Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Nhiều vấn đề quan trọng để phát triển bền vững đất nước được quan tâm tại phiên thảo luận Đại hội XIII của Đảng

Sỹ Hào - 15:15, 27/01/2021

Sáng 27/1/2021, trong ngày làm việc thứ ba, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiến hành thảo luận các Văn kiện. Trong các tham luận, đại biểu đã nêu nhiều giải pháp quan trọng để phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận sáng nay (27/1/2021)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận sáng nay (27/1/2021)

Trong sáng 27/1, tham luận của Ban Dân vận Trung ương do đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương có nêu: Trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. 

Một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử là bài học “Lấy dân làm gốc”, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là tư tưởng xuyên suốt góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, vượt qua mọi khó khăn và đạt được nhiều thắng lợi.

Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế: Kinh tế vĩ mô ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế phát triển chưa bền vững; phân hóa giàu - nghèo trong dân và giữa các vùng miền gia tăng, năng lực cạnh tranh hạn chế, năng suất lao động thấp; xu hướng già hóa dân số; biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của đất nước.

"Trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, đất nước, công tác vận động Nhân dân càng phải chú trọng và đổi mới mạnh mẽ, xây dựng lòng dân hướng về Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo nên sự đồng lòng trong các phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tham luận tại Đại hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tham luận tại Đại hội

Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhiệm kỳ qua, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp quyết định vào các thành quả của đất nước. Đặc biệt, dù có nhiều khó khăn, nhất là tác động của đại dịch Covid - 19 trong năm 2020, nhưng quy mô thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 vẫn gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015, đạt trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng (20 - 21% GDP), vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW/2016 của Bộ Chính trị (20 - 21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (không thấp hơn 23,5% GDP).

"Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới là khá nặng nề, nhưng với ý chí và quyết tâm cao, ngành Tài chính xin hứa trước Đại hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nhiệt huyết, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính - ngân sách nhà nước, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Trong tham luận của ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo - Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 27/1/2021
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 27/1/2021

Đặc biệt, chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%. Trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, trẻ không có người nuôi dưỡng, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện, can thiệp sớm, học hòa nhập, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bên cạnh kết quả, thành tựu mà ngành Giáo dục đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong đó đáng chú ý là, thời gian qua, các địa phương đã tiến hành rà soát, quy hoạch một bước mạng lưới trường, lớp học. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện sáp nhập cơ học các trường, điểm trường lẻ có ít giáo viên, học sinh. Việc quy hoạch, sắp xếp chưa quan tâm đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và dự báo nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương.

"Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường đầu tư, phát triển nhanh trường, cụm lớp cho cấp học mầm non; ưu tiên tài chính và quỹ đất để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày, nhất là ở vùng khó khăn, trước hết tập trung cho giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; bảo đảm đủ các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận tham luận tại Đại hội
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận tham luận tại Đại hội

Trong buổi sáng, Đại hội cũng đã nghe tham luận của các địa phương. Trong đó, thảo luận về nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, đại biểu Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng trình bày tham luận “Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu của tỉnh Lâm Đồng”.

Theo ông Quận, Lâm Đồng hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và lực lượng sản xuất trong nông nghiệp phát triển mạnh. Đến nay, Lâm Đồng đã xây dựng một nền nông nghiệp với trình độ sản xuất khá cao, có thương hiệu, năng suất, chất lượng tốt. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nâng tầm ngành nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân kể cả ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho biết.

(Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục cập nhật)