Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Những bác sĩ nặng lòng với bà con dân bản

PV - 14:37, 19/08/2019

Miệt mài bám bản, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa, những người thầy thuốc chấp nhận đối mặt với khó khăn, vất vả để đẩy lùi bệnh tật, mang đến sức khỏe và niềm vui cho bà con.

Hơn 20 năm qua, người dân xã Nà Mèo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã quen với hình ảnh một nữ bác sĩ với hình dáng gầy gò, từ thị trấn Mai Châu thường xuyên đạp xe đến từng xóm, từng hộ vận động, tuyên truyền cho bà con phòng, chống các dịch bệnh, cho trẻ em đi tiêm chủng mở rộng, vận động chị em phụ nữ sinh đẻ kế hoạch... Đó là bác sĩ Ngần Thị Thươm, Trạm trưởng trạm Y tế xã Nà Mèo.

Là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Mai Châu. Năm 1995, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hòa Bình, chị Ngần Thị Thươm quyết định lên Nà Mèo công tác.

Chị Thươm kể lại, ngày đó, người thân trong gia đình và bạn bè hết mực khuyên can, nhưng mình đã quyết tâm nên vẫn vững chí khăn gói lên đường. Nà Mèo là một trong những xã khó khăn của huyện. Bà con sống không tập trung, có xóm cách xã hàng chục cây số với con đường mòn. Vào mùa nắng có thể đi xe máy nhưng mùa mưa thì phải đi bộ vào bản...

Các y, bác sĩ trạm Quân y-Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ khám bệnh cho người dân xã Nà Mèo. Các y, bác sĩ trạm Quân y-Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ khám bệnh cho người dân xã Nà Mèo.

Chia sẻ về những kỷ niệm mà chị nhớ rõ trong nghề thầy thuốc, chị kể, có một lần vào năm 1998, một sản phụ ở xóm Xăm Pà được người nhà đưa đến trạm y tế xã. Sản phụ bị sảy thai ở trên nương mấy ngày nhưng không biết. Khi đưa đến trạm trong tình trạng hôn mê, không thể đưa đi bệnh viện huyện vì quá muộn và không có phương tiện. Trước tình hình đó, chị quyết định để ở trạm cấp cứu. Nhờ có sự quyết đoán, xử lý kịp thời mà bệnh nhân đã giữ được tính mạng.

Năm 2001, chị Ngần Thị Thươm được cấp trên cử đi học đại học y. Học xong chị về Nà Mèo giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm Y tế xã kiêm phụ trách khám, chữa bệnh cho người dân. Với trình độ chuyên môn và sự tận tâm của bác sĩ Thươm, trong nhiều năm qua, xã Nà Mèo không xảy ra dịch bệnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia luôn được hoàn thành đúng kế hoạch. Chị luôn được Nhân dân trong xã yêu quý, tin tưởng.

Với những nỗ lực của chị, đã không ít lần, lãnh đạo Phòng Y tế huyện Mai Châu muốn điều động chị về Trung tâm Y tế huyện công tác, nhưng chị tự nguyện xin ở lại với người dân Nà Mèo.

Cũng có lý tưởng và tình yêu nghề giống bác sĩ Thươm, bác sĩ Bùi Thị Huyền, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Hòa Bình năm 1996 rồi về xã Quy Hậu công tác. Ngày đó, các trạm y tế xã ít bác sĩ nên việc khám, chữa bệnh rất vất vả. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng lúc nào chị Huyền cũng tâm niệm, phải học để trở thành bác sĩ phục vụ bà con tốt hơn, theo đó năm 1999, chị đã đi học nâng cao trình độ tại Học viện Quân y.

Sau khi học xong, bác sĩ Huyền được Phòng Y tế cử về xã Mỹ Hòa công tác. Nơi đây địa hình rộng, nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn. Không ngại khổ, chị nhận quyết định trong tâm thế vui vẻ. Chị chia sẻ: “Đã làm nghề y thì phải đến nơi mà Nhân dân cần. Nơi càng khó khăn, gian khổ thì Nhân dân càng cần đến những bác sĩ, phải xem người bệnh như người thân của mình”.

Ông Bùi Văn Kết, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế Hòa Bình) cho biết: Thời gian qua, thực hiện Đề án đào tạo bác sĩ ở cơ sở và thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến huyện, xã, công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã thay đổi cơ bản, nhất là ở những xã ở vùng sâu, vùng xa. Với những bác sĩ như chị Thươm, chị Huyền, người dân được khám, chữa bệnh với chất lượng cao hơn, thuận lợi hơn, nhiều trường hợp cấp cứu, chấn thương, bệnh nặng được bác sĩ xử lý kịp thời, tránh tử vong… vì vậy, họ luôn được người dân tin tưởng, quý mến.

TUẤN TRÌNH

Tin cùng chuyên mục