Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nhiều di tích lịch sử ở Tam Đảo bị lãng quên

PV - 10:42, 03/04/2019

Thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ nổi tiếng là nơi có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ mà còn có nhiều di tích gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc như, Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Trần Hưng Đạo (Trung du), hầm trú ẩn của Trung ương; Đặc biệt, nơi đây có căn nhà mà mỗi lần Bác Hồ lên thăm và làm việc lưu lại…; Tiếc rằng những di tích này chưa được xếp hạng, qua thời gian, dẫn đến hư hỏng xuống cấp trầm trọng.

Dấu ấn lịch sử

Ông Trần Quang Thà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho biết: Thị trấn Tam Đảo không chỉ là nơi nghỉ mát lý tưởng mà còn là địa danh lịch sử vẻ vang với trận tiêu diệt đồn phát xít Nhật ngày 16/7/1945, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nơi đây còn là nơi đặt Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Trần Hưng Đạo (Trung Du) thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhiều di tích lịch sử ở Tam Đảo bị bỏ hoang phế. Nhiều di tích lịch sử ở Tam Đảo bị bỏ hoang phế.

Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã cho xây dựng tại Tam Đảo 5 hầm hào trú ẩn phục vụ cho Trung ương. Cả 5 hầm trú ẩn trên tuy được thiết kế ở 5 địa điểm khác nhau, nhưng kết cấu, kiến trúc, kích thước gần giống nhau, tạo thành một thế trận phòng thủ vững chắc liên hoàn, nằm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo hàm chứa nhiều ý nghĩa lịch sử.

Nơi đây đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và làm việc 3 lần. Lần thứ nhất vào ngày 19/5/1955, Bác lên thăm công trường xây dựng các nhà nghỉ phục vụ chuyên gia các nước anh em; lần thứ hai vào ngày 14 và 15/7/1963 Bác nghỉ tại Nhà Giao tế Trung ương, Bác đến thăm và phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc và lần thứ ba vào ngày 27/7/1968 Bác lên dự cuộc họp của Quân uỷ Trung ương.

Cần sớm xếp hạng

Có thể nói, những di tích ở thị trấn Tam Đảo có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, ghi dấu những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam. Tiếc rằng, các di tích này đang bị quên lãng dẫn đến xuống cấp trầm trọng. Ngôi nhà gỗ Bác Hồ từng ở nay chỉ còn là một ngôi nhà mục nát. Nếu đến Tam Đảo, có dịp đi qua ngôi nhà gỗ ở Khu Giao tế chắc hẳn sẽ không biết đây là một di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng.

Tương tự như vậy, 5 ngôi hầm trú ẩn được Trung ương Đảng xây dựng hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí có những hầm trú ẩn bị rác thải lấp đầy, cửa hầm đã xây bịt kín, hệ thống điện bị hỏng nên việc đi vào thăm, kiểm tra rất khó khăn.

Ông Trần Quang Thà cho biết, đã có rất nhiều đoàn của tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về khảo sát và đánh giá hiện trạng của các di tích cách mạng tại thị trấn nhưng từ đó đến nay các di tích vẫn không được duy tu, sửa chữa.

Còn ông Đỗ Quốc Trọng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Tam Đảo cho hay, từ năm 2005, Phòng Văn hóa, Thông tin đã tới kiểm tra các di tích lịch sử văn hóa ở thị trấn Tam Đảo. Theo đó, các di tích này được đưa vào danh mục kiểm kê và trình UBND tỉnh xét duyệt xếp hạng. Tại thời điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu tìm hướng bảo tồn di tích. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các di tích vẫn chưa được xếp hạng, dẫn đến khó khăn trong việc quy hoạch, bảo tồn trùng tu.

Theo ông Đỗ Quốc Trọng hiện nay, di tích ngôi nhà nơi Bác Hồ từng ở do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, còn 5 căn hầm chỉ huy được giao do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Do đó, trước mắt, Phòng Văn hóa, Thông tin Tam Đảo cùng với chính quyền thị trấn Tam Đảo phối hợp bảo vệ vòng ngoài, giữ nguyên hiện trạng. Đồng thời, chính quyến địa phương cũng tăng cường tuyên truyền để người dân sống xung quanh có ý thức bảo vệ không xâm lấn di tích,…

Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, cơ chế thực hiện nên các di tích này đang bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. “Chúng tôi đang đề xuất và mong muốn, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc sớm quan tâm xem xét xếp hạng các di tích lịch sử này. Có như vậy, mới có đủ cơ sở pháp lý để khoanh vùng bảo vệ di tích đồng thời có cơ chế trùng tu tôn tạo”, ông Trọng nhấn mạnh.

Những đề xuất của chính quyền huyện Tam Đảo là hết sức chính đáng. Tất cả chỉ còn phụ thuộc vào trách nhiệm, sự quan tâm của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, các đơn vị chức năng, chuyên ngành liên quan sớm có giải pháp cho vấn đề này.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.