Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nhân rộng mô hình giảm nghèo: Bắt đầu từ ý thức của người dân

PV - 15:10, 24/08/2018

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế, khi trình diễn thì rất thành công nhưng lại gặp thất bại khi nhân rộng. Việc phân tích nguyên nhân của tình trạng này là rất cần thiết để thực hiện có hiệu quả các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo cho những giai đoạn tiếp theo.

Mô hình trồng rau an toàn ở xã Quyết Tiến phát huy hiệu quả nhờ phù hợp đặc điểm địa bàn, đặc điểm nhóm dân cư. Mô hình trồng rau an toàn ở xã Quyết Tiến phát huy hiệu quả nhờ phù hợp đặc điểm địa bàn, đặc điểm nhóm dân cư.

Hiệu quả cũng khó nhân rộng

Với người nông dân, nhất là ở khu vực miền núi, việc trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả là một sự băn khoăn lớn. Địa hình chia cắt, đất canh tác ít, kỹ thuật nuôi trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên để có thu nhập từ một loại cây trồng, vật nuôi nào đó là vấn đề không dễ dàng. Đây cũng chính là một “nút thắt” trong việc triển khai những mô hình kinh tế của nhiều địa phương.

Dẫn chứng ở việc trồng chuối tiêu hồng, một cây trồng phổ biến, quen thuộc đối với người nông dân Việt Nam. Ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nhiều hộ nông dân đã làm giàu nhờ cây trồng này. Nhưng ở địa phương khác, khi thí điểm mô hình trồng chuối tiêu hồng thì rất hiệu quả, nhưng sau đó lại lụi tàn.

Như ở Nghệ An, từ năm 2012, mô hình trồng chuối tiêu hồng được đưa về thử nghiệm tại bản Chắn, xã Thạch Giám (huyện Tương Dương). Với 33 hộ tham gia, mô hình được triển khai trên 4ha đất canh tác. Mô hình được kỳ vọng sẽ là một trong những hạng mục giúp xã Thạch Giám “cán đích” nông thôn mới.

Quả thực, mô hình chuối tiêu hồng đã giúp 33 hộ dân có thu nhập khá trong năm 2013 và 2014. Nhưng bắt đầu từ năm 2015, vườn chuối bắt đầu thoái hóa. Những lứa cây sau cứ còi cọc dần, buồng chuối cũng nhỏ đi. Từ chỗ có 4ha diện tích trồng chuối, hiện mô hình ở bản Chắn chỉ còn chưa đầy 1ha; từ 33 hộ tham gia thì hiện chỉ còn vài hộ duy trì trồng chuối tiêu hồng.

Theo ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương, do địa bàn bản Chắn không thể khoan giếng, nguồn nước tưới cũng hạn chế nên khi gặp hạn, chuối tiêu hồng đã không phát triển như mong muốn. Ngoài ra, các hộ tham gia đã không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Nếu đúng quy trình thì mỗi khóm chỉ được phép cho phát triển 2 cây, nhưng vì “tiếc” nên bà con đã không chặt tỉa bớt làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả vườn.

Người dân cần chủ động nhân rộng mô hình sau khi hết nguồn hỗ trợ. (Ảnh minh họa) Người dân cần chủ động nhân rộng mô hình sau khi hết nguồn hỗ trợ. (Ảnh minh họa)

Theo ông Kha, dự án chuối tiêu hồng đứng trước tình cảnh “phá sản” dù rằng chuối tiêu hồng vẫn là sản phẩm được người dân trên địa bàn huyện ưa thích. Hiện huyện Tương Dương cũng chỉ chủ trương khuyến khích người dân phát triển chứ không nhân rộng mô hình trồng chuối ở bản Chắn nữa.

Không chỉ riêng mô hình trồng chuối tiêu hồng ở bản Chắn (Tương Dương, Nghệ An) mà thời gian vừa qua, ở nhiều địa bàn miền núi trên cả nước, không ít mô hình giảm nghèo được xây dựng, ban đầu mang lại hiệu quả rất khả quan, nhưng càng về sau càng “lịm” dần, nhất là các mô hình khuyến nông, khuyến ngư. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp luôn đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá/được giá-mất mùa” thì không ít mô hình dù phù hợp với điều kiện của địa phương, nhưng khi “tắc đầu ra” , người nông dân sẵn sàng quay lưng lại với mô hình đó.

mô hình trồng chuối tiêu hồng ở bản Chắn (Tương Dương, Nghệ An) ban đầu rất hiệu quả, nhưng sau dần lụi tàn. Mô hình trồng chuối tiêu hồng ở bản Chắn (Tương Dương, Nghệ An) ban đầu rất hiệu quả, nhưng sau dần lụi tàn.

Đừng để hết kinh phí là hết mô hình

Vì sao một bộ phận không ít mô hình giảm nghèo khó tồn tại phát triển? Ngoài những nguyên nhân khách quan thì phải khẳng định rằng, mô hình giảm nghèo có phát huy hiệu quả hay không thì phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người dân tham gia.

Để xây dựng mô hình giảm nghèo, ban đầu, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các cấp chính quyền cấp kinh phí hỗ trợ người dân. Cùng với cắt cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, mỗi mô hình thường được hỗ trợ từ 60% đến 100% giá giống, từ 20% đến 40% giá vật tư, phân bón các loại,…

Chính vì được hỗ trợ về nhiều mặt trong một thời gian nhất định nên các mô hình đạt kết quả cao. Nhưng khi triển khai đại trà, nhiều hộ vẫn giữ thói quen sản xuất theo phương thức truyền thống mà mô hình mới lại đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt dẫn tới năng suất, chất lượng không vượt trội so với phương thức canh tác cũ, nông dân không còn mặn mà tham gia.

Cũng do được hỗ trợ nên xuất hiện tư tưởng trông chờ ỷ lại, tham gia mô hình để nhận hỗ trợ, đến khi kết thúc chương trình, người dân không tiếp tục bỏ vốn để mở rộng sản xuất và quay lại cách làm cũ khiến mô hình sản xuất nông nghiệp rơi vào tình trạng “chết yểu” . Nói nôm na là, khi hết kinh phí hỗ trợ thì cũng là lúc mô hình kết thúc.

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn 2016-2020, một định hướng quan trọng để thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững là giảm cho không, tăng cho vay, phát huy tính chủ động vươn lên của người dân. Định hướng này cũng được quán triệt trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Theo đó, chương trình chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo. Nhà nước chỉ hỗ trợ những gì người dân không làm được, Nhà nước không làm thay mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện; tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp đặc điểm địa bàn, đặc điểm nhóm dân cư.

Trên thực tế, việc nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với đặc điểm dân cư, địa bàn là cách làm phù hợp để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ. Có thể dẫn trường hợp mô hình trồng rau an toàn ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang). Đồng bào dân tộc Nùng, Mông, Dao,… ở Quyết Tiến đã trồng rau từ hàng chục năm trước, nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các gia đình người Kinh từ Thạch Đà (Vĩnh Phúc) di cư lên làm kinh tế. Nhờ bà con đã có kiến thức trồng rau, huyện Quản Bạ đã xây dựng mô hình trồng rau an toàn, hỗ trợ bà con xây nhà lưới, hệ thống phun tưới tự động,… Đến nay, xã Quyết Tiến được biết đến là địa phương có sản xuất rau sạch lớn nhất của huyện Quản Bạ. Đây cũng là mô hình cần được các cấp, ngành quan tâm nhân rộng trong thời gian tới.

KHÁNH THI

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.