Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhìn lại việc triển khai Nghị quyết “Tam nông”: Nông nghiệp “chuyển mình” mạnh mẽ (Bài 1)

Thúy Hồng - 09:33, 30/06/2021

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (Nghị quyết “Tam nông”) nhiều năm qua, luôn nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của các tầng lớp Nhân dân. Nghị quyết được triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống của người dân, tạo kết quả nổi bật trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi.

Nghị quyết số 26-NQ/TW đã tạo cho nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ
Nghị quyết số 26-NQ/TW đã tạo cho nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ

Từ chủ trương đúng và trúng

Trước khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được triển khai, năm 2008, cả nước có 957,5 nghìn lượt hộ thiếu đói và 4 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói. So với năm 2007, số lượt hộ thiếu đói tăng 32,3%, số lượt nhân khẩu thiếu đói tăng 32,7%. Tình trạng thiếu đói tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trước tình hình đó, một câu hỏi đặt ra là, phải làm thế nào để nâng cao đời sống, nâng cao phúc lợi xã hội cho người nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Tại Hội nghị Trung ương 7, khóa X đã xác định vấn đề “Tam nông” là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ngày 5/8/2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tam nông” đã ra đời. Đây là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới (NTM) là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt.

Để thực hiện Nghị quyết, năm 2009, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Nhưng điều cốt lõi khiến cho Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, là việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020.

Khi bắt đầu thực hiện Chương trình, xuất phát điểm của các xã còn thấp, năm 2010, bình quân cả nước chỉ đạt xấp xỉ 4 tiêu chí/xã. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Chương trình đã đạt được kết quả vượt bậc. Đến nay, cả nước có 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, vùng DTTS và miền núi có 130/1.111 xã thuộc 85 huyện nghèo (Chương trình 30a) được công nhận đạt chuẩn NTM.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tam nông” diễn ra vào đầu tháng 5/2021 tại Hà Nội, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhận định: Sau 13 năm thực hiện, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) đã được cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt được nhiều kết quả to lớn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Nền nông nghiệp từng bước hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
Nền nông nghiệp từng bước hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.

Tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại

Hơn 10 năm trước, Bắc Kạn là tỉnh nghèo nhất vùng núi phía Bắc, kinh tế chậm phát triển, quy mô nhỏ bé, kết cấu hạ tầng yếu, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đã thúc đẩy kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh khởi sắc.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Bắc Kạn đã hình thành một số vùng trồng rau chuyên canh; phát triển diện tích cây trồng gắn với chứng nhận VietGAP, điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhận sản xuất hữu cơ như: Gạo nếp Khẩu nua lếch (huyện Ngân Sơn), gạo Bao thai (huyện Chợ Đồn)... Đặc biệt hiện nay, tỉnh có 107 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên được ký kết tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Theo ông Nguyễn Long Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, tỉnh luôn xác định việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến; nhiều sản phẩm nông sản được sản xuất thành hàng hóa, có liên kết và gắn với chế biến, được thị trường trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Những năm gần đây, Sơn La nổi lên như một “hiện tượng kinh tế nông nghiệp” ở vùng núi phía Bắc, với bước tiến rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.

Sơn La phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các giống mới và tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản, như: Vùng rau khoảng 11.000ha ở Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng chè 5.600ha ở Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu; vùng cà phê khoảng 17.800ha ở Mai Sơn… Địa phương cũng xây dựng 117 chuỗi cung ứng nông sản về lĩnh vực trồng trọt, với diện tích trên 2.300ha, sản lượng trên 27.500 tấn; có 47 cơ sở sản xuất, nhà máy đang hoạt động sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương…

Bắc Kạn hay Sơn La chỉ là 2 trong số những địa phương trên cả nước có những chuyển biến mạnh mẽ về nông nghiệp từ Nghị quyết “Tam nông”. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Kể cả gần 2 năm nay đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến bức tranh về phát triển kinh tế trên các lĩnh vực của cả nước, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Có thể thấy sau hơn 1 thập kỷ thực hiện, Nghị quyết 26-NQ/TW như một “luồng gió mới” được thổi vào những địa phương nghèo khó, vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Với những chính sách kích cầu hết sức thiết thực, phù hợp đã thay đổi bức tranh về phát triển kinh tế, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.