Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những “lỗ hổng” trong quản lý rừng và đất rừng ở ĐăK Nông

PV - 10:00, 17/05/2019

LTS: Từ một vụ án “Hủy hoại rừng” có dấu hiệu oan sai ở huyện Đăk G’long (Đăk Nông), phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã thâm nhập thực tế, từ đó phát hiện ra những “lỗ hổng” rất khó hiểu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng ở địa phương này. Đằng sau đó là rất nhiều vấn đề xã hội bức xúc của một bộ phận không nhỏ người dân từ các nơi khác di cư đến Đăk G’long tìm kế mưu sinh.

Bài 1: Một góc nhìn khác về hệ lụy di cư tự phát

Cũng như nhiều địa bàn khác của Tây Nguyên, tình trạng di cư tự phát đến Đăk G’long đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy. Với những người di cư tự phát, cuộc sống của họ rất bấp bênh, thường xuyên đối diện với những nỗi lo âu, khiếp sợ thường trực.

Từ mua đất không cần chứng thực...

Ngày 17/4/2019, theo Quốc lộ 28, từ thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi về xã Đăk Ha (huyện Đăk G’long). Hai bên đường là rừng thông thưa thớt, cây chết nhiều hơn cây sống.

Anh Hưng, người được chúng tôi nhờ dẫn đường bảo rằng, rừng thông ở đây có tuổi đời 30-40 năm. Trước đây, khu vực này thông bạt ngàn. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, rừng thông bị một số đối tượng đến phá và lấn chiếm dần để trồng tiêu. Họ “bức tử” cây thông bằng cách khoan lỗ nhỏ, sau đó bơm thuốc diệt cỏ vào, chỉ thời gian sau là thông chết, chính quyền không xử lý được.

Mải miết nhìn rừng thông “sống dở chết dở”, chúng tôi đến địa phận thôn 2, xã Đăk Ha lúc nào không hay. Theo đánh giá của Công an huyện Đăk G’long thì đây là một trong những điểm nóng của xã Đăk Ha về tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng để lấy đất sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng di dân tự phát từ các địa phương khác chuyển đến.

Một hộ dân mua đất canh tác ở Tiểu khu 1697 nhưng không “chính chủ”. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019) Một hộ dân mua đất canh tác ở Tiểu khu 1697 nhưng không “chính chủ”. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019)

Theo chỉ dẫn của anh Hưng, chúng tôi tìm vào khoảnh 1 và 3-Tiểu khu 1697, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Ha. Giữa bạt ngàn núi đồi đất đỏ nổi bật lên những căn nhà bán kiên cố của người dân; bốn bề là rừng sản xuất; chỗ trồng keo, tiêu; nơi trồng bầu, chanh leo; xen kẽ là những khoảnh rừng đầy cây bụi bị đốt cháy nham nhở.

Rất khó tìm một người dân để hỏi chuyện bởi dường như ở đây ai cũng tránh người lạ. Mãi mới gặp được một phụ nữ luống tuổi đang lúi húi dưới vườn chanh leo; bà cũng khá ngại ngần khi tiếp chuyện.

Bà bảo tên là Chinh, quê ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình); năm nay 50 tuổi thì cũng hơn 20 năm bà sinh sống ở Tây Nguyên. Trước đây bà ở huyện Di Linh (Lâm Đồng); đến tháng 5/2018, bà di cư sang Đăk Ha, bỏ ra 250 triệu đồng để mua gần 1ha đất trồng chanh leo. Chồng mất, 4 đứa con đi làm ở TP. Hồ Chí Minh nên một mình bà lủi thủi ở đây.

Nhưng cái lo nhất của bà Chinh là gần 1ha đất mà bà đang sử dụng không có giấy tờ hợp pháp, chỉ được cam kết bằng một tờ giấy viết tay. Bà bảo, được người quen giới thiệu, rồi bà mua mảnh đất này để canh tác; hỏi mua của ai thì bà không tiết lộ. Có lẽ bà sợ, nếu tiết lộ, bà sẽ không còn đất để canh tác (?!).

Đến nạn nhân của băng nhóm cướp đất

Bà Chinh bỏ ra 250 triệu đồng mua gần 1ha đất để trồng chanh leo theo diện hợp đồng viết tay. (ảnh chụp ngày 17/4/2019) Bà Chinh bỏ ra 250 triệu đồng mua gần 1ha đất để trồng chanh leo theo diện hợp đồng viết tay. (ảnh chụp ngày 17/4/2019)

Tâm lý sợ mất đất sản xuất của bà Chinh được chúng tôi xác định rõ hơn khi tiếp xúc thêm với một số gia đình đang sinh sống ở thôn 2, xã Đăk Ha. Họ hầu hết là di cư từ những nơi khác đến.

