Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những “nhà giáo” không lương

PV - 11:05, 23/11/2018

“Mở lớp để dạy học chữ dân tộc Khmer cho lớp trẻ không chỉ giúp các em biết được con chữ của dân tộc mình, mà còn giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội…”, đây là suy nghĩ của hầu hết các Hòa thượng, Thượng tọa, nhà sư ở các chùa Khmer vùng Tây Nam bộ. Với suy nghĩ này, những năm qua, tại các chùa đã có rất nhiều lớp học miễn phí, thu hút rất đông đồng bào Khmer theo học. Phụ trách giảng dạy ở những lớp học này là những nhà giáo mang áo tu hành.

Bài cuối:  Nhà giáo mang áo tu hành

nhà giáo không lương Một buổi học tại chùa Tà Teng (Kiên Giang).

 

10 năm dạy chữ cho sinh viên nghèo

Nằm giữa trung tâm thành phố Cần Thơ, hằng ngày người dân vẫn nghe tiếng học bài ê a trong chùa Pitu Khôsa Răngsây. Đây là lớp học do Thượng tọa Hoàng Kim mở để dạy chữ và tiếng Khmer, học viên hầu hết là sinh viên đại học người Khmer.

Thượng tọa Hoàng Kim tên thật là Lý Hùng, sinh năm 1967, trong một gia đình nghèo ở Cần Thơ. Ngày nhỏ, sư thầy thường phải theo mẹ đi khắp nơi kiếm sống, không được học hành đến nơi, đến chốn. Năm 1982, thầy vào chùa Sanvor Pôthinhen ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ xin xuất gia và được đặt pháp danh là Hoàng Kim. Năm tháng xuất gia, sư Lý Hùng dành hết tâm trí chuyên tâm vào tu học. Năm 1996, sư Lý Hùng được bổ nhiệm làm Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây. Đây là ngôi chùa có bề dày lịch sử văn hóa, từng là địa chỉ đỏ của thời kỳ cách mạng trước đây.

Sư Lý Hùng cho biết: Cuộc sống nhiều khó khăn nên trước kia sư không được học bài bản. Sư rất tiếc vì sư rất hiểu giá trị của tri thức. Bởi vậy, dù là trụ trì chùa, rất nhiều công việc sư phải lo, từ việc chăm lo giữ gìn bản sắc ngôi chùa Khmer, chăm lo dạy dỗ, truyền giảng cho các phật tử, tăng ni hiểu được về đạo đức, lễ nghĩa ở đời, hướng tới cuộc sống thiện tâm… sư vẫn dành thời gian để học nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức.

Hiện tại sư Lý Hùng đang hoàn thiện luận án nghiên cứu sinh chuyên ngành phật giáo Nam Tông. Ngoài ra, sư Lý Hùng còn phát tâm mở ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo, đồng thời mở lớp dạy tiếng Khmer cho các em.

Sư Lý Hùng chia sẻ, ký túc xá của nhà chùa lúc nào cũng có hơn 20 em sinh viên nghèo người Khmer trọ học miễn phí. Mỗi buổi tối sinh viên đều được sư Lý Hùng dạy chữ khmer. Thấy học chữ Khmer rất bổ ích, các em sinh viên còn rủ thêm bạn bè tới học nên lớp thường xuyên có trên 50 người. Hơn 10 năm Chùa mở lớp dạy học miễn phí, khoảng 500 học viên đã biết đọc, biết viết chữ Khmer.

Em Thạch Lam Sơn, quê Sóc Trăng, hiện là sinh viên đại học năm 2 chia sẻ: Dân tộc Khmer chúng em có truyền thống là thanh niên phải có thời gian tu báo hiếu ở chùa để học đạo đức, lễ nghĩa. Thế nhưng do bận rộn với công việc học nên bản thân em và rất nhiều bạn rất khó sắp xếp. Tuy nhiên rất may chúng em được biết lớp học của Thượng tọa Lý Hùng mở miễn phí nên chúng em tìm đến chùa xin Thượng tọa nương nhờ để tu và học chữ Khmer.

“Qua lớp học này, em đã đọc được chữ của dân tộc mình từ đó thêm yêu, thêm tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc. Em mong rằng, sẽ có nhiều lớp học như lớp học của Thượng tọa Lý Hùng mở để nhiều bạn trẻ có nơi học tập và chia sẻ cùng nhau bảo tồn, quảng bá văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”, Thạch Lam Sơn chia sẻ.

Một buổi học tiếng Khmer tại chùa Pitu Khôsa Răngsây (TP. Cần Thơ). Một buổi học tiếng Khmer tại chùa Pitu Khôsa Răngsây (TP. Cần Thơ).

Dạy chữ để tăng cường tình đoàn kết

Không chỉ ở nơi thị thành, ở những vùng biên giới xa xôi nhiều nhà sư miệt mài gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc, như Đại Đức Tiên Sà Rách, Trụ trì chùa Tà Teng, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang). Điều khá đặc biệt, trong lớp học này, Đại Đức Tiên Sà Rách không chỉ dạy chữ Khmer cho người dân trên địa bàn mà lớp học của Đại đức còn có cả bà con người Campuchia bên kia biên giới sang học.

Đại Đức Tiên Sà Rách, cho biết: “việc mở lớp để dạy cho các bạn trẻ không chỉ giúp các em biết được con chữ của dân tộc mình mà còn giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội. Mùa Hè qua, chùa mở 5 lớp dạy chữ Khmer cho khoảng130 em học sinh, từ 6 đến 8 tuổi tại các xã Phú Lợi, Tân Khánh Hòa và xã Phú Mỹ. Em nào không có tập sách, sư đi vận động về tặng cho các em tham gia lớp học chữ Khmer tại chùa”.

Không chỉ dạy học cho các em nhỏ, Đại đức Tiên Sà Rách còn tích cực dạy chữ cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ (Biên phòng tỉnh Kiên Giang). Trung uý Danh Hải, Đồn Biên phòng Phú Mỹ chia sẻ: Khi hay tin Đại đức mở lớp dạy tiếng Khmer, anh em trong đơn vị đã thay nhau đến lớp xin được tham gia học. Mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi từ 2 đến 3 giờ.

“Đồn Biên phòng đóng quân ở địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Việc học chữ Khmer để trao đổi, nắm thông tin trên địa bàn là rất cần thiết, nhất là thuận lợi hơn trong tuyên truyền pháp luật tới đồng bào, để cùng nhau bảo vệ biên giới”, Trung uý Danh Hải cho biết.

Đặc biệt, trên địa bàn có nhiều lớp học không chỉ người dân Việt Nam tham gia, mà có cả những người dân của nước bạn Campuchia sang học tiếng Việt. Cô Tan Hen, huyện Kam Pong Trach, tỉnh Kampot (Campuchia) cho biết: Lúc trước, tôi và bà con trong phum sóc mỗi lần sang đây buôn bán đều không biết chữ Việt Nam để đọc giấy tờ. Nhờ Đại đức Tiên Sà Rách dạy học chữ Việt Nam nên chúng tôi đã biết đọc, trao đổi giao dịch buôn bán với bà con vùng biên thuận lợi hơn rất nhiều”.

Cứ thế, đã bao nhiêu năm trôi qua, dưới mái hiên chùa luôn vang lên tiếng học bài từ các lớp học, rồi tiếng “thầy” cũng được người dân, các em học sinh học tiếng Khmer ở chùa dành gọi các nhà sư. Những việc làm của các sư đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, nhân lên lòng tự hào tình đoàn kết các dân tộc.

NHƯ HẠNH

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.