Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nhiều lỗ hổng trong bảo vệ nạn nhân bạo lực tình dục

PV - 10:52, 30/10/2018

Thời gian vừa qua, bạo lực tình dục đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều phụ nữ, trẻ em gái, trong đó có phụ nữ trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều đáng nói, các biện pháp bảo vệ các nạn nhân này hiện còn nhiều bất cập, khiến công tác phòng chống bạo lực tình dục ngày càng khó khăn.

bạo lực tình dục Cần thay đổi nhận thức để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái (Ảnh minh họa).

Thiếu sự cảm thông

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm: Phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái-nhận diện cơ hội và thách thức, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết: Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện trên 1.134 vụ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành và bị xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ, xâm hại bạo hành 562 vụ.

Có một thực tế là hiện nay, nạn nhân của bạo lực tình dục không chỉ đối diện với nỗi đau thể xác, sự uy hiếp tinh thần mà còn phải đối diện với chỉ trích từ dư luận. Do vậy, phần lớn nạn nhân của các vụ việc này đều lựa chọn giải pháp im lặng. Cũng trong báo cáo của Bộ LĐTB&XH chỉ ra, hiện có đến 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục, nhưng hầu hết họ chọn cách im lặng.

Bà Nguyễn Vân Anh thông tin, thời gian qua, bà đã làm việc với nhiều bà mẹ, họ rất đau đớn khi có con bị xâm hại. Nhiều gia đình vì quá uất ức đã phải chấp nhận với dư luận của xã hội, sẵn sàng đánh đổi công việc, danh dự, uy tín của gia đình để tố cáo thủ phạm. Thế nhưng, thay vì thông cảm, bảo vệ gia đình những nạn nhân, nhiều người lại chỉ trích người đi tố cáo trên mạng xã hội, trên truyền thông.

Những áp lực dư luận này thậm chí từng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như vụ việc bé K. (13 tuổi) ở Cà Mau tự tử sau khi viết thư tuyệt mệnh vì bị hàng xóm là ông HB (58 tuổi) có hành vi dâm ô. Bé đã kể với gia đình, gia đình làm đơn tố cáo đến Công an tỉnh. Tuy nhiên, sau đó em lại bị những người xung quanh bàn tán chỉ trích, bạn bè trêu trọc, xa lánh. Hơn nữa, Công an tỉnh kết luận không đủ chứng cứ, chỉ là lời khai một phía nên không khởi tố vụ án. Một lần bé K. mở tủ của mẹ thì nhìn thấy tờ thông báo không khởi tố vụ án của công an. Vì quá uất ức nên em đã tự tử.

Rào cản từ pháp lý

Những nạn nhân của bạo lực tình dục không chỉ phải đối diện với áp lực từ dư luận, mà còn gặp nhiều rào cản từ pháp lý. Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci (Hà Nội) cho biết, một khó khăn khác trong xử lý vụ việc là, nhận thức pháp luật có sự khác biệt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các khái niệm pháp lý về hành vi dâm ô trẻ em còn chưa rõ ràng.

Và để việc áp dụng pháp luật được thống nhất; cần sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự nêu rõ những khái niệm chưa rõ ràng và quy định theo hướng mở rộng nguyên tắc xác định chứng cứ, cách thức thu thập chứng cứ đối với loại tội phạm này để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Đồng quan điểm đó, luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, Bộ luật Hình sự nên có quy định cụ thể về hành vi “dâm ô”; giảm độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với tội dâm ô trẻ em.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, tội dâm ô chỉ áp dụng cho người đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội dâm ô không phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh này.

Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), một trong những bất cập hiện này là, trong Quy định của Bộ luật Hình sự, cũng như trong ngành Y chưa có thang phân loại mức độ tổn thương về tâm lý, tinh thần. Trong khi trên thực tế, các tổn thương về tinh thần là rất nặng nề, dẫn đến trầm cảm, tâm thần phân liệt, nguy cơ tự tử ở trẻ em gái ngày càng gia tăng.

Bà Nguyễn Vân Anh nhận định tình hình: Công tác phòng, chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái hiện nay vẫn còn có rất nhiều thách thức, nếu mỗi người trong xã hội không làm gì mà chỉ đổ lỗi cho nạn nhân, thì chính là đang góp phần vào việc tăng tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.