Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những "cánh chim” đầu đàn ở vùng Tây Duyên hải miền Trung: "Hạt nhân" kinh tế giữa bản, làng (Bài 1)

T.Nhân - H.Trường - 09:49, 21/04/2025

Không chỉ thể hiện vai trò trách nhiệm là cầu nối tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng, những năm qua lực lượng Người có uy tín khắp cả nước đã góp sức thúc đẩy sự phát triển trong nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội ở cơ sở, nhất là đi đầu trong phát triển kinh tế. Nếu có dịp đến với vùng Tây Duyên hải miền Trung, sẽ không khó để bắt gặp những tấm gương Người có uy tín điển hình, đi đầu trong lao động sản xuất, góp phần làm khởi sắc những miền đất khó.

Người có uy tín Đinh Lố phát huy sức trẻ làm kinh tế giỏi.
Người có uy tín Đinh Lố phát huy sức trẻ làm kinh tế giỏi

Khi người trẻ tiên phong

Vốn cần cù, đi đầu trong các phong trào ở địa phương, anh Đinh Lố (42 tuổi, dân tộc Hrê) Người có uy tín ở thôn Trung Thượng (xã Long Mai, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) luôn được người dân tín nhiệm.

Không chỉ là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế ở địa phương, anh Lố còn tận tình hướng dẫn người dân làm theo, cùng cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo.

“Muốn người dân hiểu và làm theo, trước tiên mình phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, cũng như trong sản xuất làm ăn”, anh Lố chia sẻ.

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đến thăm mô hình nuôi bò của gia đình, trên một khu đất rẫy cách nhà khoảng 400m. Chuồng được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, chia ra thành các hộc. Hiện tại anh đang nuôi 5 con bò sinh sản, lúc cao điểm trại bò của anh hơn 10 con, đem lại thu nhập ổn định.

Xung quanh chuồng bò, anh cho trồng cỏ tranh để cung cấp thức ăn cho đàn bò. Xen với đó, anh cho trồng nhiều loại cây như chanh, bưởi, đu đủ, chuối lùn… để vừa phát huy được diện tích đất vườn, vừa tận dụng được phân bò.

Không những thế, vợ chồng anh mạnh dạn chuyển đổi giống lúa mới để đưa vào gieo trồng, đạt năng suất cao. Trên rẫy, anh cho trồng khoảng 3ha keo đang độ tuổi thu hoạch, và đào ao thả cá để nâng cao kinh tế.

Ngoài chuyện đồng áng, hiện nay anh còn kiếm thêm thu nhập từ nghề cơ khí. Lấy ngắn nuôi dài, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay mỗi năm gia đình anh thu nhập trên dưới trăm triệu đồng mỗi năm.

“Còn sức, mình còn làm để phát triển kinh tế gia đình. Khi có thu nhập ổn định, mình mới có thể chia sẻ những mô hình hay, để mọi người cùng phát triển. Bà con cần về kỹ thuật hay cách chăn nuôi, mình sẵn sàng giúp đỡ”, anh Lố chia sẻ.

Nhiều Người có uy tín ở Quảng Ngãi tích cực làm kinh tế, góp phần sự phát triển của bản, làng vùng cao.
Đội ngũ những Người có uy tín ở Quảng Ngãi rất tích cực làm kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của bản, làng vùng cao

Hay như anh Hồ Văn Lắm (45 tuổi, dân tộc Gié Triêng) cũng là một trong những Người có uy tín đi đầu trong chuyện vượt khó vươn lên làm giàu ở xã Phước Mỹ (Phước Sơn, Quảng Nam). Với tinh thần dám nghĩ dám làm, vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn, phát nương rẫy để sản xuất.

Sau nhiều năm cố gắng, đến nay gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ hàng chục hecta keo và đàn trâu, bò lên đến 20 con. Ngoài ra, anh còn mở cơ sở say xát gạo để có thêm thu nhập, nhờ đó các con được ăn học đầy đủ, cuộc sống gia đình bước sang trang mới.

Anh cũng là người tiên phong trong việc đưa giống lúa tím than vào gieo trồng để phát triển kinh tế tại quê nhà. Theo anh, giống lúa này có năng suất và giá thành cao, nếu người dân áp dụng và đưa vào sản xuất đại trà thì rất hiệu quả.

“Phước Mỹ có diện tích đất rẫy khá trù phú, tuy nhiên lâu nay bà con vẫn còn tâm lý e dè, chưa dám thay đổi để phát triển sinh kế. Do đó, cùng với chính quyền địa phương, Người có uy tín đẩy mạnh tuyên truyền, động viên bà con thay đổi phương thức sản xuất phù hợp để thoát được cái nghèo”, anh Lắm nói thêm.

