Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nhiều địa phương sẵn sàng phương án khai giảng trực tuyến

Hoài Dương - 10:00, 25/08/2020

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến ngày khai giảng năm học mới 2020 - 2021. Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục các địa phương đã đưa ra nhiều kịch bản cho Lễ khai giảng và công tác dạy và học. Trong đó, phương án tổ chức Lễ khai giảng và dạy học Online trực tuyến đang được nhiều địa phương ưu tiên.

Các em học sinh chuẩn bị tinh thần để bước vào năm học mới trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp
Các em học sinh chuẩn bị tinh thần để bước vào năm học mới trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp

Quảng Nam là một trong những địa phương đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, vì vậy, các phương án chuẩn bị cho năm học mới đã được tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Nam cho biết: Chúng tôi dự kiến cho học sinh các cấp tựu trường vào ngày 1/9 và khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 22/8, chúng tôi đã tổ chức họp trực tuyến với Hiệu trưởng các trường để thống nhất triển khai phương án giảng dạy sao cho phù hợp.

Theo đó, đối với các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội, Sở GD&ĐT giao cho Hiệu trưởng các trường chủ động tổ chức khai giảng ngắn gọn trong phạm vi lớp học; sau đó vào học tiết học đầu tiên của năm học mới nhưng giữ khoảng cách tối đa trong lớp học. Còn đối với các vùng đang thực hiện giãn cách xã hội sẽ không tổ chức khai giảng mà triển khai dạy học trực tuyến. Sau khi dịch được khống chế thì cho các em học ngoại khóa ôn lại kiến thức. 

Để hỗ trợ cho các trường dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam còn phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sản xuất các chương trình, tạo kho tư liệu bài giảng phong phú. “Tuy nhiên, cái khó hiện nay là Quảng Nam có 9 huyện miền núi thì có 6 huyện vùng cao, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, điều kiện trang bị máy tính, điện thoại thông minh của học sinh không đầy đủ, dẫn đến tỷ lệ học trực tuyến không đạt như mong muốn”, ông Thành trăn trở. 

Tương tự, tại Đà Nẵng, địa phương vẫn đang tập trung toàn lực để kiểm soát, khống chế dịch Covid-19, việc chuẩn bị khai giảng năm học mới cũng đang được ngành Giáo dục TP. Đà Nẵng chuẩn bị chu đáo. 

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thông tin: Tính đến ngày 20/8, Đà Nẵng có 29 đơn vị trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên liên quan đến các ca mắc Covid-19 và có các trường hợp F1, F2. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục Đà Nẵng đang xây dựng nhiều phương án, kịch bản để triển khai công tác dạy học sao cho phù hợp. Theo đó, học sinh sẽ đi học trở lại nếu không còn ca mắc Covid -19 nào phát sinh, nhưng sẽ không tổ chức khai giảng, không chào cờ. Còn nếu dịch bệnh vẫn kéo dài, chúng tôi sẽ lùi thời gian bắt đầu năm học mới theo tình hình thực tế... 

Còn tại các địa phương vùng miền núi Tây Bắc chưa xuất hiện ca mắc Covid–19 sẽ tổ chức khai giảng tập trung như mọi năm, nhưng bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Liên quan đến nội dung khai giảng và dạy học năm học mới, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, với tinh thần chung là phải bảo đảm sự an toàn về sức khỏe cho học sinh và giáo viên, Bộ GD&ĐT đã tính toán kỹ lưỡng các kịch bản cho năm học mới. Tùy từng hoàn cảnh, các địa phương có thể linh động cách thức tổ chức Lễ khai giảng mà vẫn bảo đảm giữ được ý nghĩa, không khí Lễ khai giảng.

Đối với các địa phương đang trong thời kỳ giãn cách xã hội thì các trường có thể tổ chức khai giảng trực tuyến. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Quy chế dạy học trực tuyến trong thời gian sớm nhất nhằm hỗ trợ các trường để dạy học trực tuyến trở thành một phương thức dạy học chính thức trong nhà trường...

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.