Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những đứa trẻ ở Ertrol mong Tết Trung thu

PV - 10:05, 19/09/2018

Những ngày này, ở khắp mọi nơi, nhất là nơi đô thị rực rỡ sắc đỏ của đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, tiếng trống ếch đã rộn ràng và cả những hộp bánh Trung thu. Nhưng với các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tết Trung thu vẫn còn là một điều gì đó lạ lẫm và có phần xa xỉ...

Tết Trung thu Trẻ em nghèo xã Ertrol vui mừng nhận quà Tết Trung Thu từ các tổ chức từ thiện (năm 2016).

Chiếc xe máy cà tàng của chúng tôi dừng lại ở thôn Mùi (xã Ertrol, huyện Sông Hinh, Phú Yên) nơi có rất nhiều trẻ em đồng bào nghèo. Mấy đứa trẻ ngơ ngác hỏi: “Chú mang Trung thu về đây à!”. Câu hỏi khiến chúng tôi chỉ biết cười gượng gạo.

Lũ trẻ ở thôn Mùi này đa phần là người dân tộc thiểu số, nằm tít trong xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Hinh, đều thuộc các gia đình hộ nghèo. Thế nên cái ăn cái mặc vẫn là nỗi lo lớn nhất của các bậc cha mẹ. Ngày ngày cha mẹ lên nương lên rẫy, đi làm thuê làm mướn kiếm cái ăn cho cả gia đình, lũ trẻ sống vạ vật hồn nhiên như cây cỏ.

Một cô bé 6 tuổi cầm chiếc bánh quy trên tay, ngần ngừ không dám ăn. Cô bé bảo chắc bánh Trung thu cũng ngon như thế này. Anh bạn đồng hành buột miệng: “Bánh Trung thu còn ngon hơn nhiều lần!”, rồi anh chựng lại. Có lẽ anh biết mình lỡ lời. Anh đã chạm vào nỗi thiệt thòi lớn nhất của lũ trẻ nghèo vùng sâu này.

Trung thu đến gần, trẻ em thôn Mùi khao khát được thấy những chiếc lồng đèn, những ông Lân, ông Địa. Nhưng với cha mẹ chúng, trong khi cuộc sống còn bao nỗi lo toan, vất vả thì những đồ chơi đắt tiền, những hộp bánh Trung thu bình thường bán ngoài chợ cũng trở nên xa xỉ chẳng bao giờ dám mơ tới.

Anh Hạ Văn An, Phó Bí thư Đảng ủy xã xã Ertrol bùi ngùi kể, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề khiến những người cha, người mẹ ở vùng sâu, vùng xa không còn tâm trí đâu để nhớ đến ngày hội mỗi mùa trăng tròn của con cái. Hoặc là, họ có biết, nhưng nghèo quá, bố mẹ suốt năm suốt tháng đi rẫy, đâu nghĩ gì tới Trung thu. Những đứa trẻ cũng đã quen với việc bố mẹ đi vắng. Sau giờ tới trường, đứa nhỏ thì tự chơi với nhau, đứa lớn thì phụ giúp bố mẹ công việc hoặc chăm em. Cứ thế, chúng lớn lên đơn giản và khỏe mạnh như cây rừng. Bởi thế mà Tết Trung thu vẫn luôn là một nỗi khao khát mà chẳng dám nói ra.

Mấy đứa trẻ thôn Mùi bao quanh chúng tôi, hỏi chuyện Trung thu ở thành phố. Nhưng rồi, có lẽ những điều giải thích của chúng tôi là thừa, bởi lũ trẻ miền núi này cơm ăn còn chưa đủ no, áo mặc còn vá rách, sách bút, trường lớp còn chưa có đủ thì lấy đâu ra đèn ông sao, bánh nướng, bánh dẻo…

Một đứa nhỏ dụi đầu vào bên gốc cây, ngại ngùng thủ thỉ: “Con hôm qua bị mẹ đánh vì đòi được mua bánh Trung thu. Con nhìn bánh Trung thu trên tivi mà chưa được ăn bao giờ. Năm ngoái, vào giờ này tụi con được các anh chị sinh viên đến cho quà và xem múa lân, vui lắm. Năm nay, không biết các anh chị ấy có bận học hay còn phải đi chỗ khác nữa mà không thấy ghé đến cho tụi con quà. Chắc vài bữa nữa anh chị mới tới! Tụi con chờ…”.

Lúc chia tay, những đứa trẻ thôn Mùi đứng đầy trước con đường vào làng, ánh mắt thiu thỉu buồn. Lũ trẻ ấy chờ cái Tết Trung thu, có bánh nướng bánh dẻo, có lồng đèn, có tiếng trống múa Lân rộn rã. Mà những ngày này, chưa thấy ai đến. Chúng vẫn chờ, dù không dám hy vọng. Trẻ con mà, chỉ biết chờ thôi…

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hạ Văn An, Phó Bí thư Đảng ủy xã xã Ertrol cho biết, địa phương dù nghèo nhưng cũng sẽ trích một phần kinh phí nhỏ để hỗ trợ cho trẻ em trong xã có một cái Tết Trung thu đúng nghĩa.

Cùng với đó, chị Đào Thị Linh (ngụ Tuy Hòa, Phú Yên) cũng đang tiến hành vận động nhiều người cùng ủng hộ tiền, bánh kẹo, quần áo để tổ chức Trung thu cho những đứa trẻ ở thôn Mùi. Chị Linh cho biết, số tiền quyên góp được sẽ được mua quà bánh với mỗi phần quà ít nhất là 50.000 đồng để tổ chức Trung thu cho các cháu.

Dù không nhiều, nhưng hy vọng với tấm lòng của những người yêu trẻ, những đứa trẻ ở thôn Mùi sẽ có một cái Tết trung Thu ấm áp và nhiều mơ ước hơn...

MINH NGỌC - ĐÀO LINH

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.