Anh Hồ Văn Lắm dám thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Anh Hồ Văn Lắm dám thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế hộ gia đình

Góp sức để bản, làng khởi sắc

Câu chuyện thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên làm giàu không còn là chuyện hiếm gặp ở nhiều huyện vùng cao Bình Định trong những năm gần đây. Ngay cả ở nơi được mệnh danh là “cổng trời” như Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, hiện cũng đã có nhiều hộ đồng bào, đặc biệt là trong các hộ gia đình là Người có uy tín sở hữu trong tay tiền tỷ, xây nhà khang trang.

Đơn cử như anh Đinh Văn Óc (45 tuổi, dân tộc Ba Na) là Người có uy tín ở làng Cát (xã Canh Liên). Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu sống bằng nghề làm lúa nước, làm nương rẫy, thu nhập chẳng đáng là bao. Được sự động viên và hỗ trợ của các cấp chính quyền, năm 2007, anh Óc đã mạnh dạn vay vốn chính sách để mua hai con bò cái về chăn thả.

Thấy nuôi bò có hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư để tăng thêm về số lượng bò giống. Đến nay, gia đình anh sở hữu một đàn bò 30 con, trị giá khoảng 300 triệu đồng. Hiện anh còn sở hữu 20ha keo đang thời kỳ thu hoạch, với ước tính doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Vợ chồng già Đinh Văn Thảo thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng trọt, chăn nuôi
Vợ chồng già Đinh Văn Thảo thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng trọt, chăn nuôi

Chưa dừng lại ở đó, vợ chồng anh Óc bàn nhau thay đổi mô hình thâm canh lúa nước và chăn nuôi heo, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng mỗi năm. Thời gian gần đây, nghiên cứu thổ nhưỡng và tìm hiểu kỹ thuật, anh Óc trồng thử nghiệm hơn 100 gốc sầu riêng, bước đầu cây sầu riêng sinh trưởng tốt.

Lấy ngắn nuôi dài, sau nhiều năm chịu khó làm ăn, gia đình anh đã tích lũy được số tiền kha khá, xây được căn nhà mới khang trang trên 1 tỷ đồng. Không những làm giàu cho mình, trong vai trò Ngươi có uy tín, anh Óc rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng các hoạt động, phong trào thi đua mà các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể phát động, đặc biệt là trong phát triển kinh tế thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để bà con nghe theo, anh luôn đi đầu thực hiện; đồng thời vợ chồng anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng cho bà con Ba Na trong làng cùng phát triển kinh tế.

Cách nhà anh Óc không xa, là căn nhà mới xây hơn 1 tỷ đồng của ông Đinh Văn Thảo (65 tuổi, xã Canh Liên). Không chỉ là Người có uy tín mẫu mực ở làng Kà Bông trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ông Thảo còn được biết là nông dân sản xuất giỏi được nhiều người nể phục.

Chia sẻ chuyện làm kinh tế, ông Thảo nói, thời điểm mới chuyển về Canh Liên sinh sống, gia đình rất chật vật về kinh tế. Từ khi có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng ông mạnh dạn vay vốn để mở trại gà và đào ao nuôi cá, đầu tư trồng hơn 20ha keo, mở rộng diện tích trồng lúa nước. Từ đó, cuộc sống dần khấm khá, gần đây mỗi năm gia đình ông thu hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Nhiều huyện vùng cao khởi sắc nhờ một phần sự đóng góp của lực lượng Người có uy tín, già làng, trưởng thôn.
Nhiều huyện vùng cao khởi sắc nhờ một phần sự đóng góp của lực lượng Người có uy tín, già làng, trưởng thôn

Tìm hiểu từ thực tế cho thấy, những năm qua ở khắp các bản, làng vùng cao trên mọi miền đất nước, ở đâu cũng có đội ngũ những Người  có uy tín đang từng ngày đóng góp công sức vào sự phát triển của quê hương. Trong nhiều việc làm ý nghĩa của đội ngũ những Người có uy tín đối với cộng đồng, họ được nhìn nhận, đánh giá là những người tiên phong trong phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ cộng đồng cùng xây dựng, mở rộng các mô hình sinh kế, để từng bước có cuộc sống ấm no.

Tin cùng chuyên mục
Những “điểm tựa” nơi đại ngàn Tây Nguyên: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm qua công tác tuyên truyền vận động (Bài cuối)

Những “điểm tựa” nơi đại ngàn Tây Nguyên: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm qua công tác tuyên truyền vận động (Bài cuối)

Để bà con tin tưởng, Người có uy tín không chỉ gương mẫu, đi đầu, mà còn luôn cập nhật thông tin mới bằng mọi cách, nhất là những vấn đề về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan sát sườn đến cuộc sống dân sinh để giải thích thỏa đáng, hướng dẫn cụ thể cho bà con chấp hành, thực hiện. Từ đó, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng buôn làng giàu mạnh, xứng đáng là với niềm tin của chính quyền cơ sở, “điểm tựa” của bà con nơi buôn làng.