Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những bác sĩ của đồng bào Raglay

T.Nhân - H.Trường - 15:42, 09/04/2025

Đối với con em đồng bào DTTS ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa, được tiếp cận với con chữ là một sự nỗ lực rất lớn và để học đến nơi đến chốn lại càng khó khăn hơn. Bằng nghị lực, quyết tâm của mình, những chàng trai dân tộc Raglay ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hoà) đã vượt lên muôn vàn khó khăn, theo đuổi con chữ, biến ước mơ làm bác sĩ trở thành sự thật. Giờ đây, họ đã được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, mang kiến thức, nhiệt huyết của tuổi trẻ, hằng ngày chăm lo sức khỏe cho người dân.

Bác sĩ Cao Hồng Ngân kiểm tra sức khoẻ cho người dân
Bác sĩ Cao Hồng Ngân kiểm tra sức khoẻ cho người dân

Hành trình rời làng thực hiện ước mơ làm bác sĩ

Con đường để trở thành bác sĩ của Cao Hồng Ngân, sinh năm 1993, dân tộc Raglay ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn chẳng dễ dàng gì. Ngân là con thứ 7 trong gia đình có đến 9 anh chị em, cuộc sống túng thiếu quanh năm nhưng em vẫn chăm chỉ học hành. Đến năm học lớp 11, mẹ Ngân bị bệnh, cuộc sống vì thế càng khó khăn hơn. Trước biến cố của gia đình, việc học của Ngân tưởng chừng như dang dở.

Bằng sự nỗ lực của bản thân, cùng với sự động viên của gia đình, Ngân giữ vững thành tích học tập và tốt nghiệp THPT loại giỏi. Với kết quả học tập ấy, Ngân đã được xét tuyển đi học theo diện cử tuyển tại Trường Đại học Y Dược Huế.

Hành trình xa nhà học tại Trường Đại học Y Dược Huế lại càng gian nan, vất vả hơn gấp trăm lần đối với một cậu bé từ thôn làng, lần đầu đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Ngân kể: “Để có tiền trang trải sinh hoạt trong 6 năm học tại Huế, em phải tranh thủ những ngày nghỉ tự mày mò đi xin việc làm để kiếm tiền.

“Nhiều lúc cũng nản, em định nghỉ học về quê phụ cha làm rẫy, nhưng nghĩ tới ước mơ của mình, kỳ vọng của gia đình, việc tự tay mình chăm sóc sức khỏe cho mẹ sau khi tốt nghiệp đã giúp e vượt qua khó khăn”, Ngân trải lòng.

Sau bao nỗ lực, ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp trở thành bác sĩ, Ngân và gia đình vỡ òa cảm xúc. Và càng tự hào hơn khi Ngân là bác sĩ đầu tiên của xã Sơn Lâm.

Hành trình để trở thành bác sĩ của Mấu Xuyển, sinh năm 1988, dân tộc Raglay ở xã Ba Cụm Bắc cũng không kém gian nan. Sinh ra trong một gia đình nghèo, Xuyển luôn có ý thức tự học để vươn lên. Năm 2008, tốt nghiệp THPT, Mấu Xuyển nộp hồ sơ đăng ký học ngành Y và may mắn được xét diện cử tuyển học dự bị 1 năm tại Trường Đại học Y Dược Huế. Sau 1 năm học tập, Mấu Xuyển thi đậu vào Trường Đại học Y Dược Huế.

Để có tiền trang trải cho cuộc sống và học tập, Mấu Xuyển phải xin đi phụ thợ xây, công việc rất vất vả. Lúc rỗi việc, Xuyển còn nhận thêm rửa chén cho nhà hàng, quán ăn. Nhờ thế, Xuyển đã trụ được và hoàn thành chương trình học để trở thành bác sĩ đa khoa. Năm 2015, Xuyển tốt nghiệp và nhận công tác tại Khoa Sản nhi, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn.

