Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: “Vùng trũng” về thu nhập (Bài 1)

Sỹ Hào - 12:06, 13/06/2024

Là một cuộc điều tra mẫu, việc khảo sát mức sống dân cư được thực hiện nhằm thu thập thông tin làm căn cứ đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hóa giàu nghèo, giám sát và đánh giá một số chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả khảo sát mức sống dân cư cho thấy, nhiều chỉ số về kinh tế - xã hội ở vùng DTTS vẫn cần tiếp tục được cải thiện từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Cả nước có khoảng 20,6 triệu người có thu nhập bình quân 1,45 triệu đồng/người/tháng. Bộ phận dân cư có thu nhập thấp chủ yếu cư trú ở những địa bàn miền núi, vùng khó khăn.

(BÀI) Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: “Vùng trũng” về thu nhập (Bài 1)
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế để tạo đột phá phát triển vùng DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Một góc xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu)

Chênh lệch lớn

Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, về mức sống dân cư là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Tuy vậy, hiện vẫn đang có sự chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa các nhóm dân cư.

Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, nhóm hộ có thu nhập giàu nhất (chiếm khoảng 20% dân số cả nước) có thu nhập bình quân đạt 10,86 triệu đồng/người/tháng; cao gấp 7,5 lần so với nhóm hộ có thu nhập thấp nhất, với mức thu nhập bình quân chỉ đạt 1,45 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nước ta đang phân chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là những vùng sinh sống chủ yếu, tập trung của đồng bào các DTTS.

Theo TCTK, nhóm hộ có thu nhập thấp nhất chiếm khoảng 20% dân số cả nước, tương ứng khoảng 20,6 triệu người. Đại bộ phận nhóm hộ có thu nhập thấp nhất chủ yếu là đồng bào các DTTS, cư trú ở khu vực nông thôn, miền núi.

Điều này dẫn tới khoảng cách phát triển giữa các vùng kinh tế hiện còn có sự chênh lệch lớn. Theo kết quả khảo sát của TCTK, trong năm 2023, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất (6,52 triệu đồng/người/tháng); vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,44 triệu đồng/người/tháng).

Chênh lệch về thu nhập cũng thể hiện rõ ở khu vực nông thôn và thành thị. Trong năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị đạt 6,26 triệu đồng/người/tháng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (4,17 triệu đồng/người/tháng).

Nhưng cũng cần khẳng định rằng, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, những địa bàn được xem là “lõi nghèo” của cả nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Mức sống của người dân đã được nâng lên, khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, từng bước được thu hẹp.

(BÀI) Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: “Vùng trũng” về thu nhập (Bài 1) 1
Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo thành thị nông thôn (Đơn vị tính: 1.000 đồng - Nguồn: TCTK)

Kết quả khảo sát của TCTK cho thấy, năm 2020, nhóm hộ có thu nhập giàu nhất cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ có thu nhập thấp nhất (hết năm 2023 thu hẹp còn gấp 7,5 lần). Cũng tại thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 2,7 triệu đồng/người/tháng, chênh lệch gấp 2,2 lần so với vùng có thu nhập cao nhất là Đông Nam Bộ (6,0 triệu đồng/người/tháng).

Làm gì để thu hẹp khoảng cách?

Trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Chính phủ phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020.

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 4,96 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,2% so với năm 2022. Tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 13,3% năm 2018 xuống còn 10,2% năm 2023 trong cơ cấu thu nhập.

Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của TCTK, mục tiêu này vẫn khả thi, tuy nhiên cần một sự tập trung cao độ trong triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719, đồng thời lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án khác để tạo ra sự đột phá. Bởi thực tế, các địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống tập trung vẫn đang là “vùng trũng” về thu nhập.

Lấy Trung du và miền núi phía Bắc – vùng có mức thu nhập bình quân thấp nhất cả nước, làm dẫn chứng. Đây là vùng có gần 7 triệu người DTTS sinh sống tập trung, chiếm hơn 50% dân số là người DTTS của cả nước.

Năm 2020, thu nhập bình quân toàn vùng là 2,7 triệu đồng/người/tháng. Theo phép tính đơn giản nhất khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, đến năm 2025, thu nhập bình quân toàn vùng phải đạt từ 5,4 triệu đồng/người/tháng trở lên.

So với năm 2020 thì hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tăng từ 2,7 triệu đồng lên 3,44 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mục tiêu thu nhập bình quân tăng 2 lần trở lên vào năm 2025 của toàn vùng có thể đạt được; nhưng với những địa phương thuộc vùng đang là “lõi nghèo” thì sẽ rất chật vật.

Như huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu, theo Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân huyện về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2024, Mường Tè phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 29,5 triệu đồng/người/ tháng. Vị chi, nếu nỗ lực, vận dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, cuối năm 2024 này, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Tè cũng chỉ đạt khoảng 2,45 triệu đồng/người/tháng.

(BÀI) Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: “Vùng trũng” về thu nhập (Bài 1) 2
Nếu nỗ lực, vận dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, cuối năm 2024 này, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng chỉ đạt khoảng 2,45 triệu đồng/người/tháng. (Trong ảnh: Một góc Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè)

Từ thực tế về mức thu nhập bình quân của huyện Mường Tè có thể thấy, khoảng cách về thu nhập, khoảng cách giàu nghèo đã và đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Theo ông Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, khoảng cách giàu nghèo đã trở thành xu hướng.

Để thu hẹp khoảng cách này, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư thêm nguồn lực về cơ sở hạ tầng để người nghèo có tư liệu sản xuất, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường các chính sách an sinh xã hội. Các chương trình giảm nghèo cần được quan tâm hơn nữa để dạy nghề, tạo việc làm cho lao động người DTTS.

Cũng cần lưu ý rằng, thu hẹp khoảng cách không đơn thuần về kinh tế mà cả về mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu… Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 đã chỉ ra những thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản của nhóm dân cư thu nhập thấp, là cơ sở để đề xuất những khuyến nghị về chính sách cho giai đoạn tới.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Các thông tin được thu thập trong cuộc khảo sát gồm: thu nhập, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh và một số thông tin về tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông.

Tin cùng chuyên mục