Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những nếp nhà sàn trên đỉnh Đăng N’Jriêng

PV - 11:48, 08/02/2018

Ngày xưa, một cộng đồng người Châu Mạ (dân tộc Mạ) lập làng, sinh sống phồn thịnh trên đỉnh núi Đăng N’Jriêng ở xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Sau này bà con đã xuống núi sinh sống, thành lập bon mới. Nhưng vẫn còn một số hộ bám trụ làng cũ giữ gìn những nếp nhà sàn truyền thống và xem đó như báu vật.

Lễ kết nghĩa của người Mạ ở xã Đăk Nia. Lễ kết nghĩa của người Mạ ở xã Đăk Nia.

 

“Nơi đi-về của tổ tiên”

Đầu tháng 12, hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Từ Buôn Ma Thuột chúng tôi chạy xe gần 150 cây số, vượt hàng chục con đèo gấp khúc, từ sáng sớm đến trưa mới đến trụ sở xã Đăk Nia. Từ xa, đỉnh Đăng N’Jriêng sừng sững cao vút lấp ló trong làn mây trắng giăng ngang trời. Khu nhà sàn kiến trúc cổ truyền thống của đồng bào Mạ trên đỉnh Đăng N’Jiêng tĩnh lặng giữa những rẫy cà phê chín đỏ.

Trong ngôi nhà sàn truyền thống, vợ chồng ông K’Đáh (70 tuổi) và cô con gái út đang quây quần bên bếp lửa chuẩn bị bữa trưa với món canh bột-món ăn truyền thống của đồng bào Mạ được nấu bằng bột gạo và lá bép rừng. Bếp lửa đặt giữa nhà, phía trên là kho chứa nông sản và vật dụng sản xuất, phía trong cùng là sạp lồ ô trải dài từ đầu đến cuối nhà làm nơi nghỉ ngơi.

Mọi vật dụng đều đã cũ kỹ, in hằn dấu vết của thời gian mà bao năm ông K’đá cố gắng nâng niu, gìn giữ. Hàng chục chiếc gùi đủ mọi kích cỡ, nong, xà gạc được treo trên vách nhà. Kho lúa phía trên bếp lửa vẫn dùng để đựng bắp, lúa, đậu sau khi thu hoạch...

Ông K’Đáh cho biết: gia đình ông dựng lại ngôi nhà này từ năm 1994. Khi đó, ở đây là khu rừng rộng lớn, mọi người trong nhà, bà con trong bon cùng nhau lên rừng hái cành lá mây và sợi mây đủ độ tuổi mang về kết lại theo đúng kích thước, chiều dài của ngôi nhà. Nguyên liệu làm nhà đều lấy từ rừng, dây mây, lá mây mang về phơi khô, đan lại rồi lợp mái, chặt lồ ô làm phên, sạp để nằm.

“Trước đây, khu vực này có vài chục ngôi nhà sàn truyền thống nhưng nay chỉ còn khoảng chục nhà. Các con tôi hiện đang sinh sống ở bon N’Jriêng. Cuộc sống ở bon mới đầy đủ và vui hơn, có điện sáng, đường nhựa và nước sạch, nhưng vợ chồng tôi vẫn muốn ở lại làng cũ này, bởi đây là nơi cha mẹ, tổ tiên của tôi đã sống và nơi đây còn in dấu nhiều kỷ niệm”.

Theo già làng K’Măng, ngôi nhà của gia đình ông K’Đáh còn nguyên vẹn kiến trúc truyền thống, được làm nguyên bản mẫu nhà trệt của người Mạ. Phên thân cây lồ ô, mái lá mây nước một loại cây chỉ mọc gần bờ suối trong rừng sâu, mà nay trong rừng rất hiếm. Giờ muốn làm ngôi nhà truyền thống nguyên bản như thế này rất khó.

“Với bà con người Mạ ở bon N’Jiêng, ngôi làng cũ trên đỉnh Đăng N’Jriêng là nơi đi-về của tổ tiên, ông bà. Những ngày lễ quan trọng, bà con trong bon góp gạo, tiền chở con cháu vào làng cũ thăm nom và gìn giữ các vật dụng để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội, tổ tiên”, già làng K’Măng nhấn mạnh.