Tháng 11/2014, ông Lê Văn Sửu (sinh năm 1973), quê gốc ở Thường Xuân (Thanh Hóa) “hùn vốn” với một số người cùng quê được 850 triệu đồng để mua 16ha đất thuộc Tiểu khu 1674, là diện tích đất do ông Điểu Njơi, sinh năm 1952, trú ở xã Ea Tung (Krông A Na, Đăk Lăk) bán lại cho ông Sửu. Việc mua bán giữa hai bên chỉ là một bản hợp đồng không có xác nhận của chính quyền địa phương cũng như đơn vị có thẩm quyền (là Lâm trường Đăk N’tao-Pv).

Ông Sửu cho biết, ở đây ai mua bán đất đều thế cả; chính quyền địa phương có kiểm tra nhưng không có ý kiến gì. Sự “dễ dãi” này là “miếng mồi” béo bở cho các đối tượng xấu có ý đồ tranh cướp đất, là nỗi lo thường trực của các hộ dân di cư về đây.

Anh Lang Văn Tuấn (sinh năm 1983) cùng vợ là Hà Thị Thu, dân tộc Thái, người cùng quê với ông Sửu, di cư vào Đăk Nông đã nhiều năm. Ở nhà trọ, đi làm thuê, hai vợ chồng gắng làm lụng để nuôi 2 con nhỏ.

Thương cảnh đồng hương, ông Sửu nhượng lại cho vợ chồng anh Tuấn 1 lô đất giáp mặt đường Quốc lộ 28 để làm nhà ở. Đầu tháng 3/2019, vợ chồng anh Tuấn vay được ít tiền, dựng tạm nhà tôn trên lô đất này; cả tiền mua đất và dựng nhà hết hơn 55 triệu đồng, anh chị cũng mới trả được 5 triệu đồng, còn lại đang nợ.

Nhưng khoảng 5 giờ chiều ngày 11/3/2019, ngôi nhà của vợ chồng anh bị một nhóm đối tượng kéo đến phá sập, cướp đi toàn bộ tài sản trong nhà và hơn 9 triệu đồng tiền mặt anh Tuấn mới đi vay về để làm nền nhà. Cũng trong chiều hôm đó, nhóm đối tượng này còn phá sập nhà và cướp hết tài sản của gia đình anh Lê Văn Chúc và gia đình chị Đặng Thị Lương đều là những người mua chung đất với ông Sửu. Nhóm đối tượng này chỉ bỏ đi khi nhận được thông tin “Công an đang trên đường đến”, sau khi phá sập 3 căn nhà của 3 hộ dân.

Những hộ dân có nhà bị nhóm đối tượng lạ mặt phá sập nhà trao đổi với phóng viên. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019) Những hộ dân có nhà bị nhóm đối tượng lạ mặt phá sập nhà trao đổi với phóng viên. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019)

Theo các hộ dân, nhóm đối tượng này chủ yếu là “con nghiện”, do một tên trùm “chăn dắt”, xăm trổ đầy mình, đi đâu cũng cầm theo hung khí; mục đích của chúng là để “dằn mặt”, không cho người dân sinh sống, sản xuất ở đây để cho tên trùm cướp đất, sau đó bán lại cho người khác. Khi xảy ra sự việc, đối diện hàng chục đối tượng hung hãn, dù có xót của đến mấy, người lương thiện cũng đành cắn răng chịu đựng, chỉ còn biết điện thoại gọi Công an xã, Công an huyện đến cứu giúp...

“Trạm tuần tra của Công an huyện Đăk G’long chỉ cách đây khoảng 10 cây số, nhưng gần 3 tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi báo tin thì mới thấy lực lượng Công an đến, lúc đó nhà đã sập, tài sản bị chúng cướp rồi”, chị Hà Thị Thu nói.

Trước thông tin bạn đọc phản ánh, phóng viên đã trực tiếp điện thoại trao đổi với ông Nguyễn Du, Trưởng Công an huyện Đăk G’long. Ông Du xác nhận vụ việc này và khẳng định, Công an huyện Đăk G’long đã khởi tố hai đối tượng liên quan; nhưng cụ thể thế nào thì chưa thể thông tin.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng huyện Đăk G’long cần sớm có thông tin cụ thể về vụ việc. Bởi thực tế xác minh tại cơ sở cho thấy, tình trạng tranh cướp đất ở Đăk Ha không chỉ diễn ra ở mức độ “dằn mặt” mà đã có những biểu hiện trắng trợn hơn, dấu hiệu vi phạm pháp luật đã quá rõ ràng. Trong khi đó, việc quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp ở địa phương này có những “lỗ hổng” rất khó lý giải. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Ngày 23/4/2019, UBND tỉnh Đăk Nông đã ban hành Văn bản số 1784/UBND-NC gửi Công an tỉnh Đăk Nông, trong đó có nội dung yêu cầu điều tra, xác minh hành vi hủy hoại tài sản của công dân xảy ra chiều ngày 11/3/2019 tại địa bàn xã Đăk Ha, huyện Đăk G’long. Kết quả điều tra, xác minh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh trước ngày 30/5/2019.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.