Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những cuộc “mở đất” ở vùng cao xứ Nghệ

Việt Thắng - Lang Đình - 18:27, 27/08/2021

Thay vì đốt nương, làm rẫy, bà con ở vùng cao Nghệ An đã biết khai hoang “mở đất” để trồng lúa nước. Ông Vi Văn Tuyển ở bản Đôm 2, xã Châu Quang, huyện Quỳ Châu nói: “Nhà ta khai hoang được 1 ha ruộng nước, năng suất cao hơn hẳn làm rẫy. Giờ thì cả nhà không lo cái đói nữa đâu…”.


Mô hình trồng lúa Tẻ thơm đặc sản ở xã Na Loi (huyện Kỳ Sơn) trên diện tích ruộng lúa nước mới được khai hoang
Mô hình trồng lúa tẻ thơm đặc sản ở xã Na Loi (huyện Kỳ Sơn) trên diện tích ruộng lúa nước mới được khai hoang

Mở đất

Kỳ Sơn, một trong những huyện nghèo nhất nước. Tuy là địa phương có diện tích tự nhiên rộng thứ hai Nghệ An, nhưng đất đai bằng phẳng chỉ chiếm 1%, còn lại là đồi núi hiểm trở. Vì thế mà cái đói ở Kỳ Sơn có thể nói là “truyền đời”. Tập quán phát nương làm rẫy của bà con không những không đủ ăn, mà còn gây ra các vụ phá rừng rất đáng tiếc. 

Vì thế mà “phong trào” khai hoang ruộng nước được các cấp chính quyền chính thức phát động bằng Đề án “Khai hoang và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất”. Chỉ trong vòng 8 năm, từ 190 ha lúa nước, đến nay Kỳ Sơn đã có hơn 1.000 ha đất sản xuất lúa nước. Điển hình của phong trào này thuộc về các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Hữu Lập, Na Loi, Tà Cạ, Mỹ Lý, Mường Ải và Na Ngoi.

Tại huyện Quỳ Châu, phong trào khai hoang phục hóa cũng tích cực không kém, trong đó điển hình là xã Châu Phong. Cho đến nay, xã Châu Phong đã khai hoang được gần 60 ha đất sản xuất lúa nước, góp phần đẩy lùi đói nghèo cho xã. Riêng gia đình ông Vi Văn Tuyển ở bản Đôm 2 đã khai hoang được 1 ha, đứng đầu cả xã. 

Ông Tuyển phấn khởi: “Có phong trào khai hoang, nhà tôi đi đầu ngay. Giờ thì không phát nương làm rẫy nữa đâu, vì năng suất lúa nước cao hơn nhiều. Vả lại với 1 ha lúa nước thì không còn lo cái đói nữa”.

Đó là chưa kể đến các xã khác cũng có diện tích khai hoang lớn như Châu Bính, Châu Nga, Diễn Lãm…

Những thửa ruộng lúa nước đã được hình thành
Những thửa ruộng lúa nước đã được hình thành

Giảm nghèo

Bản Huổi Thum, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn là bản có 2 dân tộc Thái và Khơ Mú sinh sống. Nơi đây trước đó bà con chỉ quen với tập tục phá rừng đốt nương làm rẫy, diện tích lúa nước rất ít và cũng chỉ giao cấy được 1 vụ. 

Từ năm 2019 trở lại đây, tại bản Huổi Thum đã hình thành những thửa ruộng bậc thang, canh tác 2 vụ lúa nước. Đây được coi như một bước “chuyển mình” trong nhận thức của đồng bào. 

Đổi thay này có công rất lớn của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Ngoi. Đơn vị đã “đi đầu dậy trước”, khai hoang hơn 3.550 m2 làm mô hình cho bà con được “mắt thấy tai nghe”. Sau thành công của Đồn Biên phòng, bà con đã nô nức làm theo. Ông Bùi Văn Tuấn là người tiên phong “mở đất” ở Huồi Thum. Ngay vụ đầu tiên, gia đình ông đã thu hoạch được cả tấn lúa, vui đáo để. 

Ông chia sẻ: “Làm nương rẫy thì phải leo dốc, sản xuất dựa vào thiên nhiên, rất vất vả. Từ mấy năm nay, có sự hướng dẫn của Đồn Biên phòng, nhà ta đã biết khai hoang, làm ruộng nước. Nay thì hết nghèo rồi”.

Tại xã Na Loi, có trên 91ha đất ruộng được khai hoang, trong đó có đến 60ha được bà con nông dân xuống giống lúa tẻ thơm truyền thống - giống lúa đặc sản của huyện vùng cao Kỳ Sơn. Điểm nổi trội của giống lúa này có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo, khi nấu có mùi thơm đặc trưng. Mặc dù năng suất chỉ đạt 3 - 3,5 tấn/ha, tuy nhiên, đây là loại gạo có giá bán rất cao, dao động khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, tính ra mỗi ha trồng lúa tẻ thơm cho thu nhập vài chục triệu đồng. 

Gia đình ông Kha Văn Quang là một trong những hộ dân đang lưu giữ và gieo cấy giống lúa này. Ông cho biết: “Gia đình có hơn 1,5ha đất ruộng, trong đó hơn nửa diện tích được gieo cấy giống lúa tẻ thơm của địa phương, vừa để làm nguồn lương thực cho gia đình, vừa để lưu giữ nguồn giống lúa quý truyền thống này”.

Công cuộc khai hoang của bà con đã được thực hiện bằng cơ giới hóa
Công cuộc khai hoang của bà con đã được thực hiện bằng cơ giới hóa

Giống như ông Quang, ông Vi Văn Hồng ở bản Na Khướng, cũng dành một phần diện tích khai hoang để trồng lúa tẻ thơm. “Làm ruộng ở đây không cần phân bón nhiều, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đâu, nhất là với giống lúa tẻ thơm. Tuy năng suất của lúa tẻ thơm so với lúa khác hơi thấp, nhưng người dân xã ta vẫn duy trì sản xuất giống lúa này để bảo tồn giống. Và bù lại, giá bán loại gạo này rất cao”, ông Hồng cho biết.

Để bảo tồn và phát triển giống lúa quý này, từ vụ mùa năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã phối hợp với xã Na Loi triển khai mô hình cải tạo, khôi phục lại giống lúa tẻ thơm, lựa chọn được giống gốc, làm cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà.

Rất tâm huyết với đề án bảo tồn và phát triển giống lúa quý của quê nhà, bà Pịt Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Na Loi, háo hức: “Ngoài việc cải tạo, khôi phục, tăng năng suất cho giống lúa này, xã đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu lúa tẻ thơm Na Loi để phát huy lợi thế cạnh tranh, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân”./.