Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nhiều khu chợ ở Văn Bàn phải chuyển đổi công năng

PV - 10:21, 07/05/2018

Trên địa bàn huyện Văn Bàn (Lào Cai), nhiều khu chợ xây xong mà không có người họp, thường xuyên “cửa đóng, then cài”. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn đầu tư và bức xúc trong người dân...

Cách đây hơn chục năm, chợ Chiềng Ken được đầu tư xây dựng, đây là khu chợ trung tâm cụm xã duy nhất, dự kiến đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa cho 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Bàn. Tuy nhiên, chỉ sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, chợ rơi vào tình trạng không có người họp. Hiện tại, chỉ có duy nhất một hộ gia đình anh Lục Văn Hoạt ở thôn Ken 1, xã Chiềng Ken buôn bán  trong chợ. Theo anh Hoạt, do chợ xây ở vị trí không thuận lợi, nên rất ít người vào mua hàng.

Hiện tại chợ trung tâm cụm xã Dương Quỳ đang được sử dụng để làm sân chơi cho học sinh. Hiện tại chợ trung tâm cụm xã Dương Quỳ đang được sử dụng để làm sân chơi cho học sinh.

 

“Không có người mua hàng nên các hộ bán hàng cũng chuyển đi hết. Ngay như tôi, ngồi bán ở chợ cũng chỉ cho hết thời gian chứ hàng hóa chẳng tiêu thụ được”, anh Hoạt cho hay.

Cùng chung cảnh ngộ, khu chợ Trung tâm cụm xã Dương Quỳ được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu cho người dân 4 xã: Dương Quỳ, Dền Thàng, Nậm Chày và Thẩm Dương. Thế nhưng, thay cho cảnh buôn bán tấp nập vốn phải có, thì nơi đây đang được sử dụng làm khu thể dục cho học sinh. Trong khi đó, các hộ gia đình có nhu cầu buôn bán thì lại họp chợ ngoài mặt đường.

Ông Phùng Văn Thời, Chủ tịch UBND xã Dương Quỳ cho biết: Sau khi chợ hoàn thành, chính quyền địa phương cũng vận động các hộ kinh doanh vào buôn bán. Tuy nhiên, khi khảo sát thiết kế không kỹ, vị trí chợ nằm cách xa đường giao thông hàng hóa không bán được nên các hộ kinh doanh chỉ vào được vài hôm, lại chuyển ra ngoài.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Văn Bàn hiện có tới 3 khu chợ trung tâm cụm xã tại các xã Chiềng Ken, Dương Quỳ và Nậm Tha được đầu tư xây dựng bị bỏ không. Tổng kinh phí xây dựng các chợ lên tới hàng tỷ đồng. Trước thực trạng chợ xây xong không có người họp, cấp ủy, chính quyền địa phương đã lên phương án chuyển đổi công năng sử dụng đối với các chợ này.

Ông Phan Trung Bá, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: Huyện có kế hoạch chuyển đổi 3 chợ này thành các nhà văn hóa, nhà hoạt động của các trường học... Tuy nhiên, thiết kế của các chợ mang tính đặc thù nên muốn chuyển đổi mục đích sử dụng cũng cần một khoản kinh phí để sửa chữa cho phù hợp.

Trong tiêu chí xây dựng NTM về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đã có sự điều chỉnh, trong đó có việc các chợ bỏ hoang, không hoạt động thì chuyển đổi mục đích sử dụng là hợp lý. Tuy nhiên, việc chuyển chợ này thành nhà đa năng trường học, nhà văn hóa... chắc chắn sẽ tiếp tục cần một khoản kính phí sửa chữa, kết cấu lại.

Do vậy, việc quy hoạch xây dựng các chợ phục vụ giao thương hàng hóa ở các vùng nông thôn, cần có sự nghiên cứu cẩn trọng hơn, gắn với khảo sát, lấy ý kiến người dân. Tránh tình trạng chợ xây xong không có người họp, trong khi người dân vẫn đang lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán, vừa gây lãng phí nguồn kinh phí, vừa mất an toàn giao thông như thực tế đang diễn ra trên địa bàn huyện Văn Bàn.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.