Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

Nhân rộng mô hình thanh niên khởi nghiệp ở Yên Bái

PV - 12:12, 11/10/2021

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái ban hành các văn bản triển khai thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Anh Hà Đình Khuê, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) giới thiệu cây gáo vàng giống tại vườn ươm. (Ảnh: THANH SƠN)
Anh Hà Đình Khuê, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) giới thiệu cây gáo vàng giống tại vườn ươm. (Ảnh: THANH SƠN)

Với Đề án hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp, đến nay, thanh niên Yên Bái đã có một bước tiến mới, có 297 tổ hợp tác, 35 hợp tác xã do thanh niên làm nòng cốt, 28 doanh nghiệp trẻ được thành lập, đi vào hoạt động với hơn 1.500 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Các mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế của thanh niên đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi phương thức sản suất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, xây dựng, phát triển thành những hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tiêu biểu được triển khai nhân rộng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.

Thanh niên người Tày trồng cây thuốc quý trong đông y

Về thôn vùng cao Cà Nộc, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, chúng tôi được tận mắt chứng kiến thành quả lập nghiệp của thanh niên trẻ người dân tộc thiểu số. Gặp Hà Đình Khuê, trong chiều thu vàng nắng, bộ đồ lao động ướt đẫm mồ hôi, đang đóng bầu đất chuẩn bị vào cây giống. Dừng tay làm và giới thiệu vườn cây giống đã được bán phần nhiều, cả một khu đất rộng chừng 1 ha bằng phẳng đang chờ làm đất mới.

Cầm các giống cây, Khuê bảo: “Các anh xem nhé, đây là cây gáo vàng, cây hông, cây tếch, còn đây là cây lát hoa…đều được doanh nghiệp chúng em xuất bán khắp nơi. Năm 2020 và đầu năm 2021, chúng em bán được 50 vạn cây hông giống, 2 vạn cây tếch, 30 vạn cây giáo vàng, doanh thu hơn 3 tỷ đồng”. Nhờ có hướng phát triển đúng, tuân thủ kỹ thuật, bảo đảm chữ tín, cây giống của Khuê có mặt ở hầu khắp các tỉnh vùng Tây Bắc.

Là thanh niên dân tộc Tày, sinh năm 1986, khi thành lập doanh nghiệp cây giống lâm nghiệp Tây Bắc, Hà Đình Khuê được Hội Doanh nhân trẻ Yên Bái kèm cặp, đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo chủ trương “một kèm một, một kèm nhiều và nhiều kèm một” (một doanh nhân trẻ kèm một thanh niên khởi nghiệp, một doanh nhân trẻ kèm nhiều thanh niên khởi nghiệp và nhiều doanh nhân trẻ kèm một thanh niên khởi nghiệp). Không chỉ sản xuất, tiêu thụ cây giống lâm nghiệp, Khuê mạnh dạn tìm mua đất sản xuất, trồng 10 ha cây gáo vàng, sau ba năm vươn cao gần 10 mét sinh trưởng tốt. Dưới tán rừng gáo vàng, Hà Đình Khuê trồng 7 ha thiên niên kiện (sơn thục) là cây làm thuốc quý trong đông y, có giá bán trên thị trường khoảng 50 nghìn/kg.

Để có người chăm sóc cây, Khuê thuê 10 lao động địa phương, bình quân thu nhập 5,1 triệu đồng/tháng có thêm bữa trưa, là nguồn thu đáng kể của nông dân ở vùng cao.

Và nhiều gương thanh niên khởi nghiệp điển hình

Cũng tại bản Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, thanh niên lập nghiệp dân tộc H’Mông là Hờ A Sênh, sinh năm 1995, được Hội doanh nhân trẻ đỡ đầu khởi nghiệp, trồng được một ha cây gáo vàng, nửa ha tre măng bát độ, dưới tán trồng cây sa nhân tím, nuôi lợn lai rừng, bước đầu có hiệu quả.

