Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những lớp học “không có tiếng nói”

Nghĩa Hiệp - 18:00, 27/12/2021

Tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) có một cơ sở giáo dục đặc biệt chuyên chăm lo, dạy dỗ cho hàng chục trẻ em khuyết tật khiếm thính. Tại đây, những lớp học lặng im, không tiếng giảng bài, không lời phát biểu, nhưng chưa bao giờ thiếu vắng những nụ cười, những hy vọng và ước mơ…

Lớp học đặc biệt với các học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau
Lớp học đặc biệt với các học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau

Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh (Cơ sở) nằm trong con phố nhỏ thuộc phường Hồ Hà, TP. Hạ Long. Đã hơn 10 năm nay, Cơ sở đã trở thành điểm đến quen thuộc của những gia đình có con em không may bị khiếm thính. Đây cũng là cơ sở công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo theo mô hình chuyên biệt.

Tại lớp học môn Tiếng Việt của cô giáo Vũ Thị Lan, ngay trong giờ học, nhưng lớp chỉ thi thoảng có tiếng cười, tiếng ú ớ không thể thành lời của các em nhỏ. Cô Lan chia sẻ: Nay đã là năm thứ 11 tôi gắn bó với Cơ sở. Bởi các em chỉ nghe được, không nói được, nên khi dạy, cần phải đọc to bài để các em nhận biết được khẩu hình. Tiếng Việt cũng là môn khó học nhất, các em phải học đánh chữ cái bằng ngón tay để có thể viết, sau đó mới học ký hiệu và phải đọc hiểu được bài học. Thường phải mất cả tuần để các em học xong một bài mới, nhưng có khi nghỉ 2, 3 buổi là lại quên ngay.

Để các em học sinh tại Cơ sở học hết được các ký hiệu, viết và thể hiện các ngôn ngữ hình thể cơ bản, cần phải mất 2 - 3 năm, cần đến 10 năm các em mới học xong chương trình cấp 1, gấp đôi thời gian so với trẻ bình thường. Chính vì thế, ở các lớp học tại Cơ sở, các em học sinh không tương đồng về tuổi, mà thường trải dài từ 6 - 18 tuổi.

“Khó khăn trong quá trình dạy học là thế, nhưng khi các thầy cô đã gắn bó với Cơ sở và các em nhỏ, thì không ai nỡ rời xa. Nhìn các em biết con chữ, biết giao tiếp, có thể hòa nhập cộng đồng, tự kiếm sống và xây dựng gia đình... ra trường và quay lại chia sẻ cùng những học sinh khác, thì chúng tôi biết mình đã làm được những điều tốt cho cuộc sống và cho chính các em”, cô Lan chia sẻ.

Các em học sinh tại Cơ sở học ngôn ngữ ký hiệu tập trung trong lớp Tiếng Việt của cô giáo Vũ Thị Lan
Các em học sinh tại Cơ sở học ngôn ngữ ký hiệu tập trung lớp Tiếng Việt của cô giáo Vũ Thị Lan

Hiện Cơ sở đang có 105 em học sinh theo học với 42 lao động, trên 70% trong số đó tham gia trực tiếp công tác chăm nuôi, giáo dục, giảng dạy cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, gồm cả trẻ khiếm thính. Tuy nhiên, Cơ sở hiện đang hoạt động theo mô hình thí điểm Nhà nước và nhân dân cùng hỗ trợ, vì thế, các giáo viên tại đây không được hưởng phụ cấp giáo dục chuyên biệt.

Theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND, ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về “quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, trẻ bán trú cơ bản không phải đóng góp thêm. Tuy nhiên, với trẻ nội trú, mỗi trẻ phải đóng thêm 2 triệu đồng/tháng cho chi phí ăn, ở, sinh hoạt. Nhưng do nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, lại ở xa, nên không có điều kiện cho trẻ học nội trú.

Ông Trương Mạnh Hùng, Giám đốc Cơ sở, đề xuất: Chúng tôi mong muốn tỉnh Quảng Ninh có thể mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội cho trẻ khiếm thính nói riêng và những trẻ khuyết tật khác được hưởng chế độ trợ cấp, để các em có thể được đi học nhiều hơn. Đồng thời, có đơn vị đứng ra chủ trì, điều phối, định hướng cho trẻ trong việc học nghề, tạo việc làm. Vì các em ai cũng có ước mơ, mong muốn có nghề để tự kiếm sống bằng chính khả năng của mình, không tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Nữ sinh người Thái đạt điểm cao có nguy cơ bỏ lỡ đại học vì nhà nghèo

Nữ sinh người Thái đạt điểm cao có nguy cơ bỏ lỡ đại học vì nhà nghèo

Mặc dù gia cảnh nghèo khó, nữ sinh Hà Khánh Ly, dân tộc Thái, ở bản Páng, xã Phú Thanh, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) vẫn chăm chỉ học tập và đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Em có nguy cơ bỏ lỡ ước mơ vào đại học vì không có điều kiện đến trường.