Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hành trình từ trẻ “bụi đời” đến nhà sáng lập thương hiệu HMong Tagkis của chàng trai người Mông

Lê Thuận - 16:16, 10/10/2021

Từng bỏ dở việc học khi mới vào lớp 9, lang bạt khắp nơi từ Bắc vào Nam làm đủ nghề kiếm sống, nhưng cuối cùng, tình yêu và đam mê đã dẫn lối để chàng trai trẻ 9X người Mông khởi nghiệp thành công. Anh hiện là nhà thiết kế, đồng thời là nhà sáng lập và điều hành thương hiệu thời trang Hmong Tagkis.

Sùng A Bình (ngoài cùng bên trái) cùng đối tác trong nước và quốc tế
Sùng A Bình (ngoài cùng bên trái) cùng đối tác trong nước và quốc tế

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên), một địa phương nghèo của miền núi Tây Bắc, Sùng A Bình là con út trong một gia đình dân tộc Mông đông con. Hoàn cảnh khó khăn, quanh năm chỉ quanh quẩn với nương rẫy, chàng trai người Mông đã sớm phải dừng việc học khi chưa tốt nghiệp trung học cơ sở.

Cơ duyên bất ngờ

Vì muốn kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ, các anh chị, Sùng A Bình đã “đánh liều” rời bỏ bản làng xuống Hà Nội kiếm sống. Tuy nhiên, cuộc sống mới không có người thân bên cạnh nơi thành thị xa lạ, “bất đồng ngôn ngữ” khi nói tiếng Kinh chưa sõi khiến cậu bé tuổi15 - 16  mất phương hướng. Cứ thế, số phận đưa đẩy cậu phiêu bạt từ Hà Nội vào tới TP. Hồ Chí Minh. Cậu phải rửa chén (bát) đổi lấy cơm ăn, tối ngủ trong ống cống qua ngày.

Cho tới một ngày, trong một chiến dịch tập trung trẻ lang thang của TP. Hồ Chí Minh, Sùng A Bình được đưa về một trung tâm tập trung những người cơ nhỡ, không có giấy tờ...

Khúc quanh mới dù trong tình cảnh bị ép buộc nhưng lại mang đến cho Bình nhiều may mắn, lòng tốt và sự tử tế từ những người lạ. Bình đi học trở lại. Những buổi học nghề ban ngày ở trung tâm, giúp Bình nhận ra khả năng và niềm say mê vẽ, thiết kế thời trang của mình. Lớp bổ túc buổi tối giúp cậu tiếp tục chương trình phổ thông còn dang dở.

Bình từng chia sẻ, đó là khoảng thời gian được sống đúng nghĩa khi tìm thấy niềm đam mê của mình, cũng là cơ duyên dẫn cậu đến với nghề thiết kế thời trang sau này.

Năm 21 tuổi, Sùng A Bình hoàn thành chương trình phổ thông và thi đỗ vào Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, vừa đi học vừa nhận vẽ hoa văn áo dài cho các xưởng may kiếm thêm thu nhập.

Thời gian trôi qua, ra trường được gần 2 năm, Bình thực hiện được ước mơ thời sinh viên là làm chủ một tiệm thiết kế - trang trí áo dài.

Trong quá trình làm việc, chàng trai trẻ nhận thấy, các sản phẩm có họa tiết bằng tay, thủ công được nhiều người ưa chuộng và thị trường đón nhận. Tích lũy kinh nghiệm, cậu bắt đầu khởi nghiệp, nghĩ về trang phục truyền thống để quảng bá văn hóa, hình ảnh trang phục truyền thống giữa lòng TP. Hồ Chí Minh.

Sản phẩm thời trang áo dài cách điệu của Sùng A Bình
Sản phẩm thời trang áo dài cách điệu của Sùng A Bình

Phục dựng nét truyền thống dân tộc

Thổ cẩm là loại hàng vải dệt thủ công giàu họa tiết và các họa tiết này thường nổi lên mặt vải giống như được thêu. Hoa văn trên vải của người Mông diễn tả về thiên nhiên và thế giới đầy sống động của dân tộc này. Những tác phẩm của họ có những hoa văn mang tính thẩm mỹ riêng.

