Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhiều nước châu Á nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19

PV - 09:05, 30/05/2022

Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện, nhiều nước trong khu vực châu Á đã có những bước đi mới nhằm nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

 Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, các doanh nghiệp được nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh (Ảnh: Xinhua)
Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, các doanh nghiệp được nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh (Ảnh: Xinhua)

Tại châu Á, ngày 29/5, hãng thông tấn Kyodo dẫn một nguồn tin cho biết Triều Tiên đã dỡ bỏ các hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch COVID-19 tại thủ đô Bình Nhưỡng, vài tuần sau khi nước này phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Trước đó cùng ngày, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin tại cuộc họp quan trọng do nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì, Đảng Lao động Triều Tiên đã quyết định sẽ phối hợp "các quy định và hướng dẫn chống dịch trong bối cảnh tình hình chống dịch ổn định hiện nay".

Triều Tiên ngày 29/5 đã nghi nhận hơn 89.500 ca sốt mới, nâng tổng số ca sốt lên hơn 3,44 triệu người kể từ cuối tháng 4, trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 ở quốc gia Đông Bắc Á này. Theo KCNA, hiện có ít nhất 186.000 người đang được điều trị và hơn 3,26 triệu người đã hồi phục.

Trong khi đó, cũng trong ngày 29/5, chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) thông báo kể từ ngày 1/6, sẽ hủy bỏ nhiều biện pháp hạn chế đối với doanh nghiệp nhằm nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đồng thời áp dụng các chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Động thái này nhằm chấm dứt các biện pháp phong tỏa toàn thành phố vốn được thực hiện từ 2 tháng trước do đại dịch COVID-19.

Tại Thái Lan, nhật báo The Nation của nước này ngày 29/5 đưa tin, Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) của nước này quyết định không tính các trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2 vào thống kê số ca mắc COVID-19 theo ngày. Theo CDC Thái Lan, phần lớn các ca xét nghiệm nhanh dương tính đều có triệu chứng nhẹ, rất ít triệu chứng hoặc không triệu chứng. Do đó, DDC quyết định không đưa số liệu này vào thống kê ca mắc COVID-19 theo ngày. Việc không tính số ca nhiễm được xác nhận qua xét nghiệm nhanh không ảnh hưởng đến thống kê về số ca mắc, vì số liệu này sẽ chỉ tập trung vào những người có triệu chứng nặng và cần nhập viện. DDC dự kiến áp dụng cách thống kê số ca mắc mới bắt đầu từ tháng tới.

Tại Hàn Quốc, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện, nhà chức trách nước này đã chuyển hướng từ truy vết nghiêm ngặt và điều trị sang tập trung vào những ca mắc COVID-19 nghiêm trọng và ngăn ngừa các ca tử vong. Kể từ tháng sau, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sẽ triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh công tác điều trị cho nhóm những người dễ bị tổn thương, bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên, nhân viên các nhà dưỡng lão và những người có hệ miễn dịch yếu. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng triển khai các bước nhằm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, đồng thời nới lỏng quy định đi lại.

Trong khi đó, theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 314.574 ca nhiễm, 443 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 531.543.141 ca, trong đó 6.310.707 ca tử vong và 502.199.166 ca đã được chữa khỏi.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 28/5, châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (196.143.001 ca), tiếp theo là châu Á (155.635.895 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (101.312.983 ca) và Nam Mỹ (57.636.839 ca). Châu Phi (12.138.855 ca) và châu Đại Dương (8.674.847 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Tính theo số ca mắc, hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 so với khu vực châu Mỹ và thế giới với 85.715.880 ca mắc, trong đó 1.031.269 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 4.438 ca nhiễm COVID-19 mới./.