh: Chế biến gỗ, sản xuất ván bóc ở thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang)

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc ban hành chính sách áp dụng chung cho các địa phương trên phạm vi cả nước đã gây khó khăn rất lớn đối với các địa phương không có nhiều lợi thế để thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm thủy sản, nhất là các tỉnh miền núi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2024, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chỉ chiếm 1,0% so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước và giảm 5,24% so với cùng kỳ năm 2023.

Đại biểu Huân đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương có giải pháp gì trong thời gian tới để tạo điều kiện cho các địa phương thu hút được các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chế biến nông, lâm thủy sản; phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng những chính sách ưu đãi hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, để thu hút doanh nghiệp vào vùng sâu, vùng xa thì phải có vùng nguyên liệu. 

Để có vùng nguyên liệu thì chính quyền địa phương phải quy hoạch được vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng được công nghệ mới trong các khâu của quá trình sản xuất; bảo đảm sản phẩm xanh - sạch - chất lượng; sản xuất và cung ứng cho thị trường những cái thị trường cần chứ không phải những cái mà mình có.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành Công thương cũng khẳng định, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách, những chính sách này liên quan đến nhiều ngành; một số cơ chế còn chồng chéo, vướng mắc. 

Phát triển vùng nguyên liệu tập trung là giải pháp để thu hút doanh nghiệp vào vùng sâu, vùng xa. (Trong ảnh: Xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh lào Cai đã hình thành vùng nguyên liệu dứa, với tổng diện tích hơn 700 ha)
Phát triển vùng nguyên liệu tập trung là giải pháp để thu hút doanh nghiệp vào vùng sâu, vùng xa. (Trong ảnh: Xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh lào Cai đã hình thành vùng nguyên liệu dứa, với tổng diện tích hơn 700ha)

Do đó, để cơ chế, chính sách thực sự phát huy được hiệu quả thì trong thời gian tới cần rà soát quy định pháp luật hiện hành, thuộc trách nhiệm của ngành nào thì ngành đó phải rà soát và tham mưu cấp có thẩm quyền.

Thực trạng về doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản ở vùng đồng bào DTTS và miền núi từ cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ IV, sắp được công bố tới đây, sẽ phản ánh nhiều khía cạnh trong trăn trở của các ĐBQH; cũng như của chính quyền các địa phương. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ tham mưu, xây dựng chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, các vùng kinh tế có đông đồng bào DTTS có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có gần 7,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có hơn 15,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,6%; vùng Tây Nguyên có hơn 3,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,0%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 10,5 nghìn doanh nghiệp, tăng mạnh 10,1%.


Tin cùng chuyên mục
Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Đọc nhiều