Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nhìn lại mô hình cộng đồng tham gia quản lý rừng: Vẫn còn loay hoay với mô hình thí điểm (Bài 3)

Sỹ Hào - 17:07, 02/07/2023

Cùng với giao rừng, ở nhiều địa phương đã thí điểm một số hình thức hợp tác với cộng đồng dân cư cùng quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều mô hình thí điểm đã mang lại hiệu quả, nhưng chưa thể nhân rộng do thiếu khuôn khổ pháp lý, cũng như chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia.

Ngoài lợi ích bảo vệ, phát triển rừng bền vững, mang lại thu nhập cho bà con thì mô hình đồng quản lý rừng ở VQG Bạch Mã còn góp phần duy trì, phát triển nền văn hóa truyền thống và kiến thức bản địa lâu đời của đồng bào Cơ Tu. (Ảnh: TL)
Ngoài lợi ích bảo vệ, phát triển rừng bền vững, mang lại thu nhập cho bà con, thì mô hình đồng quản lý rừng ở VQG Bạch Mã còn góp phần duy trì, phát triển nền văn hóa truyền thống và kiến thức bản địa lâu đời của đồng bào Cơ Tu. (Ảnh: TL)

Dở dang mô hình chia sẻ lợi ích

Cách đây gần 12 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 ban hành một số chính sách và giải pháp tăng cường hiệu quả bảo vệ rừng; trong đó nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia bảo vệ rừng. Tại Điều 4 của văn bản này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng chính sách đồng quản lý rừng, trong đó có cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các chủ rừng và các cộng đồng dân cư trong quá trình hợp tác đồng quản lý rừng.

Trước đó, ngày 2/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng. Mô hình được thực hiện tại 3 Vườn Quốc gia (VQG) gồm: Xuân Thủy (Nam Định), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và Hoàng Liên (Lào Cai). Mô hình thí điểm trên nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chia sẻ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của ban quản lý các khu rừng đặc dụng với cộng đồng dân cư tại địa phương.

Tại VQG Bạch Mã, mô hình thí điểm được triển khai trên vùng đệm thuộc xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông), với sự tham gia của 233 hộ dân, đều là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Khi tham gia mô hình, người dân địa phương được chia sẻ lợi ích các loài lâm sản ngoài gỗ (mây, hạt ươi, nấm linh chi, măng, mật ong, lợn rừng, ốc...). Đặc biệt, ngoài lợi ích bảo vệ, phát triển rừng bền vững, mang lại thu nhập cho bà con, thì mô hình còn góp phần duy trì, phát triển nền văn hóa truyền thống và kiến thức địa phương lâu đời của đồng bào Cơ Tu, nhất là kinh nghiệm khai thác và sử dụng một số lâm sản ngoài gỗ nhằm phục vụ cuộc sống hàng ngày như làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh thông thường.

Lệnh đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc khiến nhiều mô hình chia sẻ lợi ích từ rừng phải dừng hoạt động. (Ảnh minh họa)
Lệnh đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc khiến nhiều mô hình chia sẻ lợi ích từ rừng phải dừng hoạt động. (Ảnh minh họa)

Được biết, trước khi thực hiện thí điểm mô hình này thì vấn đề chia sẻ lợi ích với cư dân vùng đệm tại VQG Bạch Mã đã được thực hiện tại một số thôn của xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) và xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông), nhưng tính pháp lý và việc áp dụng vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, với cơ chế được quy định tại Quyết định số 126/QĐ-TTg được kỳ vọng sẽ tạo đột phá để nhân rộng mô hình chia sẻ lợi ích từ rừng, từ đó xây dựng khung pháp lý về chính sách đồng quản lý rừng.

Mặc dù mô hình thí điểm chia sẻ lợi ích từ rừng được đánh giá là đạt được nhiều mục tiêu nhưng đến nay vẫn không thể nhân rộng; chính sách về đồng quản lý rừng cũng chưa thể xây dựng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg ngày 8/2/2012. Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” tổ chức ở Tp. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) ngày 4/4/2023, đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) lý giải, theo Quyết định số 126/QĐ-TTg thì các VQG phải thành lập Hội đồng quản lý rừng có sự tham gia của đại diện cộng đồng dân cư. Nhưng do vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý quy định về Hội đồng quản lý rừng, nên việc thí điểm không thành công. Hơn nữa, một phần cũng do cơ chế khai thác, chia sẻ lâm sản ngoài gỗ hoặc sản phẩm dưới tán rừng đặc dụng chưa rõ ràng.

Thiếu khuôn khổ pháp lý

Từ năm 2009, Lâm trường Đăk Tô - Kon Tum (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) đã thí điểm mô hình đồng quản lý 1.000 ha rừng tự nhiên với cộng đồng dân cư tiếp giáp với rừng. Đây là dự án thuộc Chương trình quản lý và sử dụng rừng bền vững, thương mại và tiếp thị lâm sản chính tại Việt Nam, do Chính phủ nước Cộng hòa liên bang Đức tài trợ.

