Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Nhân rộng mô hình thôn, bản nông thôn mới: Bắt đầu từ việc điều chỉnh tiêu chí

PV - 14:22, 12/09/2018

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế, xuất phát điểm của các xã vùng sâu, vùng xa quá thấp thì việc chuyển hướng đầu tư cho các thôn, bản, ấp đạt các tiêu chí cơ bản của nông thôn mới (NTM) được xem là giải pháp khả thi. Từ những mô hình thí điểm hiệu quả, để nhân rộng thì việc xây dựng những tiêu chí phù hợp là rất cần thiết.

“Xây hạt nhân” cho xã khó

Tam Lư là xã biên giới ĐBKK của huyện 30a Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Toàn xã có 657 hộ/3.074 nhân khẩu (98% dân số là dân tộc Thái, còn lại là người Mường); kinh tế phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp.

Theo ông Vi Văn Piên, Chủ tịch UBND xã Tam Lư, năm 2011, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng kinh tế của xã rất thiếu và yếu; việc huy động nguồn lực trong nhân dân gần như không thể bởi thu nhập bình quân của xã chỉ đạt khoảng 9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã (chuẩn nghèo đơn chiều) lên tới 45,77% dân số;…

Đời sống khó khăn nên sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng NTM ở các xã miền núi chủ yếu được tính bằng ngày công. (Trong ảnh: Người dân xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, Điện Biên chung tay xây dựng NTM). Ảnh tư liệu Đời sống khó khăn nên sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng NTM ở các xã miền núi chủ yếu được tính bằng ngày công. (Trong ảnh: Người dân xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, Điện Biên chung tay xây dựng NTM). Ảnh tư liệu

Nhưng sau gần 8 năm, Tam Lư đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, 4 tiêu chí còn lại đã hoàn thành cơ bản; toàn xã chỉ còn 10,8% hộ nghèo (chuẩn nghèo đa chiều), thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người/năm. Tam Lư đang phấn đấu trở thành xã đầu tiên của huyện Quan Sơn “cán đích” NTM vào cuối năm 2018.

Rõ ràng đây là một kỳ tích bởi bên cạnh xuất phát điểm thấp thì nguồn lực hỗ trợ để Tam Lư xây dựng NTM không phải là nhiều. Theo số liệu của UBND xã, thời gian qua, tổng nguồn lực huy động được để xã xây dựng NTM là gần 60 tỷ đồng; trong đó vốn Chương trình NTM hơn 15 tỷ đồng; vốn Chương trình 135 là gần 5 tỷ đồng; vốn hỗ trợ phát triển sản xuất khoảng 2 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng (tính bằng ngày công, hiến đất và hoa màu, vật kiến trúc trên đất); còn lại là nguồn vốn khác.

Vị chi, từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm Tam Lư chỉ huy động được khoảng 7 tỷ đồng/năm để xây dựng NTM. Trong khi đó, việc xây dựng NTM ở địa bàn biên giới, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm,…) thường “ngốn” kinh phí hơn rất nhiều so với những địa bàn khác.

Vì sao xã biên giới Tam Lư lại đạt được kỳ tích như vậy?

Câu hỏi này đã được làm rõ tại Hội nghị toàn quốc xây dựng NTM tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững được tổ chức ngày 27/7/2018. Tại Hội nghị này, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hoá, ông Trần Đức Năng chia sẻ, với những địa bàn biên giới ĐBKK như xã Tam Lư, nếu không có cách làm phù hợp thì việc xây dựng NTM còn khó hơn leo núi mùa mưa.

Cách làm của Thanh Hóa là triển khai mô hình thôn/bản NTM ở các huyện miền núi. Bản Hậu của xã Tam Lư là 1/3 bản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa thí điểm mô hình này để tập trung nguồn lực đầu tư, gánh vác vai trò làm “hạt nhân”. Sau khi bản Hậu đạt chuẩn NTM (năm 2015), mô hình được triển khai sang các bản khác. Đến nay, 4/6 bản của xã Tam Lư đã đạt chuẩn NTM, là nền tảng để Tam Lư “cán đích” NTM cuối năm 2018.

Cần một “bộ khung” tiêu chí

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình thôn/bản NTM ở các huyện miền núi. Từ tháng 5/2013, tỉnh triển khai thí điểm ở bản Tôm-xã Ban Công (Bá Thước), bản Poọng-xã Phú Nghiêm (Quan Hóa), bản Hậu-xã Tam Lư (Quan Sơn). Từ những “hạt nhân” này, phong trào xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 huyện, 244 xã (42,6%) đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng khu vực miền núi của tỉnh đã có 38 xã và 392 thôn, bản (trên tổng số 2.208 thôn, bản) đạt chuẩn. Theo đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 20% tương ứng với 450 thôn, bản miền núi, trên 60% số xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau Thanh Hóa, một số tỉnh có nhiều xã miền núi ĐBKK cũng đã thí điểm và nhân rộng mô hình thôn, bản NTM. Tỉnh Nghệ An bắt đầu thực hiện từ năm 2016, đến nay đã có 25 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Nghệ An sẽ có 50 thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Cùng với Thanh Hóa, Nghệ An, ở các tỉnh khác như Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên,… mô hình thôn bản NTM đang phát huy vai trò “hạt nhân”. Việc triển khai mô hình thôn/bản NTM ở các huyện miền núi là hết sức cần thiết trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế; trong khi còn rất nhiều địa bàn ĐBKK, số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt thấp.

Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn còn 1.922 xã đạt dưới 10 tiêu chí, trong đó có 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới. Theo tính toán, nếu để 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới thì cần phải đầu tư tới hơn 20.000 tỷ đồng (trung bình đầu tư 200 tỷ đồng/xã)-con số mà ngân sách và sự ủng hộ của xã hội không thể đáp ứng nổi trong ngắn hạn.

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng NTM, giai đoạn 2018-2020, mô hình xây dựng thôn/bản NTM ở các huyện miền núi sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Điều cần thiết lúc này là cần có một “bộ khung” về tiêu chí xây dựng thôn bản NTM ở các huyện. Hiện bộ tiêu chí thôn/bản NTM không thống nhất, được các địa phương ban hành dựa trên 19 tiêu chí xây dựng NTM cấp xã giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, nhiều tiêu chí NTM hiện không phù hợp với các địa bàn miền núi, vùng ĐBKK.

Lấy ví dụ như chỉ tiêu 15.3 về “Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi” (Tiêu chí y tế); để đạt chuẩn thì tỷ lệ này phải dưới 26,7%. Đa số các xã vùng cao, biên giới, điều kiện sống khó khăn nên tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, thấp còi chiếm tỷ lệ cao. Để đạt được chỉ tiêu này cần phải có thêm thời gian và kinh phí bởi thay đổi về chiều cao, cân nặng của trẻ dưới 5 tuổi không phải chuyện một sớm một chiều.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.