Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những “lỗ hổng” trong quản lý rừng và đất rừng ở ĐăK Nông

PV - 09:45, 22/05/2019

Như kỳ báo trước đã phản ánh, việc quản lý đất lâm nghiệp ở xã Đăk Ha, xã Quảng Sơn (Đăk G’long, Đăk Nông) rất lỏng lẻo. Đây là “chất xúc tác” kích thích nạn phá rừng, xâm canh, lấn chiếm và tranh giành, cướp đất lâm nghiệp.

Bài 2: Quyết liệt nhưng  rừng vẫn “chảy máu”

Đất “chính chủ” cũng cướp!

Tháng 10/2014, thực hiện chủ trương giao đất lâm nghiệp để phủ xanh đất trống, đồi trọc theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP, hai gia đình ông Trần Minh Tuấn (sinh năm 1983) và Hoàng Văn Đào (sinh năm 1989, dân tộc Tày) được Xí nghiệp Lâm nghiệp Đăk Ha (thuộc Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa) ký “Hợp đồng huy động vốn trồng rừng”. Theo Hợp đồng số 07/HĐ-XN, ngày 19/10/2014 và Hợp đồng số 11/HĐ-XN ngày 20/10/2014 của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đăk Ha, ông Tuấn, ông Đào được sử dụng đất lâm nghiệp ở khoảnh 2 và 7-Tiểu khu 1685, thuộc địa giới hành chính xã Quảng Sơn; khoảnh 1 và 3-Tiểu khu 1697, thuộc địa phận hành chính xã Đăk Ha để trồng keo, muồng; thời hạn hợp đồng là 29 năm (đến năm 2043).

Những cây keo hơn 4 năm tuổi bị chặt hạ xếp thành đống tại khoảnh 2, Tiểu khu 1685. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019) Những cây keo hơn 4 năm tuổi bị chặt hạ xếp thành đống tại khoảnh 2, Tiểu khu 1685. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019)

Sau khi ký hợp đồng, cuối năm 2014, gia đình ông Tuấn, ông Đào đã vay tiền để đầu tư trồng keo theo cam kết với Xí nghiệp Lâm nghiệp Đăk Ha; nếu không có bất thường thì khoảng giữa năm 2021 là có thể khai thác keo. Nhưng cuối năm 2018, rừng keo của họ đã bị một nhóm đối tượng cộm cán cho “quân” đến chặt phá nham nhở. Từ sau Tết Kỷ Hợi 2019, những vạt rừng keo bị chặt hạ này đã khô héo nên chúng cho “quân” ngang nhiên vào châm lửa đốt.

Ngày 17/4/2019, xuyên qua vạt rừng keo đã bị cháy khô do bị đốt phá, chúng tôi tiếp cận diện tích keo hơn 4 năm tuổi mới bị chặt hạ của gia đình ông Tuấn, ông Đào tại khoảnh 2-Tiểu khu 1685. Hơn nửa quả đồi chỉ còn trơ lại những gốc keo, xen lẫn những gốc cây tái sinh; những cây keo bị chặt, đốt xếp lại thành đống.

Ông Tuấn cho biết, cuối năm 2018, khi rừng keo bị chặt phá, ông đã làm đơn kêu cứu, đơn tố cáo gửi Công an xã Đăk Ha, Công an huyện Đăk G’Long và cả Công an tỉnh Đăk Nông nhiều lần. Phúc đáp lại niềm tin và mong đợi của ông chỉ là những “Giấy báo tin” hay “Thông báo chuyển đơn” từ các cơ quan cấp tỉnh về cho Công an huyện Đăk G’Long “xem xét, giải quyết”.

Lối đi xuyên qua vườn keo đã bị đốt chết dẫn sang diện tích keo của gia đình ông Tuấn thuộc khoảnh 2, tiểu khu 1685. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019) Lối đi xuyên qua vườn keo đã bị đốt chết dẫn sang diện tích keo của gia đình ông Tuấn thuộc khoảnh 2, tiểu khu 1685. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019)

“Ngày 25/3/2019, tôi cũng đã có đơn gửi Công an tỉnh Đăk Nông kêu cứu. Đến ngày 09/4/2019, Văn phòng Cơ quan CSĐT-Công an tỉnh Đăk Nông cũng chỉ gửi cho tôi Thông báo số 87/TB-PC01-Đ1, trong đó có nói là đã chuyển đơn của tôi về Công an huyện Đăk G’long để xem xét, giải quyết”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, vụ việc cũng đã được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phóng sự phát trên VTV1, nhưng việc điều tra, xử lý đối tượng phá rừng, cướp đất vẫn chưa đi đến đâu. Sự tức tưởi của người nhận khoán trồng rừng thấy rừng bị hủy hoại ngày một dồn nén khi cơ quan chức năng của huyện Đăk G’long và tỉnh Đăk Nông giải quyết lòng vòng, đùn đẩy.

