Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Nhận giao khoán rừng-Lợi ích thấy rõ

Nghĩa Hiệp - 15:55, 01/03/2021

Phát triển rừng bền vững, tăng tỷ lệ che phủ rừng, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất lâm nghiệp, chế biến, nâng cao thu nhập cho người dân và còn nhiều lợi ích khác, là những kết quả tích cực từ việc giao, nhận khoán rừng cho người dân những năm trở lại đây tại tỉnh Tuyên Quang.

Người dân trồng rừng tại Tuyên Quang thường xuyên kiểm tra chất lượng, chăm sóc rừng
Người dân trồng rừng tại Tuyên Quang thường xuyên kiểm tra chất lượng, chăm sóc rừng

Nhiều "tỷ phú" từ rừng

Đặt ra mục tiêu thực hiện các chính sách về quản lý phát triển rừng của Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định thực hiện bảo vệ, phát triển rừng đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển lâm nghiệp phải bảo đảm cả lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường sinh thái; trồng rừng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, chế biến sản phẩm từ rừng, tạo sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Bàn Văn Dưỡng, dân tộc Dao, Trưởng thôn Cây Thông, xã Hùng Đức, Hàm Yên, Tuyên Quang chia sẻ: “Tôi đã trồng rừng được gần 30 năm nay, ngày trước rừng có giá trị thấp, phải trồng xen lẫn sắn, ngô để lấy nguồn lương thực kiếm thêm thu nhập và chăn nuôi cho gia đình, chủ yếu là lấy ngắn nuôi dài. 10 năm trở lại đây, giá trị rừng tăng mạnh, thành quả bao năm vun trồng có được những trái ngọt nên tôi tập trung hẳn sang trồng rừng”.

Đến nay, đã có khoảng 40 hộ dân người dân tộc Dao trong thôn Cây Thông cũng đã học theo ông để nhận giao, khoán rừng. Có khi hết đất họ chủ động liên kết với Công ty lâm nghiệp trên địa bàn đầu tư trồng rừng để chia lợi nhuận. Tổng diện tích rừng người dân tại thôn nhận trồng lên đến hơn 80ha.

Cũng giống những người dân tại thôn Cây Thông, nhiều hộ dân tại huyện Hàm Yên, Sơn Dương, cũng đã quan tâm đến nghề trồng rừng. Điển hình như, ông Trần Ngọc Thái, thôn Đồng Tậu, xã Lương Thiện (Sơn Dương) đã trở thành “tỷ phú rừng”. 

Ông Thái kể: “Tôi chủ động liên doanh với Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương nhận trồng 30 ha rừng. Hơn chục năm chăm sóc, rừng cho khai thác, gia đình tôi thu lãi gần 1,5 tỷ đồng, tôi chưa từng nghĩ có được số tiền này trong đời”.

Đẩy mạnh liên kết, thu hút đầu tư 

Cùng với việc mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, tỉnh Tuyên Quang đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án vào lĩnh vực chế biến lâm sản, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Nhờ đó, đã có nhiều tập đoàn lớn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, mang lại thu nhập lớn cho người dân.

Như Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, đã đầu tư 4 nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu theo đơn đặt hàng của Mỹ và các nước châu Âu, tạo việc làm cho trên 2.200 lao động địa phương. Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty chia sẻ: Chất lượng rừng trồng tại tỉnh Tuyên Quang luôn được bảo đảm nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, tiếp cận hiệu quả quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC. Công ty luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, điều này giúp công ty và người lao động thực sự yên tâm lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất thêm 30 ha để xây dựng các nhà máy, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Các công ty chế biến gỗ nhận nhiều đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Các công ty chế biến gỗ nhận nhiều đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Không chỉ có được nhiều lợi ích từ việc nhận giao, khoán rừng, người dân tỉnh Tuyên Quang đang có những thu nhập ổn định từ việc tham gia vào quá trình sản xuất lâm nghiệp. Bình quân mỗi công nhân tại các nhà máy có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao, cải thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hướng tới xây dựng nên lâm nghiệp vững mạnh trên toàn địa bàn tỉnh.

Theo số liệu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Tuyên Quang có diện tích đất lâm nghiệp chiếm 76% diện tích tự nhiên. Diện tích rừng hiện có trên 415.000 ha, trong đó có trên 182.000ha rừng trồng sản xuất, chiếm 12,27% toàn vùng Trung du miền núi phía Bắc. Hàng năm, Tuyên Quang thực hiện trồng mới trên 10.000 ha rừng sản xuất, có trên 1.000 ha rừng trồng bằng giống cây chất lượng cao.

Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt 65%, đứng tốp 3 tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất cả nước. Điều này, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế được nhiều loại hình thiên tai do tác động do biến đổi khí hậu. Và cũng với vốn rừng này, Tuyên Quang đã và đang tạo ra lợi thế lớn để thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ...

Tin cùng chuyên mục
Kỳ nghỉ lễ, cả 3 miền ở nước ta đều xảy ra nắng nóng, thời tiết chưa từng có trong 10 năm qua

Kỳ nghỉ lễ, cả 3 miền ở nước ta đều xảy ra nắng nóng, thời tiết chưa từng có trong 10 năm qua

Trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày tới đây, nắng nóng gay gắt diễn ra trên khắp cả nước ta, có những nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt. đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua mà cả 3 miền ở nước ta đều xảy ra nắng nóng trong kỳ nghỉ lễ như vậy.