Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất huy động

Cát Tường (T/h) - 07:49, 08/09/2021

Theo số liệu thống kê mới nhất, trước áp lực giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở mức thấp trong nhiều năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng (VND) bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.

Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, mức lãi suất bình quân các ngân hàng đang trả cho khách hàng là 5,4 - 6,8%/năm và cao nhất tới 6,1 - 6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Đối với các ngân hàng như Ngân hàng BIDV và Agribank, mức lãi suất huy động cao nhất đã giảm nhẹ từ 5,6%/năm xuống còn 5,5%/năm đối với các kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng.

Với mức lãi suất hiện tại, BIDV và Agribank đang niêm yết biểu lãi suất tương đồng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thuộc nhóm lãi suất thấp nhất trong hệ thống.

Riêng Ngân hàng VietinBank, lãi suất tiết kiệm cao nhất vẫn đang giữ ở mức 5,6%/năm với khoản gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 - 3 tháng ở nhóm ngân hàng này hiện ở mức từ 3,1 - 3,4%/năm; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 - 9 tháng niêm yết ở mức 4%/năm.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất nhiều kỳ hạn cũng được điều chỉnh giảm trung bình từ 0,2 - 0,4%/năm. Cá biệt, có ngân hàng giảm đến gần 1%/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8/2021. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã giảm mạnh lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng xuống còn 6%/năm, thay vì mức 6,8%/năm trước đó; 

Tuy vậy, vẫn có một số ngân hàng huy động với lãi suất cao nhất trên 7%/năm nhưng thường kèm theo điều kiện về số tiền gửi từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2021, trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt 5,11 triệu tỉ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm ngoái, thì tiền gửi của dân cư đạt 5,29 triệu tỉ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm ngoái. Trong những tháng đầu năm nay, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng không có sự tăng trưởng đáng kể. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng so với cùng kỳ những năm trước.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại nhìn nhận không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà ngay cả với ngân hàng, nguồn vốn huy động vào nhưng cho vay không dễ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Nhiều ngân hàng cũng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức cao, đủ hấp dẫn người gửi tiền.

Ở góc độ khác, dịch COVID-19 kéo dài cũng ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập và dòng tiền nhàn rỗi của người dân. Nhiều người phải dùng tiền tích lũy để chi tiêu, ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

Về lãi suất cho vay, tiếp sau cam kết giảm lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng của cả hệ thống ngân hàng để hỗ trợ và chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, 4 ngân hàng có vốn nhà nước: Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay đối với 19 tỉnh, thành phía Nam hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.