Dưới tán cây dâu da xoan xanh tốt các chùm quả đang đỏ chín, chuồng nuôi hươu của chàng trai Ngô Xuân Yên, sinh năm 1994, thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, như thêm phần mát rượi. Học hết lớp 7, rồi đi làm thuê tận vùng núi huyện Phù Yên (Sơn La), cơ duyên gắn kết với một sơn nữ dân tộc Dao xinh đẹp mà nên vợ thành chồng.

Anh Ngô Xuân Yên, thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) nuôi 12 con hươu cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: THANH SƠN)
Anh Ngô Xuân Yên, thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) nuôi 12 con hươu cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: THANH SƠN)

Năm 2019, vợ chồng trẻ về quê Minh Quân sinh sống, mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu, mua 3 hươu đực từ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) về nuôi lấy nhung. Năm đầu tiên, Yên cắt bán được 56 triệu đồng, tiếp tục đầu tư con giống phát triển. Hiện, trong chuồng đang có 7 hươu đực lấy nhung, 5 hươu cái đang chờ đẻ. Mỗi năm hươu đực cắt nhung 2 lần, giá bán từ 20- 25 triệu đồng/kg, nên năm vừa qua thu về gần 200 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt 4 sào cỏ trên đất bãi sông Hồng, trồng ngô lấy hạt cho hươu ăn, có kiến thức phòng dịch tốt, nên cách làm của Ngô Xuân Yên được nhiều tìm đến học hỏi, làm theo. Các hộ trong xã Minh Quân như Nguyễn Trung Cấp, Nguyễn Văn Ngọc đã phát triển đàn hươu để làm giàu. 

Bí thư Tỉnh Đoàn, Đoàn Thị Thanh Tâm, cho biết, nhờ phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, nhiều bạn trẻ được thôi thúc tinh thần tự thân lập nghiệp, có thêm hỗ trợ từ Hội Doanh nghiệp trẻ đồng hành, nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Đó là thanh niên Nông Kim Ngọc, sinh năm 1988, thành lập công ty Khởi nghiệp Yên Bình, chuyên trồng rừng, cây ăn quả, cây dược liệu như chè vằng, cây khôi nhung cho thu nhập cao. Hợp tác xã sản xuất Dược liệu Viễn Sơn do đoàn viên Phạm Văn Hậu làm giám đốc với 15 thành viên tham gia, thành lập năm 2019, nguồn vốn ban đầu 500 triệu đồng, doanh thu hằng năm hơn một tỷ đồng. Hiện, hợp tác xã đang phát triển hơn 20 loại cây giống dược liệu và sản xuất thêm một số sản phẩm thực phẩm chức năng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng đối với các sản phẩm dược liệu nguồn gốc thiên nhiên.

Anh Nông Kim Ngọc, xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) giới thiệu sản phẩm bưởi, cam trồng từ trang trại gia đình. (Ảnh: THANH SƠN)
Anh Nông Kim Ngọc, xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) giới thiệu sản phẩm bưởi, cam trồng từ trang trại gia đình. (Ảnh: THANH SƠN)

Công ty TNHH thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải, tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải được thành lập tháng 1/2020, do đoàn viên Giàng A Dê làm Giám đốc đã vận động sáng tạo, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông để phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng Hello Mù Cang Chải đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục
Lão nông khởi nghiệp thành công ở độ tuổi 50

Lão nông khởi nghiệp thành công ở độ tuổi 50

Sau hơn 10 năm khai hoang phục hóa 4 khu đồi rộng gần 20 ha ở thôn Km68, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, ông Bùi Quang Trung đã có một “thủ phủ cây ăn quả” với hàng nghìn cây cam, bưởi, chanh leo, hệ thống tưới tiêu tự động, hiện đại, xe ô tô lên được tận đỉnh đồi, thu nhập gần 500 triệu đồng/năm. Ông khẳng định: “Làm nông nghiệp thời nay phải bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đặc biệt phải đầu tư và đổi mới thật nhiều”.