Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những chuyến đi…

Phương Hạ - 19:40, 24/10/2022

Trong khoảng thời gian gần 20 năm gắn bó với Báo Dân tộc và Phát triển và sau lần vào với Tây Nguyên xa xôi đầu tiên, tôi đã có nhiều chuyến đi xa, thậm chí rất xa cả trong và ngoài nước, trong đó có chuyến đi quần đảo Trường Sa để tác nghiệp. Tôi đã học, đã mở mang thêm thật nhiều điều. Những chuyến đi xa đó còn cho tôi thêm thật nhiều người bạn...

Tôi vẫn luôn mong chờ để có những chuyến đi xa như thế
Tôi vẫn luôn mong chờ để có những chuyến đi xa như thế

Tôi nhớ mãi chuyến đi ấy, cho dù thời gian đã trôi qua khá lâu.

Mười tám năm về trước, sau cuộc họp Ban Biên tập triển khai kế hoạch nội dung các số báo theo kế hoạch, tôi được phân công thực hiện bài viết giáo dục cho đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên. Đây hẳn là một đề tài quan trọng. Với tờ báo của Ủy ban Dân tộc, đó càng là vấn đề cần được quan tâm. “Hãy đi và viết cho tốt” – Sau khi giao nhiệm vụ, Tổng Biên tập chỉ dặn tôi một câu ngắn gọn.

Được đến với đại ngàn Tây Nguyên - điều đó hẳn là thích và vui rồi. Tây Nguyên - đó là nơi tôi từng nghe nhiều, nhưng chưa một lần đặt chân tới. Sức hấp dẫn của miền đất đại ngàn hùng vĩ gắn với sử thi Trường ca Đam San, với tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, với bài thơ Bóng cây Kơ nia của nhà thơ Ngọc Anh, được tỏa thêm qua những giai điệu tha thiết của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, thể hiện tấm lòng thủy chung, tình nghĩa sâu nặng của con người và miền đất Tây Nguyên..., càng như thôi thúc tôi lên đường.

Lắc lư nhiều chục giờ trên đoàn tàu SE1, xuống ga Sài Gòn, ngơ ngác tìm chuyến xe khách cuối cùng để đi tiếp chặng đường 300km với nhiều khúc cua, lên dốc, xuống đèo, tôi cũng đến được cao nguyên Lâm Đồng, lúc 18h chiều....

Bữa cơm tối đơn giản cùng cô bạn tên Châu, làm ở Phòng Chính sách Ban Dân tộc Lâm Đồng, tôi chia sẻ về chuyến đi và sự lúng túng khi chưa chọn được đề tài. Nghe chuyện, cô bạn thốt lên: “Không lo, ở đây có thôn có cả trăm em tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có cả em có trình độ thạc sĩ đấy. Ở vùng đất Tây Nguyên, có thể nhiều nơi người dân có của ăn của để, nhưng để có một “làng đại học” như K’Ming, chắc không có đâu”, Châu nhấn mạnh thêm, phần như muốn giúp tôi an tâm về đề tài, lại phần như sợ tôi đang quá mệt mỏi sau chuyến đi dài sẽ lắc đầu từ chối...

Tôi đã chọn về thôn K’Ming, xã Gung Ré, thị trấn Di Linh, không chỉ để tìm hiểu về đề tài hấp dẫn này, mà còn bởi thôn có tới 98% hộ dân là đồng bào DTTS tại chỗ. Đề tài phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ Dân tộc và Phát triển. Nội dung lại đúng như định hướng của Ban Biên tập. Tại đây, tôi tận mắt chứng kiến hình ảnh những người phụ nữ Cơ Ho, lưng còng vì gùi củi nặng trên vai, tay dắt con từ cổng trường học. Tôi còn được nghe câu chuyện chân thật, qua những ngôn từ mộc mạc, thậm chí, có lúc tôi phải cố mới có thể hiểu, từ người đàn ông Cơ Ho, tên K’Brèo kể về việc ông đã nuôi nấng thành tài 10 cử nhân làng K’Ming như thế nào; khoe không chỉ ông mà cả thôn làng đã vui mừng đến mức nào trước việc cô con gái thứ tư là Ka Hor vừa nhận bằng thạc sĩ Y khoa và lúc này đã là bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Di Linh... Cái vui của K’Brèo, cái phấn chấn của người dân thôn K’Ming đã khiến tôi vô cùng xúc động và thấy đó như niềm vui của chính mình...

Ông K’Brèo bộc bạch, vợ ông là giáo viên trường làng, còn ông là y tá, thu nhập chẳng đáng là bao. Vợ chồng ông không có đất vườn để làm kinh tế, lại đông con nên cuộc sống gia đình thuộc diện nghèo khó trong xã. Do vậy, vợ chồng ông quyết tâm, dù khổ cực đến đâu, cũng phải cho con ăn học đến cùng, bởi chỉ có học thì các con ông mới thoát nghèo khổ, ông nói.

Tôi còn nhớ, sau buổi tìm hiểu thực tế và lấy thông tin, tôi đã viết bài báo đó rất nhanh; viết trong dạt dào cảm xúc; viết về thôn K’Ming, về nhân vật K’Brèo như đang viết về quê hương, người thân của mình với niềm vui như chưa từng gặp.

Tự tôi biết, năng lực chuyên môn chỉ là một phần. Điều quyết định còn là tìm được câu chuyện độc đáo – điều mà các thầy trong trường báo và các đồng nghiệp đàn anh gọi là tính phát hiện. Nếu không có tính phát hiện, bài báo vẫn có thể được đăng, vẫn sẽ có người đọc, nhưng rồi nó sẽ nhạt nhòa vào cả trăm, nghìn bài báo khác.