Hiện, vẫn chưa có mô hình tổ hợp tác quản lý rừng, do đó cần tiến hành thí điểm thành lập một số mô hình, sau đó tổng kết xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. (Trong ảnh: Chốt bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, Lào Cai – Nguồn: vanbanlaocai.gov.vn)
Hiện, vẫn chưa có mô hình tổ hợp tác quản lý rừng, do đó cần tiến hành thí điểm thành lập một số mô hình, sau đó tổng kết xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. (Trong ảnh: Chốt bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, Lào Cai – Nguồn: vanbanlaocai.gov.vn)

Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” tổ chức ở Tp. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) ngày 4/4/2023, đại diện Cục Lâm nghiệp đánh giá, mô hình đồng quản lý rừng tại Lâm trường Đăk Tô khá thành công. Tuy nhiên, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc (đóng cửa rừng tự nhiên, được nêu tại Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017 của Văn phòng Chính phủ). Vì vậy, mô hình đồng quản lý rừng thí điểm tại Lâm trường Đăk Tô cũng dừng hoạt động cho đến nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia lâm nghiệp, một trong những nguyên nhân chính khiến các mô hình đồng quản lý rừng dù đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn nhưng chưa thể nhân rộng, thậm chí có nguy cơ “chết yểu”, là do hiện vẫn còn thiếu khuôn khổ pháp lý. Đáng chú ý, hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới luật vẫn chưa đưa ra hướng dẫn về vấn đề liên kết quản lý rừng hay đồng quản lý rừng.

Thực chất, đồng quản lý rừng là một phương thức quản lý hiệu quả, trong đó chủ rừng Nhà nước chia sẻ quyền, lợi ích và nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng với cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương (xã, thôn) ở các mức độ khác nhau tùy theo năng lực của mỗi bên, nhưng không làm mất vai trò chủ đạo của chủ rừng Nhà nước. Do vậy, cần sớm luật hóa khái niệm này để có thể áp dụng trong thực tiễn quản lý, bảo vệ rừng hiện nay.

Còn một nguyên nhân khiến mô hình quản lý rừng cộng đồng chưa phát huy hiệu quả là tác động của mô hình đến thu nhập của từng hộ trong cộng đồng còn yếu và không ổn định. Theo một đại diện của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), đơn vị đã tiến hành khảo sát tại 9 mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng ở 5 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Đăk Nông và Đăk Lăk. Trong số 9 mô hình được Ipsard khảo sát, chỉ có 4 mô hình tại Tây Nguyên là có thu nhập từ khai thác gỗ thương mại, với mức thu nhập từ rừng cộng đồng (gỗ và lâm sản ngoài gỗ) chiếm bình quân 7% thu nhập của hộ.

“Lợi ích kinh tế trực tiếp do lâm nghiệp cộng đồng quy ra tiền cho mỗi hộ chỉ trên dưới 1 triệu đồng/năm. Do vậy, chưa tạo động lực khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý rừng, họ sẵn sàng phá rừng để trồng các loại cây khác có lợi nhuận cao hơn”, đại diện Ipsard nhận định.

Theo PGs.Ts. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), để duy trì vốn rừng do cộng đồng quản lý, điều quan trọng nhất là phải xác định được lợi ích mang lại cho cộng đồng. Thực tế, có những cộng đồng sống hoàn toàn dựa vào rừng; do đó cần ưu tiên chính sách bảo đảm sinh kế cho người dân sống trong vùng đệm của rừng đặc dụng, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, vừa bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường. Nói một cách khác là Nhà nước phải xây dựng được cơ chế hưởng lợi từ rừng cộng đồng cho người dân.

Rừng cộng đồng không chỉ là nơi nuôi dưỡng, cung cấp kinh tế, đời sống vật chất cho đồng bào DTTS mà rừng còn là nơi lưu giữ và bảo tồn văn hóa, lưu giữ tri thức bản địa, là không gian để thực hành văn hóa, truyền đạt tri thức bản địa cho con cháu trong buôn, làng. (Trong ảnh: Lễ cúng rừng của đồng bào Phù Lá ở xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, Lào Cai).
Rừng cộng đồng không chỉ là nơi nuôi dưỡng, cung cấp kinh tế, đời sống vật chất cho đồng bào DTTS mà rừng còn là nơi lưu giữ và bảo tồn văn hóa, lưu giữ tri thức bản địa, là không gian để thực hành văn hóa, truyền đạt tri thức bản địa cho con cháu trong buôn, làng. (Trong ảnh: Lễ cúng rừng của đồng bào Phù Lá ở xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, Lào Cai).

Để quản lý, bảo vệ rừng bền vững, một trong những giải pháp được các chuyên gia lâm nghiệp đề cập là cần xây dựng khung pháp lý về chính sách để phát triển mô hình lâm nghiệp cộng đồng. Tại Hội thảo diễn ra ngày 4/4/2023 ở Tp. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), đại diện Cục Lâm nghiệp cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, để quản lý bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng đất và rừng có hiệu quả thì cần thúc đẩy hợp tác quản lý rừng với cộng đồng; trong đó nòng cốt là Tổ hợp tác cộng đồng. Tuy nhiên, đại diện Cục Lâm nghiệp cũng nhìn nhận, hiện vẫn chưa có mô hình tổ hợp tác quản lý rừng; do đó cần tiến hành thí điểm thành lập một số mô hình, sau đó tổng kết xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

“Rừng cộng đồng không chỉ là nơi nuôi dưỡng, cung cấp kinh tế, đời sống vật chất cho đồng bào DTTS, mà rừng còn là nơi lưu giữ và bảo tồn văn hóa, lưu giữ tri thức bản địa, là không gian để thực hành văn hóa, truyền đạt tri thức bản địa cho con cháu trong buôn, làng; là không gian để duy trì và ổn định đời sống xã hội của đồng bào DTTS thông qua quy ước, hương ước bảo vệ rừng cộng đồng”.

(Tham luận của Cục Lâm nghiệp tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” tổ chức ở Tp. Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk ngày 4/4/2023).