Chủ trì Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐTTheo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có một số điểm đổi mới.
Về đề thi, nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Cấp độ tư duy là 40% mức độ biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng. Tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kỹ năng với thực tế, thực tiễn, đặc biệt với những nội dung phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Với những điểm mới này, đặt yêu cầu thầy cô cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học. Tự chủ, tự học cũng là 1 trong 3 năng lực chung quan trọng được nêu trong Chương trình GDPT 2018.
Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng nhấn mạnh, một điểm mới quan trọng liên quan đến xét tốt nghiệp THPT. Theo đó, tính điểm xét tốt nghiệp chỉ còn 50% điểm thi tốt nghiệp THPT, còn lại 50% tính điểm từ quá trình 3 năm học THPT. Thay đổi này phù hợp với Chương trình GDPT 2018 với việc tập trung phát triển năng lực, phẩm chất người học và nhiều năng lực, phẩm chất của học sinh được phát triển trong quá trình học tập.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ tổ chức 3 buổi thi và buổi thứ 3 sẽ thi cả 2 môn tự chọn. Để thuận lợi cho công tác tổ chức, thí sinh được sắp xếp ở một phòng thi duy nhất trong các buổi thi, không phải di chuyển.
Việc thu bài sẽ theo phòng mà không cần phân loại theo môn. Giữ nguyên 24 thí sinh/phòng thi, 1 phòng thi có thể sắp xếp tối đa tới 5 môn. Để bảo đảm yếu tố an ninh, thay vì chỉ có 24 mã đề cho 24 học sinh trong 1 phòng thi như trước đây, kỳ thi năm nay nâng số mã đề lên thành 48 cho 2 khung thời gian của buổi thi thứ 3.
Một vấn đề nữa, năm nay sẽ tổ chức đồng thời cho học sinh thi theo Chương trình GDPT 2006 (các em chưa tốt nghiệp, hoặc thi để lấy điểm xét tuyển sinh ĐH) và học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018. Để tránh sai sót, cần bố trí 1 số điểm thi riêng cho học sinh thi theo Chương trình 2006.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức cần cố gắng giống với cách tổ chức kỳ thi chính thức, từ cấu trúc định dạng và mức độ đề thi, thời gian tổ chức thi, sắp xếp phòng thi…
Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ phần mềm chấm thi, cử cán bộ, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc quy trình chấm bảo đảm đúng quy định của Quy chế thi.
Nhấn mạnh việc xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống bất thường, ông Nguyễn Ngọc Hà tổng kết lại một số tình huống đã xảy ra để sẵn sàng kịch bản nếu gặp phải, gồm: Lỗi in đề thi chỉ phát hiện ra khi bóc đề thi; học sinh, giáo viên viết nhầm thông tin lên Phiếu trả lời trắc nghiệm, Giấy làm bài thi; thời tiết xấu bất thường ảnh hưởng đến việc đi lại, bảo đảm an ninh an toàn trường thi; ùn tắc giao thông; mất điện khu vực thi; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.
Đối với công tác quản lý thực hiện Thông tư số 29, UBND các tỉnh/thành phố có căn cứ để ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của tỉnh theo quy định của Thông tư.
Sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 29, Bộ GD&ĐT đánh giá: Về ưu điểm, công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đã được thực hiện quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương tới các địa phương. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện chỉ đạo UBND cấp tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo địa phương đối với giáo dục phổ thông. Các địa phương đã tích cực, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư.
Cả hệ thống chính trị đều vào cuộc để việc triển khai thực hiện Thông tư được hiệu quả. Bên cạnh ngành Giáo dục và các cơ quan quản lý chuyên môn còn có sự huy động của lực lượng chính quyền các cấp của địa phương, các sở, ban, ngành khác liên quan.
Công tác quán triệt, truyền thông về các nội dung của Thông tư đã được thực hiện kịp thời, đa dạng, sâu rộng tới mọi đối tượng chịu sự tác động của Thông tư.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành kịp thời, khẩn trương, huy động được nhiều lực lượng cùng phối hợp với ngành Giáo dục để triển khai thực hiện, tăng cường sự giám sát của toàn dân.
Chính vì vậy, Thông tư số 29 đã nhận được sự đồng thuận cao và quan tâm đặc biệt của xã hội, nên được nắm bắt nhanh chóng và được triển khai kịp thời, đáp ứng mong mỏi của xã hội.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông báo cáo về tình hình triển khai Thông tư 29 tại Hội nghịVề tồn tại, hạn chế, Bộ GD&ĐT đánh giá còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa hiểu hết quy định, tinh thần của Thông tư số 29. Tại các buổi làm việc, Bộ GD&ĐT ghi nhận một số ý kiến băn khoăn, lúng túng cho thấy việc tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, kịp thời.
Vẫn còn địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ban hành quy định tại địa phương, dẫn tới lúng túng trong triển khai; sự phối hợp giữa các sở, ngành trong triển khai các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường có nơi chưa kịp thời nên một bộ phận giáo viên có nhu cầu dạy thêm hoang mang, lo lắng.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về dạy thêm học thêm, thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 5 tỉnh (Hà Nội, Quảng Trị, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình và TP. Hồ Chí Minh). Chủ động, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy định về dạy thêm học thêm, bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.