Đã dấn thân vào nghề báo, ai chẳng mong viết được những bài báo được bạn đọc đón nhận, ghi nhận để tự mình có thể lấy đó như niềm động viên, coi đó là thành công nho nhỏ. Bài báo “Thôn cử nhân K’Ming” tôi viết, sau đó được gửi dự cuộc thi ấn phẩm viết về đề tài vùng DTTS và miền núi, do Ủy ban Dân tộc phát động, và đạt giải B. Không phải giải cao, nhưng với tôi, nó là niềm động viên quan trọng trong những ngày đầu đến với Báo Dân tộc và Phát triển.

Những năm sau này, trên hành trình tác nghiệp báo chí, tôi cứ nhiều lần tự hỏi: Cái gì làm nên kết quả cho một bài báo. Và tự trả lời: Đầu tiên, phải là gần gũi, bám sát cơ sở. Nhà báo phải thoát ra khỏi phòng lạnh. Nhà báo phải dấn thân. Một cơ quan báo giàu tính chuyên nghiệp không có chỗ cho những người ưa nhàn nhã. Trở lại câu chuyện trước đây 18 năm của chuyến đi Tây Nguyên đầu tiên, nếu lúc đó tôi ngần ngại, tôi đã lỡ một câu chuyện, lỡ một phát hiện. Nói cách khác, tôi đã không may mắn được biết và viết về “Thôn cử nhân K’Ming” của đồng bào DTTS, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn lại dám và có khát vọng về học hành và đã có tới cả trăm em là cử nhân.

Phát hiện sự kiện, tìm được câu chuyện hay là có một nửa của thành công. Nhưng quan trọng hơn, việc gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với những con người cụ thể, chân thật, sinh động nơi đại ngàn Tây Nguyên đó, đã cho tôi rất nhiều cảm xúc. Cảm xúc về con người; về vùng đất; về số phận; về những tấm lòng nhân hậu; về sự cần cù, chất phác của những con người mà thoạt nhìn có nghĩ thể hời hợt về họ. Hời hợt nên không biết rằng, đằng sau cái vẻ thô ráp, thậm chí có phần hoang dã của họ, là những phẩm chất đáng khâm phục...

Có người cho rằng, nghề báo cần phải tiết chế cảm xúc để giữ được tính khách quan. Điều đó có thể đúng. Nhưng bằng kinh nghiệm, trải nghiệm của những chuyến đi tác nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi, tôi còn nghiệm ra rằng, tính khách quan trong nghề báo là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Nhưng nếu tính khách quan đó chỉ được neo giữ bằng những con chữ, ngôn từ lạnh lùng, thì liệu những bài báo đó có thể lan tỏa, ngấm sâu vào người đọc và xã hội?

Vùng DTTS và miền núi, sắc màu từ 53 DTTS… là mảnh đất mà nhà báo dẫu tìm hiểu, khai thác, khám phá suốt đời, vẫn là bất tận. Vậy mà thời gian qua, không ít người, nhân danh “làm truyền thông” (?) dám tùy tiện đưa thông tin, hình ảnh về đồng bào DTTS một cách thô thiển, sai lệch, thậm chí phi văn hóa. Cách làm đó không chỉ khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ, mà còn làm tổn thương người DTTS, tác động tiêu cực đến công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Cùng với sai, còn là sự ấu trĩ. Ví như khi nhắc về già làng, Người có uy tín, không ít người làm báo thiếu thực tế, xa cơ sở vẫn còn hình dung, đó là những người già nua, sống khắc nghiệt ở vùng miền núi lạc hậu... Thực tế thời nay đã khác. Nhiều người trẻ tuổi được tôn vinh là già làng, Người có uy tín. Thậm chí, có vị “già làng”, “Người có uy tín” chẳng khác trí thức miền xuôi, nhạy bén với thời cuộc; cập nhật thời sự trong nước và quốc tế; thành thạo vi tính, không thể sống thiếu thiết bị cầm tay thông minh...

Khác chăng, bên trong cái hình thức đó là họ vẫn nguyên vẹn hồn cốt của núi rừng. Suy nghĩ của họ gắn với cây, với rừng, với sông, với suối. Tâm hồn họ luôn da diết, thiết tha, văng vẳng âm hưởng những làn điệu dân ca, những đêm khan, những tiếng chiêng, tiếng đàn tính réo rắt, tiếng khèn và kèn môi dặt dìu…

Chính thế, người làm báo cho đồng bào dân tộc phải thay đổi về tư duy, nâng cao kiến thức, bổ sung kỹ năng tác nghiệp... Chỉ có như thế và khi đó, nhà báo mới có thể khiến bà con thật sự mở lòng. Vì vậy, những chuyến đi, đến, sống, ở lại, tham gia các sinh hoạt trực tiếp với bản làng của người làm báo, làm truyền thông thời nay là vô cùng quan trọng. Không chỉ để lấy thông tin, tài liệu phục vụ cho tác nghiệp, đó có thể coi là những chuyến đi để học, để mở mang kiến thức.

Trong khoảng thời gian gần 20 năm gắn bó với Báo Dân tộc và Phát triển và sau lần vào với Tây Nguyên xa xôi đầu tiên, tôi đã có nhiều chuyến đi xa, thậm chí rất xa cả trong và ngoài nước, trong đó có chuyến đi quần đảo Trường Sa để tác nghiệp. Tôi đã học, đã mở mang thêm thật nhiều điều. Những chuyến đi xa đó còn cho tôi thêm thật nhiều người bạn...

Tận hôm nay, tôi vẫn mong, vẫn chờ để được có thêm những chuyến đi xa như thế…

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.