Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nhức nhối nạn săn bắn trái phép động vật hoang dã

PV - 10:52, 15/05/2018

Mặc dù đã có nhiều chế tài, các luật, nghị định và Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng, tuy nhiên ở nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi, tình trạng săn bắn trái phép động vật hoang dã vẫn âm thầm diễn ra, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải cương quyết, xử lý nghiêm khắc hơn nữa để chấm dứt vấn nạn này.

Âm thầm tàn phá

Tại Bắc Kạn, hiện nay có 1 vườn quốc gia và 02 Khu bảo tồn. Xung quanh khu vực này có 83 thôn bản đồng bào DTTS sinh sống. Trên thực tế, tại các bản làng vẫn diễn ra tình trạng săn bắn, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Theo thông tin từ lực lượng kiểm lâm Bắc Kạn, chỉ tính từ 10/2016 đến tháng 12/2017, ngành kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã; tịch thu 138,8kg, bao gồm cả cá thể còn sống và cá thể động vật đã chết. Cũng theo lực lượng kiểm lâm Bắc Kạn do địa bàn rộng, phức tạp, các đối tượng lại hoạt động vào ban đêm, nên đây chỉ là con số phát hiện được, trên thực tế chắc chắn còn nhiều hơn.

Nhiều cá thể tê tê buôn bán trái phép bị bắt giữ. Nhiều cá thể tê tê buôn bán trái phép bị bắt giữ.

 

Khu vực Tây Nguyên, thời gian qua, do thực trạng đồng bào DTTS di cư tự do từ miền Bắc vào sinh sống, cùng với đồng bào DTTS bản địa khiến không gian sinh sống bị thu hẹp. Để mưu sinh, nhiều người đã vào rừng săn bắn động vật hoang dã. Nếu như trong hơn 2 năm trước, Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) mới thu hồi được 1.800 bẫy, thì từ đầu năm đến nay, lực lượng này đã phát hiện trên 2.000 bẫy thú các loại.

Thông tin về vấn đề này, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, song tình trạng này không những không giảm mà diễn biến ngày càng phức tạp. Nguyên nhân một phần do tập quán, thói quen săn bắt của đồng bào DTTS đã lâu đời. Nhưng quan trọng hơn, nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao, một số người sẵn sàng chi nhiều tiền để được thưởng thức động vật hoang dã. Điều này đẩy thú rừng đến nguy cơ tận diệt.

Chú trọng tạo các sinh kế mới

Để chấm dứt vấn nạn này, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp cho rằng, cần áp dụng nhiều biện pháp đồng thời và linh hoạt. Trước mắt, các lực lượng chức năng phải tích cực, nghiêm túc tuần tra, phát hiện kịp thời các vụ việc săn bắn, vận chuyển buôn bán động vật hoang dã. Về vấn đề xử lý, hiện nay, bảo vệ động vật hoang dã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như Luật Môi trường, dân sự… Trong đó, Bộ luật Hình sự vừa mới ban hành, điều 244 có tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm có mức phạt cao nhất lên tới 15 năm tù. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm một số vụ việc làm gương, tạo tính răn đe trong xã hội.

Bên cạnh các biện pháp đó, các ngành chức năng cần tiếp tục, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật và thông tin khoa học môi trường, đa dạng sinh học tới người dân sống ở vùng miền núi để người dân từ bỏ. Chú trọng đẩy mạnh thông tin tới nhóm đối tượng có thể trở thành đối tượng tiêu thụ động vật hoang dã.

Đặc biệt, cần triển khai các biện pháp lâu dài về kinh tế, cơ quan chuyên môn, chuyên ngành cần tăng cường trách nhiệm, nghiên cứu, hướng dẫn người dân chuyển đổi các sinh kế mới bền vững phù hợp, như các mô hình trồng rừng sản xuất, trồng cây dược liệu, cây đặc sản… Chỉ khi nào người dân sống dựa được vào rừng, làm giàu từ rừng thì các tập quán lạc hậu như săn bắn, phá rừng mới được ngăn chặn một cách triệt để.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, song tình trạng này không những không giảm mà diễn biến ngày càng phức tạp. Nguyên nhân một phần do tập quán, thói quen săn bắt của đồng bào DTTS đã lâu đời. Nhưng quan trọng hơn, nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao, một số người sẵn sàng chi nhiều tiền để được thưởng thức động vật hoang dã. Điều này đẩy thú rừng đến nguy cơ tận diệt.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.