Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Những người “gác cổng” vì sự bình yên của thôn làng

T.Nhân - 09:42, 08/08/2023

Tích cực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tránh xa tệ nạn… Qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được những già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở Khánh Hòa, thực sự là những người “gác cổng” vì sự bình yên, phát triển của thôn làng.


Những Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở Khánh Hòa luôn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thôn làng.
Những Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở Khánh Hòa luôn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thôn làng.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có 88 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, họ là những người luôn gần gũi, tích cực tuyên truyền và là những tấm gương sáng để đồng bào nỗ lực vươn lên chăm lo phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình… Điển hình như ông Cao Truyền, Trưởng thôn và là Người có uy tín ở thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Truyền còn hướng dẫn bà con làm theo để có cuộc sống ổn định nên được bà con tin tưởng.

Ông Cao Truyền chia sẻ: “Mình làm ăn được thì phải giúp dân làng cùng phát triển. Mình vận động người dân vay vốn đầu tư, còn mình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Nhờ vậy đã giúp nhiều người trong thôn có thu nhập và cuộc sống ổn định”.

Với vai trò là Trưởng thôn và Người có uy tín, 10 năm qua, ông Cao Truyền luôn đóng vai trò là người “gác cổng”, giúp dân làng tiếp thu những cái tốt, loại trừ cái xấu để thôn làng ngày càng phát triển. Ông tích cực phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh tranh chấp đất đai; tuyên truyền người dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu; tố giác các loại tội phạm trên địa bàn, góp phần giữ bình yên ở cơ sở.

Ở thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, ông Y Cho là Người có uy tín từ nhiều năm nay. Theo người dân ở thôn, nhờ ông Y Cho tuyên truyền nên tình trạng tảo hôn, thách cưới ở thôn đã giảm hẳn. Từng làm cán bộ xã, hiểu được luật pháp, ông Y Cho đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, xóm, tới từng nhà vận động, phân tích cho người dân hiểu về những tác hại, hệ lụy của nạn tảo hôn. Mưa dầm thấm lâu, giờ người dân đã xóa bỏ các phong tục lạc hậu, nạn tảo hôn đã hầu như không còn, khi đau ốm, bà con đã đến Trạm y tế để thăm khám.

Với mong muốn người dân trong thôn có cái ăn, cái mặc như mình, ông Cao Xà Ngân, Người có uy tín thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh không ngại khó, ngại khổ tới từng nhà hướng dẫn cách làm đất, trồng lúa nước, trồng chuối, keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm… để cải thiện cuộc sống.

Ông tích cực vận động các hộ dân tham gia những buổi tập huấn do địa phương tổ chức để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật làm nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, vận động đồng bào DTTS không để các tệ nạn xã hội xâm nhập vào bản làng; không để kẻ xấu lợi dụng gây mất tình hình an ninh trật tự. Nhờ vậy, nhiều năm liền, thôn Đá Mài không có các tệ nạn xã hội; tình hình an ninh trật tự được bảo đảm; gần 1/3 số hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Theo ông Phạm Duy Khánh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa: Những Người có uy tín trong tỉnh đã phát huy được vị trí, vai trò của mình trên các mặt công tác. Đồng thời, tích cực vận động đồng bào đoàn kết, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Có thể nói, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Khánh Hòa đều có điểm chung là gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình; “nói đi đôi với làm” và luôn được người dân tin tưởng, nghe và làm theo.

Tin cùng chuyên mục
Nghèo, khó... không bao giờ là lý do từ bỏ ước mơ

Nghèo, khó... không bao giờ là lý do từ bỏ ước mơ

Sinh ra ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An, trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ vướng vòng lao lý, bố làm thuê, nhưng Ốc Thị Quỳnh Anh không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, mặc cảm vươn lên giành được học bổng trị giá 1 tỷ đồng của trường Đại học Anh Quốc...