Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nhìn lại vụ việc khủng bố tại Đắk Lắk: Chú trọng công tác dân vận ở cơ sở (Bài 4)

Lê Hường - 15:21, 04/08/2023

Xác định công tác dân vận ở cơ sở, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Để làm được điều đó, đòi hỏi không chỉ đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Đảng mà cán bộ các cấp, các ngành, già làng, trưởng thôn, bản, Người có uy tín... phải thực sự gần dân, sâu sát với Nhân dân để có hình thức, nội dung dân vận phù hợp, đạt hiệu quả.

Ông Y Krú Ayun, Người có uy tín buôn Drao, xã Cư Né đến hộ dân trong buôn để tuyên truyền vận động
Ông Y Krú Ayun, Người có uy tín buôn Drao, xã Cư Né đến hộ dân trong buôn để tuyên truyền vận động

Gần dân, sát dân

Buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk có 436 hộ, 1.255 khẩu, hầu hết là đồng bào DTTS. Ông Y Krú Ayun, Người có uy tín và là thành viên trong Ban tự quản của buôn luôn gần gũi, sát sao với bà con, nắm rõ từng hộ gia đình trong buôn. Ông Y Krú cho biết: Khi nắm được thông tin vụ việc ở Cư Kuin, tôi đã thông báo ngay cho các thành viên Ban tự quản của buôn để cùng nhau bàn bạc, phân chia công việc. Mỗi cán bộ phụ trách một cụm dân cư, đến từng hộ dân để nắm tình hình và tuyên truyền người dân không tin, không nghe theo phần tử xấu.

Ông Y Krú chia sẻ: Tôi phân tích cho bà con hiểu những chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mình nói chung và các chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS nói riêng. Suốt bao nhiêu năm qua, đã có hàng trăm chính sách dân tộc được triển khai ở các địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk nên cuộc sống của người dân có nhiều khởi sắc. Đơn cử như hộ khó khăn, không có nhà ở Nhà nước hỗ trợ làm nhà, bà con thiếu đất sản xuất được Nhà nước hỗ trợ đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề, bà con thiếu vốn làm ăn, phát triển kinh tế được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để tạo sinh kế bền vững.

Đặc biệt, công tác giáo dục, y tế được các cấp, các ngành quan tâm, chăm lo với hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang đến tận thôn làng. Con em thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn được hỗ trợ học phí. Trước đây đi khám bệnh bà con phải ra huyện, ra tỉnh, bây giờ chỉ cần đến Trạm y tế xã, xã nào cũng có bác sĩ, y sĩ chăm sóc lúc ốm đau....

Ngoài ra, ông Y Krú còn vận động những người từng vượt biên trái phép trở về trực tiếp cùng ông tuyên truyền để bà con hiểu không có nơi nào bằng quê hương bản quán, những phần tử xấu chỉ vẽ ra viễn cảnh, lôi kéo bà con nhẹ dạ cả tin với mục đích nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. 

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng Y Kha Mlô (thứ 2 bên phải) chia sẻ với phóng viên
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng Y Kha Mlô (thứ 2 bên phải) chia sẻ với phóng viên

Cùng quan điểm với ông Y Krú, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng Y Kha Mlô nhấn mạnh: Công tác dân vận ở cơ sở rất là quan trọng. Thông qua công tác dân vận giúp bà con nhận thức và hiểu rõ hơn những chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Cách vận cũng phải đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, thành phần, đối tượng để tuyên truyền, vận động đi vào thực chất, có hiệu quả.  

Dân vận để an dân

Công tác dân vận ở cơ sở, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. 

Muốn làm tốt công tác dân vận ở cơ sở, người làm công tác dân vận phải bám nắm địa bàn, "đi từng ngõ, gõ từng nhà", gặp từng người dân để tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền, vận động cũng phải có trọng tâm, trọng điểm phù hợp từng địa bàn, đối đượng. 

Cán bộ Công an huyện Krông Búk thường xuyên xuống địa bàn bám nắm cơ sở
Cán bộ Công an huyện Krông Búk thường xuyên xuống địa bàn bám nắm cơ sở

Theo Trưởng Ban Dân vận tỉnh Đắk Lắk H’Kim Hoa Byă, công tác dân vận của Đảng luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Công tác dân vận cũng phải làm khéo léo, cẩn trọng. Hệ thống dân vận các cấp phải nắm chắc tình hình dư luận, nắm bắt kịp thời những phản ánh, đề xuất, tâm tư nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm công tác dân vận trong đồng bào DTTS và miền núi. Hằng tháng Ban Dân vận đều tổ chức phát động quần chúng ít nhất mỗi tháng 1 đợt. Riêng năm nay, từ đầu năm đến giờ mỗi tháng tổ chức 2 -3 đợt phát động. Trước khi tổ chức phát động quần chúng, Ban sẽ tiến hành khảo sát để nắm được tình hình, biết nội dung người dân quan tâm rồi mới xây dựng nội dung phù hợp từng địa bàn. Tùy thuộc từng vùng, từng buôn để chọn nội dung tuyên truyền, vận động phù hợp, làm sao để những nội dung đó giúp người dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. 

Trưởng Ban Dân vận tỉnh Đắk Lắk H’Kim Hoa Byă chia sẻ thêm: Sau khi xảy ra vụ việc ở huyện Cư Kuin, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tin tưởng vào đường lối nhất quán và những chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào; phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đồng thời, tuyên truyền người dân không tin, không nghe, không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. 

Bên canh việc chăm lo đời sống cho bà con đồng bào DTTS; các cấp, các ngành cũng động viên, khuyến khích bà con ở huyện Cư Kuin cũng như các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển kinh tế để nâng cao đời sống. Khi đời sống kinh tế ổn định, bà con không còn phải lo cái ăn, cái mặc thì các đối tượng xấu cũng khó mà lợi dụng, lôi kéo.

Tin cùng chuyên mục
Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã liên tục giảm nhanh. Nếu trong năm 2020, toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có 30 trường hợp tảo hôn, thì đến năm 2024 (tính đến 20/11) toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.