Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nhọc nhằn dạy chữ ở Khe Nóng

PV - 17:41, 17/01/2018

Khe Nóng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) nơi người dân chỉ thuận miệng gọi là bản, nhưng thực tế lại chưa phải là một bản đúng nghĩa theo cách xác định đơn vị hành chính. Chính vì vậy, bên cạnh những khó khăn của những bản làng vùng cao thì ở Khe Nóng còn có những khó khăn mang tính đặc thù, ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục.

Khe Nóng cách trung tâm xã Châu Khê 40km đường rừng, là nơi sinh sống của 40 hộ đồng bào Đan Lai. Từ trung tâm xã, để vào được đây phải vượt qua 8 con suối, mùa khô có thể vào được, còn mùa mưa nơi đây hoàn toàn bị cô lập.

Đường vào Khe Nóng vô cùng khó khăn phải lội qua 8 con suối với cung đường quanh co. Đường vào Khe Nóng vô cùng khó khăn phải lội qua 8 con suối với cung đường quanh co.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Luyến, Chủ tịch UBND xã Châu Khê do thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá nên địa phương chưa thể tiến hành thành lập Khe Nóng thành một bản trực thuộc xã. Cái tên Bản Khe Nóng là do người dân nơi đây thuận miệng gọi ra mà có.

Mặc dù chưa trở thành một bản của xã, nhưng chính quyền xã Châu Khê, huyện Con Cuông rất quan tâm đến đời sống của 40 hộ dân ở Khe Nóng, nhất là về giáo dục. Chính vì thế, từ 20 năm nay, ở Khe Nóng đã có một điểm trường lẻ trực thuộc Trường Tiểu học Châu Khê 2. Năm học 2017-2018 này, điểm trường Khe Nóng có 22 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và có 3 cô giáo phụ trách. Để thực hiện kế hoạch giảng dạy, cả giáo viên và học sinh ở điểm trường Khe Nóng phải vượt qua rất nhiều khó khăn.

Cô giáo Dương Thị Nội, người từng 2 lần cắm bản ở điểm trường Khe Nóng, tâm sự: Đời sống của người dân nơi đây khó khăn bộn bề là điều không phải bàn cãi nữa. Nhưng sự học nơi đây còn vất vả hơn nhiều lần.

Theo cô Nội, nơi đây chưa có điện lưới quốc gia, chiếc máy phát điện mini chạy bằng sức nước đặt dưới suối là nguồn điện duy nhất, hôm nào hỏng thì phải ăn uống, soạn giáo án trong ánh nến. Những hôm mưa lớn, Khe Nóng bị cô lập với thế giới bên ngoài, những bữa cơm chỉ có rau rừng vì không thể đi mua đồ ăn. Những khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, nơi đây, việc vận động trẻ đến lớp vô cùng khó khăn. Hằng ngày, các cô giáo đều phải mang kẹo đến “dỗ” một số em cá biệt trở lại lớp. Thậm chí phải đến bế từng em, thì các em mới chịu đi học.

Cô Nội cho hay, trước đây, phần lớn các em chỉ học xong lớp 5 là ở nhà, không có nhiều em theo học hết chương trình THCS. Con gái 15, 16 tuổi đã kết hôn. Những thanh niên nam muốn tìm đến làm công nhân tại các khu công nghiệp cũng khó vì đại bộ phận chưa tốt nghiệp THCS.

“Một niềm vui hiện nay của giáo viên chúng tôi là Khe Nóng hiện đang có 7 học sinh học cấp THCS”, cô Nội cho biết. Khó khăn, vất vả là vậy, song những tình cảm mộc mạc của học trò và dân bản nơi đây như ngọn lửa sưởi ấm đối với các giáo viên vào mỗi đêm lạnh giá. Đó chính là động lực giúp những giáo viên cắm bản như cô Nội có thêm quyết tâm, dạy cái chữ, giúp cuộc sống của bà con nơi đây ngày một tốt hơn.

Chủ tịch UBND xã Châu Khê Nguyễn Ngọc Luyến trăn trở, ngoài công tác giáo dục, để thay đổi được đời sống của bà con nơi đây cũng là một việc rất gian nan. Hằng năm, xã Châu Khê đều phối hợp với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Châu Khê tổ chức nhiều đợt hoạt động hỗ trợ giúp dân tu sửa đường và phát triển kinh tế nhưng vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

Được biết, nhờ những nỗ lực của chính quyền xã cùng Đồn Biên phòng Châu Khê, 40 hộ đồng bào người Đan Lai ở Khe Nóng đã biết trồng lúa nước, biết nuôi thêm con gà, con lợn, biết trồng rau, giữ rừng và đặc biệt hơn nữa là chấp hành mọi chủ chương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mừng hơn, vừa qua, người dân ở Khe Nóng đã trồng được 3ha lúa, năng suất đạt 51-52 tạ/1ha. Đây là một tín hiệu vui trong việc chủ động nguồn lương thực để làm vơi đi nỗi khó khăn của người dân Khe Nóng.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.