Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những “nhà giáo” không lương

PV - 14:13, 16/11/2018

Nhận được mặt chữ, đọc thông viết thạo cả chữ phổ thông và chữ viết của chính dân tộc mình tưởng chừng là một việc rất đơn giản với mỗi người trong thời đại ngày nay, thế nhưng, ở một số vùng dân tộc thiểu số và miền núi, điều đó vẫn còn khá xa vời. Để khắc phục tình trạng này, có không ít những cá nhân, tổ chức bằng tình cảm, lòng nhân ái, tự nguyện tận tâm, tận lực mang con chữ đến cho đồng bào. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Báo Dân tộc và Phát triển giới thiệu đến bạn đọc những tấm gương “thầy giáo” không lương như một lời tri ân.

Bài 1: Thầm lặng gieo chữ nơi cuối dòng Thác Bà

Mặc dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng hàng ngày chứng kiến đồng bào nghèo quê nhà (xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) chưa biết chữ, cựu chiến binh Đỗ Minh Bản chẳng thể vui thú điền viên, ông đã đi đến quyết định, mở một lớp học “đặc biệt” nơi thâm sơn cùng cốc này.

Vượt hồ Thác Bà học chữ

Chúng tôi đến thôn 4 Vàn, xã Phúc Lợi, trong những ngày cuối tháng 11 trời bắt đầu trở rét. Giữa lòng hồ Thác Bà phủ một màn sương bảng lảng càng khiến cho không gian thêm hoang vu, cô tịch. Theo chân ông Đỗ Minh Bản, ra bến đợi đầy lau lách, mất 5 phút thì xuất hiện 2 chiếc thuyền từ ngoài tiến vào bến. Trên thuyền hầu hết là phụ nữ trong trang phục truyền thống của dân tộc Dao, từ xa đã nghe tiếng các chị nói cười rôm rả.

Cựu chiến binh Đỗ Minh Bản đón học sinh vùng lòng hồ tới học. Cựu chiến binh Đỗ Minh Bản đón học sinh vùng lòng hồ tới học.

Tươi cười đón học sinh của mình, cựu chiến binh Đỗ Minh Bản cho biết, sống ở trong vùng lòng hồ Thác Bà, điều kiện đi lại quá khó khăn, nên bà con người Dao rất ít người biết chữ. “Là một người lính, hoàn thành nghĩa vụ về với địa phương, tôi rất trăn trở trước thực tế này của bà con dân bản. Chiến tranh đã qua rồi, giặc ngoại xâm cũng không còn, nhưng bà con vẫn phải đối diện với “giặc nghèo”, “giặc dốt”. Vì vậy, khi địa phương có chủ trương xóa mù chữ, tôi đã xin với chính quyền địa phương mở lớp học xóa mù chữ này”, cựu chiến binh Đỗ Minh Bản cho hay.

Theo lời thầy giáo Bản, thời gian đầu cứ ngỡ rằng điều kiện đi lại khó khăn như vậy, sẽ rất ít người theo học. Nhưng ngay sau khi mở, lớp học đã thu hút gần 30 học viên tham gia, hầu hết là chị em tuổi đời từ 25 đến 50. Lớp học được tổ chức mỗi tuần ba buổi: trưa thứ 2, thứ 3 và thứ 5, tại nhà văn hóa thôn 4 Vàn, xã Phúc Lợi. Đặc biệt, là dù phải chèo thuyền suốt 2 tiếng đồng hồ mới đến được lớp học, nhưng không ai nghỉ một buổi học nào. “Chỉ mới qua 2 tháng học chữ, nhiều chị đã bắt đầu biết đọc biết viết. Các chị phấn khởi lắm”, ông Bản chia sẻ.

Tham gia lớp học từ ngày đầu, chị Lý Thị Nhường 40 tuổi kể, mỗi lần đi họp phụ huynh cho con hay đi lên xã làm các thủ tục hành chính, vì không biết chữ nên chị phải điểm chỉ, nghĩ cũng rất ngượng. Khi lớp học của thầy Bản mở, chị đã đăng ký tham gia. Sau hơn 2 tháng học, chị đã biết đánh vần và biết viết tên của mình.

Bà Vi Thị Hồng, thôn 4 Vàn cũng bộc bạch, không biết chữ ngại lắm, bởi khi các cháu của bà hỏi, bà chẳng biết trả lời thế nào. Từ khi tham gia lớp học, bà đã biết đọc, viết và tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người.

Không đơn độc

Một điều đáng quý là “thầy Bản rất nhiệt tình và trách nhiệm ở địa phương này nên các em không cảm thấy ngại khi tham gia học, thầy Đỗ Minh Bản không hề đơn độc. Tất cả các học viên trong lớp của thầy Bản được giáo viên Trường Tiểu học xã Phúc Lợi hỗ trợ về sách vở, dụng cụ học tập. Những nét chữ nắn nót, những tiếng đánh vần còn chưa sõi của các học viên vang lên đều đặn mỗi trưa, các chị, các mẹ đang cố gắng học con chữ để nâng cao dân trí. Đây cũng chính là mong muốn của các học viên, cũng như thầy giáo Bản khi đến với lớp học đặc biệt này.

Cựu chiến binh Bản ân cần cầm bút chỉ dạy học sinh. Cựu chiến binh Bản ân cần cầm bút chỉ dạy học sinh.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên, hết năm 2017, trên địa bàn huyện có 91,76% số người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 ở mức độ 1 và ở mức độ 2 đạt 88,13%. Hết năm 2017, trên địa bàn huyện còn khoảng 8,24% đồng bào dân tộc thiểu số độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết chữ. Nguyên nhân do phong tục tập quán, một phần vì ở vùng sâu, vùng xa nên khó khăn trong quá trình đi lại. Tuy nhiên, huyện cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác chống mù chữ.

Để khắc phục tình trạng này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên đã chỉ đạo các đơn vị trường học điều tra, thống kê số lượng người mù chữ và tái mù chữ; xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu mở các lớp học xóa mù chữ để nâng cao tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ trên địa bàn, nhất là tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Lục Yên đạt chuẩn xóa mù chữ ở mức độ 2 với 22/24 xã, thị trấn và xóa mù chữ cho 930 người DTTS, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 đạt 94%.

Ông Vũ Tô Hoàng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên bộc bạch, để công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả cao, một mình ngành Giáo dục không thể làm được. Do đó, ngành rất khuyến khích các cá nhân, tổ chức cùng tham gia. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã mở 3 lớp xóa mù. Hai lớp tại xã Trung tâm với 68 học viên do giáo viên Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Trung Tâm trực tiếp giảng dạy.

Đặc biệt, lớp học tại xã Phúc Lợi, với 27 học viên do cựu chiến binh Đỗ Minh Bản giảng dạy rất hiệu quả. Điều đáng trân trọng là, dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn, còn phải lo lao động sản xuất, tổ chức cuộc sống gia đình, nhưng các giáo viên, cũng như thầy Bản đều tham gia dạy học với tinh thần tự nguyện, không nhận bất cứ đồng bồi dưỡng nào”.

HIẾU ANH - BIÊN THÙY

Tin cùng chuyên mục
Sầu riêng chết hàng loạt, người dân Bình Phước lo lắng

Sầu riêng chết hàng loạt, người dân Bình Phước lo lắng

Khoảng 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên, khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay, đã có khoảng 200 ha sầu riêng ở địa phương bị chết.