Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách cho Người có uy tín: Đi đầu trong công tác an sinh xã hội (Bài 6)

M. Ngân - H. Diễm - 00:15, 30/07/2022

Bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong 10 năm qua, đội ngũ Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã có những đóng góp rất quan trọng trong công tác an sinh xã hội.

Hòa Thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang tặng quà cho phật tử có hoàn cảnh khó khăn
Hòa Thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang tặng quà cho phật tử có hoàn cảnh khó khăn

Khu vực Tây Nam bộ, có khoảng 1,3 triệu người dân tộc Khmer hầu hết đều theo hệ Phật giáo Nam tông, nên đời sống tinh thần đồng bào chủ yếu gắn liền với các ngôi chùa vì thế các vị sư sãi đóng vai trò hết sức quan trọng. Khi Người có uy tín ở vùng đồng bào là các vị sư trụ trì sẽ phát huy vai trò Người có uy tín rất cao bằng những việc làm cụ thể gắn kết “đạo và đời”. Luôn hướng phật tử đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng quốc gia, dân tộc trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đứng thứ 3 trong khu vực, hằng năm Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh có nhiều hoạt động đồng hành với chính quyền địa phương chăm lo đời sống đồng bào. Năm 2021, các chùa Khmer trong tỉnh đã vận động xây dựng mới 50 căn nhà tình thương, xây dựng 5 cầu và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bằng bê tông. Luôn quan tâm đến việc học của con em đồng bào DTTS.

Thường xuyên vận động mạnh thường quân đóng góp tặng tập viết cho học sinh nghèo, trao hàng ngàn phần quà đến đồng bào DTTS gặp khó khăn nhân các ngày lễ lớn. Đặc biệt, nhận nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em không nơi nương tựa. Tổng kết công tác Phật sự 2021 Hội đoàn kết sư sãi yêu nước đã vận động và trao tặng quà lên đến hàng chục tỷ đồng.

Hòa Thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang cho biết: Với tinh thần đạo pháp đồng hành cùng dân tộc, các vị sư sãi trong Hội với vai trò là Người có uy tín đã luôn tích cực trong công tác chăm lo đời sống đồng bào, luôn nhắc nhở bà con phật tử thực hiện theo đúng chánh pháp, chăm lo lao động, học hành, tích cực tham gia cùng lực lượng công an giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Người có uy tín vận động đồng bào cùng xây dựng phum sóc xanh – sạch – đẹp
Người có uy tín vận động đồng bào cùng xây dựng phum sóc xanh – sạch – đẹp

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2022 có 602 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS theo quyết định của UBND tỉnh. Trong đó, có 171 vị là sư sãi tại các chùa Khmer, các vị vừa thực hiện công việc phật sự, còn tích cực góp sức xây dựng quê hương, luôn là cầu nối giữa ý Đảng lòng dân và sự dung hòa phật pháp giữa bình dị đời thường.

Thượng tọa Thạch Thươl, Trụ trì chùa Bângcrocháp Thmây, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: “Song song với việc Phật sự, Sư được phật tử, chính quyền tin tưởng bầu làm Người có uy tín trong phum sóc. Đây là niềm vinh dự cũng là cơ hội để lực lượng sư sãi đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Sư luôn hướng cho phật tử của mình, khi đất nước khó khăn, chúng ta là công dân nước nhà phải có trách nhiệm phụng sự, còn đối với đồng bào trong phum sóc, nếu có phật tử khó khăn thì nhà chùa cũng phải tính chuyện giúp đỡ tạo duyên cho sinh kế làm ăn. Tất cả những việc này đều hướng đến sự “cho” và “nhận”, một nét đẹp truyền thống trong Đạo Phật, có người nhận thì người bố thí tạo phước mới có cơ hội “cho”.

Trong câu chuyện “cho” và “nhận” chúng tôi từng được nghe và cảm động trước sự yêu thương trong nghĩa đồng bào của một nhà sư. Và câu chuyện đó, chính tôi được nghe lại gần một năm sau khi sự việc diễn ra. Chúng tôi có duyên và được Thượng toạ Lý Đức, Trụ trì chùa Bôtum Vong Sa Som Rong tiếp chuyện và cho biết về những khó khăn đã qua trong công tác phòng, chống dịch vào năm trước. Thượng toạ đi đến tận nhà của phật tử để nắm tình hình và hướng dẫn phòng chống dịch, răn dặn mọi người không được tụ tập và tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

“Lúc đó, sư vừa xoay xở để lo cho các sư sãi, tăng sinh đang tu tại chùa, vừa lo nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid - 19. Lúc sư lo nhất là tầm giữa tháng 8/2021, TP. Hồ Chí Minh bùng phát dịch mạnh và chùa Khmer ở quận Tân Bình có các vị bị nhiễm bệnh, đồng thời người dân cũng gặp khó khăn trong mua thực phẩm. Sư nghĩ người nhận đang chờ, còn người cho để tạo phước tìm đâu ra khi dịch bệnh phức tạp. Sư liền tìm xe tải hàng và ngồi ở trên xe để đưa thực phẩm lên TP. Hồ Chí Minh. Gần một ngày đêm mới đến nơi, do phải trình bày và téts Covid - 19 khi đi qua các chốt phòng chống dịch.

Một chuyến xe chở tấm lòng người miền Tây, Sư sẽ nhớ mãi để chia sẻ với phật tử, những giọt nước mắt mà vui mừng, tủi phận do đi làm xa nhà bị kẹt lại xứ người, có người mãi mãi không quay về quê hương... đây là bài học chia sẻ tình người trong gian khó, vừa nhắc nhở đồng bào, phật tử”, Thượng toạ Lý Đức chia sẻ.

Khi Người uy tín là các nhà sư, sẽ nâng cao vị thế, nhận thấy rõ nhất trong các lĩnh vực như: vận động và trực tiếp tham gia đóng góp Quỹ Vì người nghèo, vận động các nhà hảo tâm, đồng bào dân tộc Khmer trong và ngoài phum, sóc tham gia thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, các cuộc vận động, các phong trào thi đua tại phum, sóc. Những hoạt động, việc làm cụ thể của Người có uy tín đã và đang lan tỏa trong cộng đồng, qua đó cho thấy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trong cộng đồng và phum, sóc ngày càng được phát huy.

Có thể nói, 10 năm thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tạo cơ chế rất thuận lợi để cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác dân tộc có thể tranh thủ vận động và phát huy tối đa vai trò rất quan trọng của Người có uy tín. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ này cũng cần được quan tâm, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiến, tạo động lực để Người có uy tin tiếp tục phát huy vai trò của mình trong cộng đồng.