Chia sẻ với chúng tôi về ước mơ trở thành bác sĩ, Mấu Xuyển chia sẻ: Khi tôi 7 tuổi thì em trai tôi mất, lúc đó mới 18 tháng tuổi bị bệnh sốt rét, chỉ có mẹ và tôi ở nhà, còn ba đi rẫy. Nhà xa bệnh viện, gia đình lại quá nghèo nên em tôi đã mất đi cơ hội sống. Từ lúc đó tôi đã nung nấu quyết tâm phải học bác sĩ để khám, chữa bệnh cho người dân, để không còn những trường hợp thương tâm như em trai tôi.

Bác sĩ Mấu Xuyển kiểm tra cho sức khoẻ cho mẹ và bé sau sinh tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn
Bác sĩ Mấu Xuyển kiểm tra sức khoẻ cho mẹ và bé sau sinh tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn

Tận tâm phục vụ đồng bào

Chúng tôi ghé thăm Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, được chứng kiến cường độ làm việc rất khẩn trương của bác sĩ Xuyển và đồng nghiệp. Họ hết thăm khám cho bệnh nhân nhi, rồi chuyển sang kiểm tra sức khỏe thai kỳ cho các sản phụ. Bác sĩ  Xuyển chia sẻ: Mình là người Raglai, may mắn được học hành bài bản và trở thành bác sĩ nên mỗi khi chữa trị khỏi cho người bệnh, hay đỡ đẻ thành công cho sản phụ, họ vui một, chúng tôi vui mười. 

“Điều khiến tôi vui nhất là giờ đây, đồng bào đã có ý thức khi đau bệnh thì đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh mà không tự ý chữa trị, phụ nữ sinh con cũng đi bệnh viện, không tự sinh con tại nhà như ngày trước”, bác sĩ Mấu Xuyển nói.

Còn bác sĩ Cao Hồng Ngân cũng đang tất bật khám chữa bệnh cho người dân. Không chỉ là bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện, mà Hồng Ngân còn trở thành bác sĩ của gia đình, dòng họ và thôn làng. Mỗi khi người thân, họ hàng, người trong xã gặp vấn đề về sức khỏe đều gọi điện thoại hoặc tìm đến nhà gặp bác sĩ Ngân để được tư vấn, hướng dẫn. 

Không chỉ thực hiện việc khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện, khi có cơ hội các bác sĩ trẻ như Ngân, Xuyển và các đồng nghiệp còn đến các xã vùng sâu, vùng xa để khám, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho Nhân dân. 

“Tôi là người con của thôn làng, được Nhà nước cho đi học làm bác sĩ, bản thân tôi cảm thấy phải có trách nhiệm với bà con. Do đó, tôi cùng đồng nghiệp trong Chi đoàn Khối lâm sàng thường tham gia tình nguyện thông qua các chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí do Huyện đoàn Khánh Sơn tổ chức. Đây cũng là cơ hội để các thầy thuốc trẻ rèn luyện y đức và đến gần với bà con hơn”, bác sĩ Ngân trải lòng.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn cho biết: Bác sĩ Xuyển, bác sĩ Ngân là những bác sĩ rất tâm huyết trong công việc. Họ là những cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, năng động, tích cực tham gia các đợt thiện nguyện khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Đối với những người già, neo đơn, khó khăn đi lại, họ còn tới tận nhà để khám, tư vấn, hướng dẫn cách phòng bệnh. 

"Với lợi thế là người Raglay, hiểu được tiếng địa phương, nên các bác sĩ được bệnh nhân, đặc biệt là người Raglai tin tưởng, yêu quý. Nhiều trường hợp, họ còn là cầu nối giúp các bác sĩ người Kinh kết nối được với bệnh nhân trong hợp tác điều trị", Bác sĩ Trần Ngọc Thạch cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Nhà máy về bản

Nhà máy về bản

Sau rất nhiều lời chào mời của địa phương, một nhà máy may đã được vận hành tại huyện miền núi Con Cuông, bước đầu đã thu hút gần 1.000 lao động vùng miền Tây xứ Nghệ. Nhà máy về bản đã giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề về ly nông không ly hương, giảm áp lực cuộc sống lên rừng, lên rẫy, tạo cơ hội việc làm và thu nhập ổn định… cho những cư dân miền núi.