Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những “chiếc cầu nối” ở bản làng

PV - 10:44, 20/06/2018

Những năm qua, Người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh biên giới; xóa đói giảm nghèo; đẩy lùi hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa…

Đẩy lùi hủ tục, xua tan nghèo đói

Là một trong những Người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở thôn Pa Roi, xã A Dơi, nhiều năm qua ông Pả Lăng, 76 tuổi luôn phát huy sự gương mẫu, tính tiên phong trong phát triển kinh tế, đẩy lùi hủ tục lạc hậu tại bản làng. Trong căn nhà sàn khang trang nằm gần cuối bản, Pả Lăng vừa chăm cháu vừa tranh thủ xem thời sự trên chiếc ti vi đời mới. Ông bảo: “Mình phải nắm bắt đầy đủ các thông tin hàng ngày, biết được cái tốt, cái chưa tốt, mô hình hay để tuyên truyền, vận động cho dân bản”.

Già làng Hồ Lua (người cho cá ăn) ở xã A Dơi, giới thiệu về mô hình nuôi cá nước ngọt cho mọi người thăm quan học tập. Già làng Hồ Lua (người cho cá ăn) ở xã A Dơi, giới thiệu về mô hình nuôi cá nước ngọt cho mọi người thăm quan học tập.

Cách đây khoảng 22 năm, Pả Lăng cùng một số người tại địa phương đã vận động 23 hộ dân bản vượt 10km rời bản cũ sát sông Sê Pôn vốn có địa hình, khí hậu khắc nghiệt, đời sống khó khăn ra lập bản mới nơi vùng đất bằng phẳng, màu mỡ, gần suối và đường lớn ở trung tâm thôn Pa Roi. Tại nơi ở mới, ông cùng dân bản cần mẫn gây dựng cuộc sống mới ấm no. Ông Pả Lăng bảo rằng, để bà con dân bản từ bỏ cung cách canh tác du canh, du cư theo lối cũ “phát, đốt, cốt, trỉa” từ bao đời không hề dễ dàng. Tập tục canh tác lạc hậu ấy không chỉ làm mất rừng mà cuộc sống của bà con cũng chẳng thoát được đói nghèo.

Để dân bản nghe, nhìn thấy ông Pả Lăng nghĩ phải “miệng nói, tay làm và làm hiệu quả”. Ban đầu ông tự trồng lúa nước có bón phân, dặm tỉa đàng hoàng; rồi ông cải tạo vườn tạp, đất trống đồi trọc trồng bời lời, cao su; làm chuồng nuôi nhốt dê, bò, gia cầm; đào ao thả cá. Nhờ những kiến thức học hỏi từ ti vi, sách báo, tập huấn, ông đã tuân thủ tốt và từng bước thành công với việc làm ăn của mình.

Đến nay, Pả Lăng đã sở hữu 5 ha bời lời đỏ, 1ha lúa nước, 1ha ao nuôi cá, hàng chục con dê, trâu… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình vườn-ao-chuồng kết hợp này, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập từ 250-300 triệu đồng. Việc làm giàu của ông đã được người dân trong xã và các xã lân cận noi theo và chịu khó học hỏi.

Ông cũng nhiệt tình hướng dẫn bà con, hỗ trợ cây-con giống cho các gia đình khó khăn làm ăn để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. “Hồi trước gia đình mình cơ cực lắm, loay hoay mãi không biết làm sao để thoát nghèo. Nhờ được sự giúp đỡ tận tình của Pả Lăng, bây giờ mình đã có cái ăn, cái mặc và bắt đầu khá lên. Bọn mình sẽ tiếp tục noi gương sáng của Pả Lăng để làm giàu chính đáng và giúp đỡ lại cho những người khó khăn hơn”, anh Hồ Thanh, 37 tuổi ở thôn Pa Roi, là thành viên của CLB “100 triệu” của nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa phấn khởi nói.

Cầu nối Đảng với dân

Cũng giống như già làng Pả Lăng, ông Hồ Lai, 66 tuổi ở bản Ta Nua, xã Xy là Người có uy tín, làm ăn giỏi của bản. Từ đôi bàn tay trắng, ông chịu khó học hỏi, miệt mài lao động và đã từng bước tạo dựng cơ ngơi đáng mơ ước nơi bản nghèo Ta Nua. Ngoài 7ha bời lời, keo lai đã cho khai thác, ông còn mạnh dạn đầu tư mua 1 chiếc xe tải để phục vụ vận chuyển nông sản, gỗ rừng trồng cho bà con tại địa phương, mang lại thu nhập hằng năm cho gia đình trên 100 triệu đồng. Khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh…

Những già làng, Người có uy tín như Pả Lăng, Hồ Lai… ở Hướng Hóa thật sự đã trở thành chiếc cầu nối vững chắc giữa Đảng với nhân dân. Từ tấm gương của những “cây cổ thụ” ấy, ngọn lửa nhiệt huyết, những cách làm hay đã được trao truyền sang những cán bộ trẻ để tiếp tục cống hiến cho bản làng.

Là thế hệ những cán bộ trẻ tuổi, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Hồ Thị Tê đã luôn bám sát cơ sở, tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, của dân bản để thực hiện nhiệm vụ của mình. Mình phải thấu hiểu tâm tư của hội viên thì từ đó mới có cách tuyên truyền, vận động phù hợp.

Trên cơ sở tranh thủ những chính sách hỗ trợ của hội cấp trên, chị Tê đã tích cực vận động chị em phụ nữ xây dựng, phát triển những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả để từng bước giúp chị em vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chị còn năng động, tích cực phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ miền núi trong gia đình, xã hội… từ đó tạo được sự tự tin, khơi dậy khát vọng khẳng định mình trong chị em người dân tộc thiểu số.

Hiện nay, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 57 người.

Ông Trần Đức Trung, Chủ tịch MTTQVN huyện Hướng Hóa khẳng định: Già làng, trưởng bản, những Người có uy tín có vai trò, vị thế rất lớn trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa. Họ đã và đang đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa nói riêng, của tỉnh Quảng Trị nói chung.

ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.