Có ngăn được rừng bị “chảy máu”?

Với sự vào cuộc của một số cơ quan báo chí, vụ việc hủy hoại rừng trồng xảy ra ở khoảnh 2, Tiểu khu 1685 đã “đến tai” lãnh đạo tỉnh Đăk Nông. Mới đây, ngày 23/4/2019, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông đã ký Văn bản số 1784/UBND-NC gửi Công an tỉnh Đăk Nông; trong đó yêu cầu Công an tỉnh điều tra, xác minh hành vi hủy hoại rừng trồng, hủy hoại tài sản của công dân, lấn chiếm đất rừng xảy ra tại địa bàn xã Đăk Ha và xã Quảng Sơn thuộc huyện Đăk G’long.

“Thông báo chuyển đơn” của Công an tỉnh Đăk Nông ngày 09/4/2019 trả lời đơn kêu cứu của ông Trần Minh Tuấn. “Thông báo chuyển đơn” của Công an tỉnh Đăk Nông ngày 09/4/2019 trả lời đơn kêu cứu của ông Trần Minh Tuấn.

Nội dung ý kiến chỉ đạo nêu rõ: Giao Công an tỉnh điều tra, xác minh việc phá hoại rừng trồng, hủy hoại tài sản, lấn chiếm đất rừng xảy ra tại khoảng 2 và 7-Tiểu khu 1685; khoảnh 1 và 3-Tiểu khu 1697; đồng thời, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả về Thường trực Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh trước ngày 30/5/2019.

Đây có thể xem là sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh Đăk Nông. Nhưng vấn đề là, liệu những chỉ đạo này có được thực thi một cách triệt để, giải quyết tận gốc tình trạng ngang nhiên hủy hoại rừng trồng, tranh cướp đất lâm nghiệp ở xã Đăk Ha và xã Quảng Sơn?

Đây thực sự là một câu hỏi không dễ trả lời đối với lực lượng hành pháp và các đơn vị có liên quan của tỉnh Đăk Nông cũng như của huyện Đăk G’long. Bởi việc hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng ở xã Đăk Ha và xã Quảng Sơn lâu nay vẫn được xem là “chuyện thường ngày”.

Lần theo hồ sơ tài liệu trở về thời điểm năm 2014, Đoàn kiểm tra của xã Đăk Ha phối hợp cùng Xí nghiệp Lâm nghiệp Đăk Ha đã phải hàng trăm lần lập biên bản xử lý việc phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tại Tiểu khu 1685 và tiểu khu 1697. Tại Tiểu khu 1685, chỉ trong ngày 29/11/2014, Đoàn kiểm tra đã lập gần 10 biên bản kiểm tra, với tổng diện tích rừng bị xâm canh, xâm lấn trái phép gần 100ha; trong tất cả các biên bản đều xác định mức độ thiệt hại của hành vi phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp đều từ 90-100%.

Tình trạng phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở đây “căng” đến nỗi, ngày 16/5/2015, UBND huyện Đăk G’long phải thành lập Tổ chốt chặn, quản lý bảo vệ rừng tại Tiểu khu 1685, 1697. 3 tháng sau, UBND tỉnh Đăk Nông đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Tổ trưởng theo Quyết định số 1000/QĐ-UBND, ngày 09/7/2015; một trong những nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt là phối hợp cùng các địa phương, đơn vị rà soát, kiểm kê hiện trạng đất đai, đối tượng xâm canh, lấn chiếm đất trái phép; xử lý các đối tượng, các hành vi vi phạm pháp luật…

Dù vậy, tình trạng phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở xã Đăk Ha, xã Quảng Sơn (huyện Đăk G’long) nói riêng và trên địa bàn tỉnh Đăk Nông nói chung vẫn diễn ra rất nóng bỏng. Tại kỳ họp thứ 7-HĐND tỉnh Đăk Nông diễn ra ngày 14/12/2018, tình trạng mất rừng nghiêm trọng được các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn rất gay gắt. Tại kỳ họp này, báo cáo của Công an tỉnh Đăk Nông cho thấy, từ năm 2016 đến 2018, Công an tỉnh đã phát hiện gần 230ha rừng bị hủy hoại, bắt xử lý 431 vụ với 522 đối tượng vi phạm lâm luật.

Sự vào cuộc của cơ quan chức năng là cần thiết để hạn chế tình trạng rừng Đăk Nông bị “chảy máu”. Nhưng nếu cơ quan chức năng quá nóng vội, khiên cưỡng trong việc xử lý thì rất dễ dẫn đến oan sai, không những không giữ được rừng mà còn khiến tình hình khiếu nại, tố cáo kéo dài. Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.