Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những ngôi trường mơ ước

PV - 16:34, 02/04/2018

Nhiều điểm trường mầm non, tiểu học tạm bợ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi tỉnh Quảng Trị đã được xây mới khang trang. Thông qua tâm nguyện và tài trợ của một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Quảng Trị, tổ chức từ thiện Sài Gòn Children’s Charity (SCC) đã hiện thực hóa giấc mơ ấy cho cô trò nơi miền sơn cước này…

Tâm nguyện của những cựu binh Mỹ

Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Hoàng Phương, Quản lý chương trình Xây dựng trường học và Môi trường học đường của tổ chức SCC cùng các thành viên trong đoàn vừa từ TP. Hồ Chí Minh ra khảo sát một số điểm trường tạm bợ, xuống cấp cần hỗ trợ tại tỉnh Quảng Trị vào những ngày cuối năm 2017. Anh Phương cho hay, thông qua ý nguyện và sự tài trợ của một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Quảng Trị, SCC đã tiến hành khảo sát và xây dựng các phòng học, điểm trường lẻ cấp tiểu học và mầm non tại 2 huyện miền núi Quảng Trị là Hướng Hóa và Đakrông bắt đầu từ năm học 2013-2014.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm với cô trò điểm trường mầm non Tà Ri 2, xã Húc. Đoàn chụp ảnh lưu niệm với cô trò điểm trường mầm non Tà Ri 2, xã Húc.

 

Lần trở lại Quảng Trị này trong đoàn có cả George Barczay và Judd Kinne-là hai cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Khe Sanh vào thời điểm ác liệt nhất (năm 1967). Trên đường đi, hai cựu binh kể về hành trình trở lại Quảng Trị mang theo ước nguyện “phải làm một điều gì đó” cho mảnh đất này. Lần đầu trở lại thăm nơi mình từng tham chiến ở Khe Sanh vào năm 2014, chứng kiến lũ trẻ nhọc nhằm học tạm bợ trong những lớp học tre nứa, hai ông đã nảy ra ý nguyện phải xây dựng cho lũ trẻ những ngôi trường.

Về nước hai ông ra sức vận động, tìm kiếm nguồn tài trợ và cuối cùng cũng đã tài trợ số tiền ban đầu khoảng 700 triệu đồng để xây nên 2 điểm trường đầu tiên cho các em học sinh ở Tà Ri 2 (xã Húc) và Tà Rụi (xã Hướng Lộc) của huyện Hướng Hóa. Judd Kinne kể: Cũng vào thời điểm trên thì chiếc máy ảnh Leica M3D mà ông được cựu phóng viên chiến trường David Douglas Duncan (người Mỹ, sinh năm 1916) tặng đã được bán đấu giá gần 2 triệu USD. David Douglas Duncan là phóng viên của tạp chí LIFE-là một trong những phóng viên chiến trường nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Chiếc máy ảnh Leica M3D được David Douglas Duncan sử dụng trong chiến tranh Việt Nam vào các năm 1953, 1967, 1968 và đã ghi lại được những bức ảnh mang tính biểu tượng của chiến tranh Việt Nam. Từ số tiền bán đấu giá được của chiếc máy ảnh lịch sử, thông qua tổ chức SCC, Judd Kinne đã trích một phần để tiếp tục tài trợ xây dựng những ngôi trường cho trẻ em vùng cao Quảng Trị.

“Từ 2 điểm trường đầu tiên ấy, từ nguồn kinh phí Judd Kinne tiếp tục tài trợ đến nay chúng tôi đã hoàn thành xây dựng và bàn giao được 9 điểm trường với tổng số 17 phòng học (Hướng Hóa 7 điểm trường, Đakrông 2 điểm trường) tại Quảng Trị. Tổng giá trị các điểm trường đã được xây dựng là trên 8,5 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đang tiếp tục khảo sát và chuẩn bị hỗ trợ xây mới một số điểm trường đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng tại huyện Hướng Hóa và Hải Lăng”, anh Phương chia sẻ.

Niềm vui của cô trò miền sơn cước

Tự tay trao tặng cuốn sách ảnh mình đã từng ghi lại vào ngày khánh thành trường mấy năm trước cho các cô giáo ở điểm trường Tà Ri 2 và Tà Rụi, Judd Kinne nói rằng: “Đó là món quà nhỏ tặng các cô giáo. Tôi đã giữ gìn rất kỹ những bức ảnh này và cố gắng in ra một cách đẹp nhất. Mong các cô hài lòng nhận món quà nhỏ này và tiếp tục vượt khó, gắn bó với sứ mệnh ươm mầm mơ ước cho bọn trẻ. Thật tình chúng tôi vô cùng cảm kích với tấm lòng của các cô giáo”.

Niềm vui của cô trò điểm trường Tà Rụi, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa. Niềm vui của cô trò điểm trường Tà Rụi, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa.

 

Các cô giáo mầm non và các cháu xúm lại lật từng bức ảnh sinh động mà mình là nhân vật chính được ghi lại, được mang trở lại từ bên kia bán cầu với tất cả niềm xúc động lớn. “Không ngờ các ông ấy lại chu đáo như thế. Đã tài trợ xây trường cho các em còn trở lại thăm tặng quà, tặng sách ảnh và còn nhớ đến chúng tôi dù đã không gặp nhiều năm. Không có hạnh phúc nào bằng khi nhận được sự quan tâm và những tấm lòng ấm áp như thế”, cô Nguyễn Thị Năm, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Hướng Lộc nói trong niềm vui.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, hiện nay toàn huyện còn khoảng 47 phòng học tiểu học và mầm non tạm bợ hoặc phải mượn nhà dân để dạy học, cần sớm được đầu tư. “Ngành giáo dục và địa phương đều đánh giá cao và cảm kích tấm lòng của các cựu binh Mỹ, của tổ chức SCC đã giúp địa phương xây dựng nhiều điểm trường kiên cố, khang trang. Điều này đã giúp cải thiện cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng giáo dục của vùng khó huyện Hướng Hóa”, ông Đức nói.

LÊ ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.