Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những người “đi trước” ở vùng đất khó

PV - 10:21, 27/02/2019

Với lòng nhiệt huyết ngày đêm không quản ngại vất vả, nhiều năm qua những đảng viên, là người DTTS ở bản tái định cư Thanh Bình xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã bền bỉ tuyên truyền các chính sách của Nhà nước về với người dân. Trong phát triển kinh tế, họ chính là người đi đầu khai phá vùng đất khó để giúp đồng bào vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Ông Lữ Xuân Bích (bên phải), Bí thư Chi bộ bản Thanh Bình đang hướng dẫn người dân chăm sóc chè. Ông Lữ Xuân Bích (bên phải), Bí thư Chi bộ bản Thanh Bình đang hướng dẫn người dân chăm sóc chè.

Chiêu dân lập bản

Với người dân bản Thanh Bình, hình ảnh về ông Lữ Xuân Bích, Bí thư Chi bộ bản đã trở nên gần gũi, thân thuộc. Ông được ví như người “nhen lửa” cho vùng đất tái định cư nơi đây. Còn nhớ năm 2012, khi đồng bào Khơ-mú ở Tương Dương nhường đất cho công trình Thủy điện Bản Vẽ về tái định cư ở bản Thanh Bình, khi ấy trong vai trò trách nhiệm là Bí thư Chi bộ của bản, ông Bích là người “chiêu dân lập bản” động viên từng gia đình chuyển ra tái định cư ở bản Thanh Bình.

Ông Bích chia sẻ: Những ngày đầu tiên chuyển về vùng đất mới, vốn đất sản xuất hạn chế, bà con lại chưa quen với môi trường mới, nên nhiều gia đình đã có ý định quay lại bản cũ. Hiểu rằng, chỉ nói mà không làm thì bà con không nghe, không phục nên ông Bích cùng 12 đảng viên trong Chi bộ đã hợp sức cùng nhau vượt khó, bám đất để làm ăn cho bà con noi theo.

Hai tháng sau khi ổn định nơi ở, ông Bích dành toàn bộ tiền đền bù để dồn sức đầu tư cải tạo đất vùng đồi Khe Cam trồng chè. Sau thời gian khai hoang vỡ hóa, gia đình ông đã cải tạo được gần 1ha đất để trồng chè làm mẫu cho bà con học theo. Gia đình càng có động lực hơn sau khi được biết Nhà nước có hỗ trợ giống chè cho bà con tái định cư khai hoang làm kinh tế.

Để có nước tưới cho cây chè mùa khô hạn, với sự hỗ trợ của chính quyền và người dân nơi đây, một con mương lấy nước từ suối Khe Cam đã được xây dựng. Có nước tưới, cây chè của gia đình ông Bích phát triển tốt. Sau 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và đem về giá trị thu nhập cao cho gia đình.

Từ kết quả ban đầu của gia đình ông, người dân ở bản Thanh Bình đã tin tưởng nghe và làm theo ông. Từ một vài hộ ban đầu đến nay 36/36 hộ của bản đều trồng chè, với diện tích hơn 10ha. Mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn, với giá trị thu nhập lên đến trăm triệu đồng.

Trong bản có những hộ như Moong Công Cường, Quật Văn Xuân… đã mở rộng diện tích canh tác chè lên tới 1,5ha. Nhờ đó, cuộc sống của các hộ này đã được cải thiện, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa.

Anh Moong Công Cường cho biết: Thời gian đầu tới định cư nơi đây cuộc sống bế tắc không biết làm gì, trồng cây gì, nuôi con gì để sống. Nhờ Bí thư Chi bộ Lữ Xuân Bích chỉ đường cho cách trồng cây chè và chăn nuôi, hiện nay gia đình đã trồng được hơn 1ha chè cùng với trồng lúa chăn nuôi lợn, gà. Theo Moong Công Cường, cây chè đã đánh thức tiềm năng đất đai nơi đây, đang cho người dân có cơm ăn áo mặc…

Người dân bản Thanh Bình khai hoang làm lúa nước. Người dân bản Thanh Bình khai hoang làm lúa nước.