Nếu như trước đây, phụ nữ Mông ai cũng khéo tay, ai cũng có thể tự dệt thêu váy áo, thì Bình cho rằng, hiện nay, giống như thế hệ trẻ người Kinh, thanh niên Mông cũng có ước muốn làm công việc phù hợp với bản thân, như: Giáo viên, bác sĩ, công an, cán bộ, ca sĩ… chứ không chỉ là làm nông, các nghề thêu dệt. Thêm vào đó, trong lần trở về quê, anh nhận ra, phụ nữ ở bản anh nay mặc những chiếc váy áo may sẵn nhập từ Trung Quốc. Anh không còn thấy những cô gái Mông “túm tụm” bên những gốc cây, tay cầm kim vải thoăn thoắt thêu...

Một sản phẩm cách điệu của thương hiệu Hmong Tagkis
Họa tiết hoa văn thổ cẩm được thực hiện trên sản phẩm cách điệu của thương hiệu Hmong Tagkis

Lo ngại các tri thức nghề truyền thống của dân tộc sẽ dần mai một, Sùng A Bình luôn đau đáu về việc phục dựng trang phục, nét đẹp truyền thống của dân tộc mình giữa phố thị nhộn nhịp TP. Hồ Chí Minh.

Suy nghĩ và làm, Sùng A Bình bắt đầu quan tâm đến họa tiết, hoa văn, thổ cẩm của người Mông. Anh lặn lội tìm nguồn nguyên liệu khắp các gia đình làm thổ cẩm ở vùng núi phía Bắc, tìm những bạn trẻ người Mông đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh biết về nghề để cùng hợp tác sản xuất. Anh học chữ viết Mông để có thể kết nối với cộng đồng người Mông khắp nơi trên thế giới. Cứ thế mối quan hệ khách hàng ngày càng rộng thêm.

Từ một cửa hàng nhỏ, Sùng A Bình đã thành lập Công ty TNHH Hmong Tagkis, chuyên thiết kế, may thời trang thổ cẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người, trong đó có người dân tộc Mông.

Điều đặc biệt là, các sản phẩm thời trang thổ cẩm của Hmong Tagkis đều mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông, với mong muốn gìn giữ, phát huy bản sắc trang phục truyền thống của dân tộc Mông.

Theo đó, những bộ váy, áo, khăn, áo dài… thực hiện bằng chất liệu vải truyền thống là vải lanh, vải lanh nhuộm chàm, vải lanh vẽ sáp ong, vải lanh nhuộm màu tự nhiên và vải lanh thêu hoa văn thổ cẩm bằng tay cầu kỳ, tỷ mỉ.

Không chỉ dừng lại ở đó, các sản phẩm còn biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, nhằm phục vụ nhu cầu mới của thị trường. Đó là sự kết hợp cả hội họa, sử dụng cả kết cườm, thêu đá và kỹ năng nghề để tạo các sản phẩm sang trọng.

Nhờ biết nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như luôn làm mới mình, nên sản phẩm của Hmong Tagkis nhanh chóng thu hút được sự chú ý của thị trường, thậm chí nhiều sản phẩm đã “đánh gục” khách hàng khó tính.

Một sáng tác rất kỳ công của Sùng A Bình
Một sáng tác rất kỳ công của Sùng A Bình

Hiện tại, chàng trai trẻ Sùng A Bình là nhà thiết kế, đồng thời là nhà sáng lập và điều hành thương hiệu thời trang Hmong Tagkis tại TP. Hồ Chí Minh.

Dù đã có được thành công nhất định nhưng Sùng A Bình vẫn không cho phép bản thân tự hài lòng. Cũng giống như chữ “Tagkis” trong tiếng Mông mang nghĩa “ngày mai”, tìm kiếm tương lai mà anh đặt cho thương hiệu Hmong Tagkis của mình, với Bình, tiếp tục nỗ lực, sáng tạo và phát triển là ước mơ và mong muốn của anh.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.