Bảo tồn những nếp nhà sàn

Già Làng K’Măng, bon N’Jiêng kể: Ngày xưa, khu vực này rừng núi bao phủ, núi Đăng N’Jiêng là rừng thiêng, cộng đồng người Châu Mạ lập làng, sinh sống phồn thịnh trên đỉnh núi.

Đồng bào dân tộc Mạ bon NJieng, xã Đăk Nia đánh cồng chiêng trong sân nhà văn hóa cộng đồng. Đồng bào dân tộc Mạ bon NJieng, xã Đăk Nia đánh cồng chiêng trong sân nhà văn hóa cộng đồng.

 

Một ngày nọ nước biển dâng cao, các quả đồi khu vực cao nguyên Đăk Nia đều bị ngập nước, riêng đồi Đăng N’Jiêng còn đứng sừng sững chạm tầng mây với cánh rừng xanh ngát thâm u, hoa trái có vị ngon đặc biệt. Nước biển tràn ngập khắp nơi, cây chuối rừng cũng ngấm vị mặn chát, mọi người kéo nhau lên rừng hái trái, lấy lá, đào củ mang về nấu ăn, chặt cây chuối nấu cùng ăn thay muối.

Một hôm, có người khổng lồ từ đâu xuất hiện bước lên đỉnh đồi đẩy tầng trời lên, chân người khổng lồ đạp đến chỗ nào thì chỗ đó thành ao hồ, đồng bào lấy nước ngọt trong ao để ăn uống. Khi nước biển vừa hạ thì ngọn lửa lớn từ miệng núi lửa Nâm kle ở xã Thuận An, huyện Đăk Mil phun đến thiêu rụi hết cả khu vực rộng lớn nhưng một lần nữa, đỉnh Đăng N’jiêng lại không bị ngọn lửa xâm hại.

Bà con người Mạ trên đỉnh Đăng N’Jiêng chung sống quây quần, đoàn kết cùng nhau khai hoang làm nương rẫy. Mãi cho đến khi thực dân Pháp xâm lược và thực hiện dồn dân lập ấp, toàn bộ người Mạ buộc phải xuống núi đến nơi ở khác. Nhớ ngôi làng cũ, bà con đã thống nhất lấy tên N’Jriêng đặt tên cho bon mới bây giờ.

Đất nước thống nhất hàng chục hộ đồng bào Mạ lại lên đỉnh Đăng N’Jiêng khai hoang sản xuất, dựng nhà lá theo kiến trúc nhà sàn, gìn giữ nét đẹp văn hóa độc đáo trong ngôi nhà truyền thống. “Ở bon mới người Mạ xây dựng nhà ở hiện đại, chỉ có đỉnh núi Đăng N’Jriêng còn nhà sàn truyền thống”, già làng K’Măng cho biết.

Xã Đăk Nia có 12 thôn, bon, trong đó có 5 bon đồng bào dân tộc Mạ. Mỗi bon đều đã thành lập câu lạc bộ cồng chiêng và đội văn nghệ dân gian, thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa. Những ngày lễ, Tết, đồng bào Mạ lại cùng nhau tổ chức liên hoan, giao lưu để chia sẻ những kinh nghiệm hay trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nia chia sẻ: Bon N’Jriêng hiện có khoảng 360 hộ sinh sống, nhưng trong bon không có nhà sàn truyền thống nên đồng bào Mạ cố gắng giữ gìn những nếp nhà sàn còn lại trên đỉnh Đăng N’Jriêng. Hiện nay, những căn nhà sàn này đang có nguy cơ mai một. Địa phương cũng đã đề xuất lên các cấp xem xét, có phương án hỗ trợ đồng bào tu bổ, tôn tạo lưu giữ những nếp nhà sàn ở bon cổ; đồng thời kết hợp với mô hình phát triển du lịch cộng đồng.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Khung cảnh đìu hiu, vắng lặng bên trong bảo tàng lớn nhất vùng cao nguyên đá Hà Giang

Khung cảnh đìu hiu, vắng lặng bên trong bảo tàng lớn nhất vùng cao nguyên đá Hà Giang

Dù được đầu tư với kinh khoản kinh phí lớn, nhưng Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) luôn trong tình trạng đìu hiu, vắng lặng. Nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, cửa đóng, then cài.