Cuộc sống ấm no

Ở bản Thanh Bình ngoài đảng viên Lữ Xuân Bích người dân còn thường xuyên nhắc tới ông Hùng Ngọc Quế, Phó Bí thư Chi bộ bản Thanh Bình. Ông lại là người giúp bà con đưa cây lúa nước về bản để đời sống người dân được no ấm.

Ông Quế cho biết: Quá trình đưa cây lúa nước về bản là quá trình đầy khó khăn. Đồng bào ở đây quen với cuộc sống làm nương làm rẫy, cầm dao, rựa quen rồi nên để thay đổi phương thức sản xuất của bà con là vấn đề không đơn giản. Làm sao để chứng minh việc trồng lúa nước có hiệu quả. Đầu tiên, gia đình ông đã tiên phong khai hoang cải tạo đất trồng 3 sào lúa nước. Nhờ được tập huấn kỹ thuật chăm bón nên 3 sào lúa của gia đình phát triển tốt mỗi vụ cho thu nhập 2 tạ/sào.

Thấy trồng lúa nước hiệu quả thiết thực nên nhiều người dân trong bản đã tập trung làm theo ông Quế. Với sự hướng dẫn của ông, các hộ tập trung đào mương, đắp bờ giữ nước. Đến nay bản tái định cư Thanh Bình đã cải tạo và trồng được hơn 6 ha lúa nước; được chính quyền quan tâm thường xuyên mở các lớp tập huấn trồng trọt và chăm sóc cây trồng, hỗ trợ về giống và phân bón, với diện tích này cơ bản đã đáp ứng được lương thực cho người dân.

Ông Quật Văn Xuân, một người dân trong bản phấn khởi cho biết: gia đình nghe theo cán bộ trồng 3 sào lúa nước mỗi vụ cho thu hoạch hơn 6 tạ đảm bảo lương thực cho gia đình rồi, còn cây chè và chăn nuôi là để tích góp cho con học cái chữ sau này làm người có ích cho xã hội…

Theo ông Quế thì ngoài trồng chè, trồng lúa nước người dân còn biết mở rộng diện tích trồng keo, bà con bản Thanh Bình còn sử dụng hợp lý các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để phát triển gần 42ha keo, 4ha sắn và nhiều gia trại chăn nuôi. Nhờ ổn định sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo trong bản đã giảm đi trông thấy.

Nếu như thời điểm năm 2010, khi bà con bắt đầu chuyển về định cư, tỷ lệ hộ nghèo bản là 100% thì nay đã giảm xuống còn khoảng 60%. Thu nhập bình quân đầu người cũng đã xấp xỉ 9-10 triệu đồng/năm. Dù rằng, kết quả còn khiêm tốn, nhưng kết quả khai hoang, phục hóa thành công bước đầu đã tạo động lực thúc đẩy bà con vươn lên để gây dựng cuộc sống trên vùng đất mới.

Ông Lô Văn Nguyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn nhận xét: “Những đảng viên nhiệt tình, gương mẫu luôn đi đầu như ông Bích, ông Quế, đã tạo niềm tin, động lực cho người dân ở bản tái định cư Thanh Bình thay đổi tư duy, tập quán làm ăn kinh tế. Nhờ đó, đời sống của người dân ở Thanh Bình ngày càng đổi thay, khởi sắc…”.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Đối diện "rớt" chuẩn và "lỗi hẹn" về đích NTM (Bài 2)

Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Đối diện "rớt" chuẩn và "lỗi hẹn" về đích NTM (Bài 2)

Tuy đã có nhiều nỗ lực, song công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 được điều chỉnh theo hướng nâng cao nên các địa phương gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện. Do đời sống kinh tế-xã hội phát triển chưa thực sự bền vững, nhiều xã NTM trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ “rớt chuẩn”các tiêu chí NTM và "lỗi hẹn" về tiến độ hoàn thành xây dựng NTM.